Xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc tăng vọt trở lại

(ĐTCK) Xuất khẩu nam châm đất hiếm của Trung Quốc sang Mỹ trong tháng 6 đã tăng hơn 7 lần so với tháng trước, do các công ty Mỹ đẩy mạnh tìm kiếm nguồn cung đất hiếm sau thỏa thuận thương mại sơ bộ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Vào tháng 4, Trung Quốc đã đặt ra các hạn chế đối với một số nam châm đất hiếm quan trọng, được sử dụng trong các công nghệ tiên tiến như xe điện, tua bin gió và máy chụp cộng hưởng từ (MRI), yêu cầu các công ty phải xin giấy phép xuất khẩu. Động thái này được xem là hành động đáp trả việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế cao đối với Trung Quốc.

Theo số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm thứ Hai (21/7), Mỹ đã nhập khẩu khoảng 353 tấn nam châm vĩnh cửu đất hiếm của Trung Quốc trong tháng 6, tăng 660% so với tháng trước, mặc dù lượng xuất khẩu của Trung Quốc chỉ bằng khoảng một nửa so với tháng 6/2024.

Mỹ là điểm đến lớn thứ hai của nam châm đất hiếm từ Trung Quốc, sau Đức, do nước này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhập khẩu này cho ngành sản xuất ô tô, điện tử và năng lượng tái tạo.

Tổng cộng, Trung Quốc đã xuất khẩu 3.188 tấn nam châm vĩnh cửu đất hiếm trên toàn cầu vào tháng 6, tăng gần 160% so với tháng 5, nhưng thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mức tăng trưởng xuất khẩu diễn ra sau khi Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí một khuôn khổ thương mại, bao gồm việc nới lỏng kiểm soát đối với xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc cũng như dỡ bỏ một số hạn chế công nghệ của Mỹ đối với các lô hàng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tuần trước, Nvidia cho biết đang có kế hoạch nối lại việc xuất khẩu chip AI H20 sang Trung Quốc, sau khi việc xuất khẩu bị hạn chế vào tháng 4. Tháng trước, các biện pháp kiểm soát đối với hoạt động kinh doanh của các công ty phần mềm chip AI của Mỹ tại Trung Quốc cũng đã được dỡ bỏ.

Các nhà sản xuất nam châm đất hiếm Trung Quốc đã bắt đầu công bố việc phê duyệt giấy phép xuất khẩu vào tháng trước.

Nếu xuất khẩu tiếp tục tăng, điều này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho các công ty đang phải chịu cảnh thiếu hụt nam châm do thời gian xin giấy phép xuất khẩu kéo dài. Tình trạng thiếu nam châm cũng ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp mới nổi như robot hình người. Vào tháng 4, Elon Musk cho biết việc sản xuất robot hình người Optimus của Tesla đã bị gián đoạn.

Mặt khác, việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm đã thúc đẩy một số chính phủ trên thế giới xem xét lại chuỗi cung ứng đất hiếm và tìm kiếm các biện pháp hỗ trợ khai thác khoáng sản trong nước.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc thiết lập các giải pháp thay thế cho chuỗi cung ứng nam châm đất hiếm của Trung Quốc có thể mất nhiều năm, vì nó đòi hỏi một quy trình tinh chế và phân tách nguyên tố đất hiếm phức tạp.

"Quy trình phân tách khá phức tạp, và Trung Quốc có rất nhiều lợi thế trong lĩnh vực này sau nhiều thập kỷ nghiên cứu", Yue Wang, cố vấn cấp cao về đất hiếm tại Wood Mackenzie cho biết.

Trong khi đó, Mỹ đang cố gắng bù đắp cho sự thiếu hụt nam châm đất hiếm thông qua việc tăng cường tái chế. Tuần trước, Apple và công ty khai thác MP Materials đã công bố một thỏa thuận trị giá 500 triệu USD để phát triển một cơ sở tái chế, qua đó củng cố chuỗi cung ứng nam châm của Apple tại Mỹ.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục