Mỹ không vội đạt thỏa thuận, cứng rắn với thời hạn áp thuế mới vào ngày 1/8

0:00 / 0:00
0:00
Mỹ đã ra tín hiệu không nới lỏng thời hạn chót ngày 1/8 để áp dụng mức thuế cao hơn đối với Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh khối này đang nỗ lực để đạt được một thỏa thuận kịp thời.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trao đổi với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trước cuộc gặp của họ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, vào ngày 21/1/2020. Ảnh: AFP Tổng thống Mỹ Donald Trump trao đổi với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trước cuộc gặp của họ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, vào ngày 21/1/2020. Ảnh: AFP

Mỹ đang ưu tiên chất lượng của các thỏa thuận

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent hôm 21/7 cho biết chính quyền Tổng thống Trump đang ưu tiên chất lượng của các thỏa thuận thương mại hơn là đáp ứng thời hạn sắp tới, trong bối cảnh các nước đang nỗ lực tránh các mức thuế quan mới của Mỹ có hiệu lực vào ngày 1/8.

"Chúng tôi sẽ không vội vàng chỉ vì muốn đạt được thỏa thuận", Bộ trưởng Bessent trả lời đài CNBC. Khi được hỏi liệu thời hạn áp thuế ngày 1/8 có thể được nới lỏng cho các quốc gia đang đàm phán không, ông cho biết điều đó tùy thuộc vào Tổng thống Trump.

"Nếu bằng cách nào đó chúng ta lại quay trở lại mức thuế quan ngày 1/8, tôi nghĩ rằng mức thuế quan cao hơn sẽ gây thêm áp lực buộc các quốc gia đó phải đạt được các thỏa thuận tốt hơn", Bộ trưởng Bessent nhấn mạnh.

Đầu tháng 4, Tổng thống Trump đã làm rung chuyển thị trường toàn cầu khi công bố kế hoạch áp thuế đối ứng toàn diện với hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ, trong đó có cả mức thuế cao hơn nhắm vào các đối tác lớn. Tuy nhiên, chính quyền của ông Trump đến nay vẫn chưa đạt được thỏa thuận với một số đối tác thương mại lớn, bao gồm Ấn Độ, EU và Nhật Bản, trong bối cảnh các cuộc đàm phán gặp nhiều khó khăn hơn dự liệu.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick nói rằng ông tin tưởng rằng Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với EU, nhưng cảnh báo rằng thời hạn cho mức thuế 30% với EU đã được ấn định.

"Đó là một thời hạn cứng, vì vậy vào ngày 1/8, mức thuế mới sẽ có hiệu lực", Bộ trưởng Lutnick phát biểu trên CBS News khi được hỏi về thời hạn áp thuế đối với EU.

Tuy nhiên, ông hé lộ rằng các cuộc đàm phán có thể tiếp tục sau ngày 1/8, đồng thời lưu ý: "Đây là hai đối tác thương mại lớn nhất thế giới (Mỹ và EU), đang đàm phán với nhau. Chúng tôi sẽ đạt được một thỏa thuận. Tôi tin tưởng chúng tôi sẽ đạt được một thỏa thuận".

"Không gì có thể ngăn cản các nước đàm phán với chúng tôi sau ngày 1/8, nhưng họ sẽ bắt đầu phải trả thuế vào ngày 1/8", Bộ trưởng Lutnick nói thêm.

EU tuyên bố họ đang chuẩn bị các biện pháp trả đũa Mỹ nếu các mức thuế thương mại trừng phạt được áp dụng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lutnick đã bác bỏ khả năng EU nhắm mục tiêu vào các mặt hàng như máy bay Boeing và rượu bourbon Kentucky. "Họ sẽ không làm điều đó", ông nhấn mạnh.

Các cuộc đàm phán cuối cùng để đạt được một thỏa thuận thương mại đang diễn ra và EU vẫn hy vọng có thể đàm phán được mức thuế suất thấp hơn. Khối này từng hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận thương mại tương tự như Vương quốc Anh, quốc gia đầu tiên đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ. Thỏa thuận đó bao gồm mức thuế quan cơ sở 10% với một số điều khoản liên quan đến nhập khẩu ô tô, thép và hàng không vũ trụ.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và giới phân tích ngày càng hoài nghi về khả năng Brussels đồng ý về một khuôn khổ thỏa thuận tương tự như vậy.

Thứ nhất, EU có mối quan hệ phức tạp hơn nhiều với Tổng thống Mỹ Donald Trump so với Vương quốc Anh. Tổng thống Trump thường xuyên chỉ trích về những gì ông coi là mối quan hệ thương mại mất cân bằng và các hoạt động thương mại không công bằng, điều mà EU phủ nhận.

Theo Hội đồng châu Âu - cơ quan quyền lực cao nhất của EU, tổng kim ngạch thương mại giữa EU và Mỹ đạt 1.680 tỷ EUR (tương đương 1.960 tỷ USD) vào năm 2024. Mặc dù EU có thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ, nhưng lại ghi nhận thâm hụt về dịch vụ. Nhìn chung, khối này có thặng dư thương mại khoảng 50 tỷ EUR với Mỹ vào năm ngoái, khi tính cả hàng hóa và dịch vụ.

Tờ Financial Times tuần trước đưa tin rằng Tổng thống Trump đang thúc đẩy mức thuế quan tối thiểu từ 15% đến 20% đối với hàng nhập khẩu từ EU trong bất kỳ thỏa thuận nào với khối này. Ông chủ Nhà Trắng cũng được cho là sẵn sàng giữ mức thuế quan 25% đối với ô tô nhập khẩu từ EU, một động thái sẽ gây tổn hại đặc biệt nặng nề cho các nhà xuất khẩu ô tô của Đức.

Phát biểu trên đài CNBC hôm 21/7, ông Arnaud Girod, Giám đốc kinh tế và chiến lược tài sản chéo tại Kepler Cheuvreux, cho rằng mức thuế từ 15% đến 20% "sẽ là một cú sốc hoàn toàn đối với xuất khẩu của châu Âu".

"Hơn nữa, cộng thêm sức mạnh của đồng euro mà chúng ta đang có... điều đó sẽ bắt đầu gây thiệt hại và rất khó khăn cho xuất khẩu của châu Âu, và tất nhiên, cũng có thể làm dấy lên một số lo ngại về lạm phát ở Mỹ", ông Girod nói thêm.

Quan điểm của EU đang thay đổi?

Lập trường có vẻ cứng rắn hơn của Nhà Trắng đối với Brussels đã khiến các nhà hoạch định chính sách EU phải cân nhắc cách họ sẽ phản ứng với mức thuế quan 30% của Mỹ, cao gấp 3 lần mức thuế cơ sở 10% mà Washington đang áp dụng kể từ tháng 4.

Đài CNBC dẫn lời một quan chức EU cho biết, đã có sự thay đổi rõ ràng về tâm lý liên quan đến phản ứng đối phó tiềm tàng của khối này trong số tất cả các quốc gia thành viên EU, ngoại trừ Hungary, nơi nhà lãnh đạo Viktor Orban là đồng minh của Tổng thống Trump.

Các biện pháp đối phó dự kiến của EU bao gồm việc áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 21 tỷ EUR, một biện pháp đang được dừng áp dụng cho đến ngày 6/8.

Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp cao nhất của EU, cũng đã chuẩn bị vòng thuế quan tiềm năng thứ hai nhắm vào thương mại trị giá 72 tỷ EUR. Các mặt hàng nhập khẩu từ quần áo đến nông sản và thực phẩm, đồ uống có thể bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, Wall Street Journal và Bloomberg đưa tin rằng ngày càng nhiều quốc gia thành viên của EU đã bày tỏ sự ủng hộ khối này triển khai công cụ ứng phó với thuế quan của Mỹ. Đây là công cụ thương mại mạnh mẽ nhất của EU, sẽ trao cho Ủy ban châu Âu quyền hạn rộng rãi để thực hiện hành động trả đũa Mỹ.

Ông Girod hoan nghênh động thái xoay chuyển chính sách thuế quan trong EU, cho rằng khối này cuối cùng đã thể hiện sức mạnh của mình và điều này là cần thiết để đạt được thỏa thuận.

"Tôi phải nói là họ đã rất, rất bình tĩnh với Mỹ cho đến nay, và giờ khi chúng ta đang tiến gần đến hạn chót, họ phải tỏ ra quyết liệt hơn một chút", ông Girod nhận xét.

Đại diện của Kepler Cheuvreux nói thêm rằng: "Việc không đạt được một thỏa thuận tốt hơn so với Anh là... một vấn đề đối với EU, và họ phải chứng minh rằng toàn bộ cấu trúc của EU là hữu ích".

Đông Phong
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục