Ngành công nghiệp hóa dầu của châu Âu gặp nhiều thách thức

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành công nghiệp hóa dầu của châu Âu đang lao đao trước làn sóng đóng cửa nhà máy sau nhiều năm thua lỗ và sự mở rộng nhanh chóng trên toàn cầu do Trung Quốc dẫn đầu.
Ngành công nghiệp hóa dầu của châu Âu gặp nhiều thách thức

Chi phí sản xuất cao và các nhà máy lạc hậu đã khiến các nhà sản xuất châu Âu gặp khó khăn, khiến khu vực này ngày càng phụ thuộc vào việc nhập khẩu các hóa chất cơ bản như ethylene và propylene - những nguyên liệu chính sản xuất nhựa và vô số hàng hóa công nghiệp.

"Trong khi phần còn lại của thế giới đang xây dựng hơn 20 nhà máy hóa dầu mới, châu Âu đang mơ màng bước vào giai đoạn suy thoái của ngành công nghiệp này", Jim Ratcliffe, nhà sáng lập INEOS cho biết.

Mới đây, Ủy ban châu Âu đã cam kết hỗ trợ sản xuất các hóa chất được xem là chiến lược cho các ngành công nghiệp của khu vực, chẳng hạn như ethylene và propylene. Ủy ban có kế hoạch mở rộng viện trợ chính phủ để hiện đại hóa các nhà máy và yêu cầu các cuộc đấu thầu công khai ưu tiên cho hàng hóa sản xuất tại châu Âu.

Nhưng động thái này có thể đã quá muộn để đảo ngược xu hướng suy thoái của ngành.

Giuseppe Ricci, người đứng đầu bộ phận chuyển đổi công nghiệp tại tập đoàn năng lượng Eni của Ý cho biết, mảng kinh doanh hóa chất Versalis của Eni đã lỗ hơn 3 tỷ euro (3,5 tỷ USD) trong 5 năm qua, khi công ty đóng cửa hai nhà máy cracking hơi nước cuối cùng của Ý và đầu tư 2 tỷ euro (2,3 tỷ USD) vào các nhà máy lọc sinh học và tái chế hóa chất.

Các tập đoàn toàn cầu khác như Dow, ExxonMobil, TotalEnergies và Shell cũng đang đóng cửa hoặc xem xét lại các nhà máy hóa dầu tại châu Âu.

Trong đó, hầu hết các kế hoạch đóng cửa đều nhắm vào các nhà máy cracking – cơ sở chuyển hóa hydrocarbon thành ethylene, propylene hoặc các nguyên liệu hóa học chính khác.

Các nhà máy của EU chủ yếu là quy mô nhỏ và vừa, đang hoạt động với công suất sử dụng trung bình dưới 80%, mức được xem là không kinh tế.

Theo công ty tư vấn Wood Mackenzie, có tới 40% công suất ethylene của EU (tổng cộng 24,5 triệu tấn) đang có nguy cơ đóng cửa, bao gồm cả việc đóng cửa đã được công bố từ cuối năm 2024.

"Tỷ lệ các nhà máy cracking ở châu Âu gặp rủi ro cao hơn nhiều so với các khu vực khác", Robert Gilfillan, người đứng đầu thị trường nhựa và tái chế tại Wood Mackenzie cho biết.

Trong khi các nhà máy cũ ở châu Âu sử dụng naphtha làm nguyên liệu thô, Mỹ và Trung Đông lại sử dụng các nguyên liệu đầu vào rẻ hơn như etan - một sản phẩm phụ của khí đá phiến.

Ngành công nghiệp hóa dầu mở rộng

Theo công ty tư vấn ADI Analytics, công suất ethylene của Bắc Mỹ sẽ tăng từ 54 triệu tấn hiện tại lên 58 triệu tấn vào năm 2030.

Trong khi đó, “Trung Quốc sẽ tăng 6,5% công suất ethylene mỗi năm từ năm 2025 đến năm 2030, khi đó nước này sẽ sản xuất gần 87 triệu tấn ethylene mỗi năm”, Huang Yinguo, Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin Hóa chất Quốc gia Trung Quốc cho biết vào tháng 5.

Con số này cao hơn gấp ba lần công suất hiện tại của EU.

Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang xây dựng các nhà máy ở Đông Nam Á để xuất khẩu sang châu Âu và Bắc Mỹ nhằm tránh thuế carbon và thuế quan của phương Tây đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.

Mặt khác, các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã duy trì công suất ở mức thấp kể từ năm 2023 do không thể cạnh tranh.

Do đó, các nhà hoạch định chính sách châu Âu hiện đang phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: can thiệp quyết liệt hoặc chứng kiến nền tảng hóa chất của khu vực bị xói mòn.

Trong văn bản tháng 3, các quốc gia bao gồm Pháp, Ý và Tây Ban Nha đã kêu gọi ban hành "Đạo luật Hóa chất Quan trọng", vì dữ liệu mới nhất của EU cho thấy khu vực này là nước nhập khẩu ròng ethylene và propylene hàng năm trong giai đoạn 2019-2023.

Ủy viên Công nghiệp EU Stéphane Séjourné cho biết Brussels sẽ xác định các nguồn cung cấp và địa điểm sản xuất chiến lược.

Nhưng theo nhà phân tích Sebastian Satz của Citi, hầu hết các nhà máy cracking ở châu Âu đều đã hơn 40 năm tuổi, trong khi ở Trung Quốc là 11 năm tuổi. Và sản xuất ethylene ở châu Âu bằng naphtha có giá 800 USD/tấn, trong khi chưa đến 400 USD/tấn ở Mỹ nếu sử dụng etan, và khoảng 200 USD/tấn ở Trung Đông nếu sử dụng etan.

Sự hợp nhất

Một số công ty đang đặt cược lớn vào sự tồn tại.

INEOS - công ty vận hành một trong những cơ sở hóa dầu tiên tiến nhất châu Âu tại Cologne - đang xây dựng một nhà máy cracking etan trị giá 4 tỷ euro tại Antwer. Đây là nhà máy cracking mới đầu tiên ở châu Âu trong khoảng 30 năm qua, với công suất sản xuất 1,45 triệu tấn etylen mỗi năm.

Dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2026, nhà máy này đặt mục tiêu cạnh tranh với sản lượng của Trung Quốc và đáp ứng nhu cầu địa phương với lượng khí thải carbon thấp hơn.

Tại Trung Đông, sự hợp nhất đang tạo ra những tập đoàn khổng lồ trên toàn cầu.

Thương vụ sáp nhập giữa Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi và OMV của Áo với giá trị 60 tỷ USD sẽ hình thành nên Borouge Group - nhà sản xuất polyolefin lớn thứ tư thế giới. Công ty dự định xuất khẩu polymer sang châu Âu, cạnh tranh trực tiếp với các công ty Mỹ và châu Á.

Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng sản xuất hóa dầu của châu Âu sẽ không biến mất hoàn toàn mà sẽ trở thành thị trường mà của một số ít công ty dẫn đầu.

"Chỉ những công ty lớn của châu Âu có thị phần đủ để thiết lập giá cả cạnh tranh mới có thể tiếp tục sản xuất ethylene", Enzo Baglieri, giáo sư quản lý vận hành và công nghệ tại Trường Quản lý SDA Bocconi cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục