Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, năm 2022 xuất khẩu gạo đạt 7,13 triệu tấn, mang lại kim ngạch 3,45 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với cùng kỳ, giá xuất khẩu bình quân đạt 486 USD/tấn. Việt Nam nằm trong nhóm ba nước xuất khẩu gạo lớn thế giới, cùng với Ấn Độ và Thái Lan.
Vị thế nước xuất khẩu gạo lớn tiếp tục được duy trì trong năm 2023, theo đó, ngành lúa gạo Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu từ 6,5 - 7 triệu tấn gạo, trong đó có khoảng 3 triệu tấn gạo chất lượng cao.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, hoạt động xuất khẩu gạo năm 2023 của Việt Nam có nhiều thuận lợi về bối cảnh; trong đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán tại các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt. Ấn Độ áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% với chủng loại gạo trắng.
Nhu cầu tại các thị trường truyền thống như Indonesia, Bangladesh… tăng trở lại, cộng thêm Trung Quốc mở cửa thị trường sau dịch Covid-19, nhu cầu nhập khẩu dự báo quay trở lại như các năm. Chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao, các nước đều có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong tháng 1/2023 xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 359.310 tấn, mang lại 186,6 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình 519,3 USD/tấn. So với tháng 1/2022, giảm 29% về số lượng, nhưng tăng 6,8% về giá xuất khẩu.
Xuất khẩu gạo tháng 1 vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng như Philippines, Trung Quốc. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước.
Bộ Công thương cho biết, năm 2023, Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, sau năm 2022, xuất khẩu gạo sang thị trường này sụt giảm.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu lớn nhưng yêu cầu về chất lượng gạo ngày càng cao, buộc các doanh nghiệp phải tính toán lại sản xuất, để xuất bán những chủng loại gạo vừa có giá tốt, có khả năng cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu khác.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do.
Trong chiến lược phát triển ngành lúa gạo từ nay đến năm 2030, Việt Nam tiếp tục cụ thể hóa mục tiêu giảm sản lượng, giảm số lượng gạo xuất khẩu và tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu.