Chấm dứt sở hữu vượt trần… công khai!
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng phân tích, Thông tư 06 ra đời bắt nguồn từ việc các cổ đông sở hữu tỷ lệ cổ phần lớn hơn nhiều so với quy định. Mấy chục năm nay, có nhiều trường hợp cổ đông lớn cùng với những người họ hàng, quen biết sở hữu lên tới… 60% - 70% cổ phần.
“Tỷ lệ này có tính khống chế và khuynh đảo nên họ có toàn quyền quyết định mọi hoạt động trong ngân hàng và đây là một trong những nguyên nhân chính đưa đến khủng hoảng của hệ thống ngân hàng thời gian qua”, TS. Hiếu nói.
Một chuyên gia kinh tế nhận định, nếu không sở hữu quá lớn, các ông chủ sẽ không có quyền lực tuyệt đối tại ngân hàng, hoạt động ngân hàng sẽ minh bạch hơn, các khoản cấp tín dụng cho các doanh nghiệp sẽ được thẩm định chuẩn mực hơn, tình trạng dồn vốn cho các doanh nghiệp sân sau sẽ không xảy ra…
TS. Hiếu cho biết thêm, trên thực tế NHNN đã phát ra tín hiệu từ lâu ngay khi Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 đã đề cập đến việc các cổ đông lớn phải rút cổ phần về đúng quy định. Và Thông tư 06 chỉ là “tối hậu thư” khẳng định quyết tâm của NHNN mà thôi.
Theo quy định tại Thông tư 06, tổ chức tín dụng phối hợp với cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn lập Kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn, đảm bảo chậm nhất ngày 31/12/2015 tỷ lệ sở hữu cổ phần phải về dưới giới hạn quy định hiện hành. Quy định ở đây là Luật các tổ chức tín dụng, nhưng có loại trừ các trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép hoặc được xử lý theo Phương án cơ cấu lại đã được NHNN phê duyệt.
Một cách cụ thể hơn tại Điểm 2, Điều 2 Thông tư 06 yêu cầu, trong thời hạn triển khai Kế hoạch khắc phục (từ ngày 15/7 đến 31/12/2015), cổ đông và bên liên quan sở hữu tỷ lệ cổ phần cao hơn giới hạn cho phép không được phép tiếp tục nâng tỷ lệ cổ phần sở hữu.
Trong Điều 3 của Thông tư 06 về việc xử lý sau thời hạn chuyển tiếp nêu rõ, nếu đến ngày 31/12/2015 không giảm được tỷ lệ cổ phần sở hữu vượt giới hạn cho phép thì NHNN sẽ có những biện pháp như buộc nhà đầu tư có liên quan hoặc đại diện của nhà đầu tư phải rút lui khỏi HĐQT và/hoặc vị trí điều hành; không được phép nhận cổ tức bằng tiền đối với phần cổ phần vượt giới hạn cho phép; đồng thời áp dụng phương án tái cơ cấu bắt buộc.
Ai muốn tự chặt… tay, chân!
Đầu tư vào ngân hàng, nhìn bề ngoài là không quá hấp dẫn bởi cổ phiếu ngân hàng đã qua thời kỳ “cổ phiếu vua” quá lâu, nhiều năm qua cổ tức ngân hàng luôn ở mức thấp hơn nhiều ngành khác, chưa kể nguy cơ bị mua lại với giá 0 đồng như trường hợp Ngân hàng Xây dựng, OceanBank.
Tuy nhiên, với các ông chủ, nếu nắm giữ được một ngân hàng vẫn là bài toán có lợi bởi những giá trị lớn hơn, chẳng hạn như việc điều phối vốn vay cho các lĩnh vực kinh doanh khác của các ông chủ. Thế nên, trước đây nhiều ông chủ vẫn thông qua các công ty liên kết, người thân, bạn bè để nắm giữ một tỷ lệ vốn rất cao, đảm bảo được khả năng chi phối hoạt động của ngân hàng đó.
Vì vậy, với những giải pháp mạnh tay của NHNN, có thể khẳng định tình trạng sở hữu vượt trần quy định một cách công khai sẽ chấm dứt vào cuối năm nay. Vấn đề còn lại là xử lý mối quan hệ sở hữu của các ông chủ ngân hàng qua công ty liên kết và người thân, hoặc tạo nhóm cổ đông chi phối… để vẫn đáp ứng được quy định về giới hạn sở hữu, vẫn đạt mục tiêu thao túng ngân hàng.
Về nội dung này, giám đốc một công ty Luật cảnh báo: “Quy định là một chuyện nhưng thị trường trông đợi NHNN sẽ xử lý, giải quyết dứt điểm như thế nào ‘ung nhọt’ đã có trong lịch sử phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Các cổ đông lớn khi động chạm đến quyền lợi luôn tìm cách ‘lách’ luật để bảo vệ quyền lợi kinh tế của mình”.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam cũng cho rằng: “Thông tư 06 ra đời là cần thiết nhưng có lẽ mang nhiều ý nghĩa về tính thời điểm. Nhìn dài hạn, chỉ siết tỷ lệ an toàn vẫn chưa đủ khả năng minh bạch hóa, giúp hệ thống an toàn hơn. Do đó, NHNN cần phải có những kế hoạch tiếp theo bởi suy cùng thì mọi việc cũng cần phải giải quyết từ gốc rễ vấn đề”.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết, việc xử lý tình trạng thao túng ngân hàng sẽ có nhiều giải pháp, xử lý sở hữu chỉ là một trong những giải pháp đó.
“NHNN rất quan tâm đến vấn đề này và đã nghiên cứu, có lộ trình xử lý mạnh mẽ trong thời gian tới”, vị lãnh đạo này cho biết.
Theo quy định, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa tại một ngân hàng là 5% đối với cá nhân và 15% đối với tổ chức, 20% đối với tổ chức và các bên liên quan. Theo thống kê hiện tại có một số trường hợp vẫn vượt sở hữu cho phép như gia đình nhà ông Trầm Bê nắm giữ hơn xấp xỉ 21% cổ phần tại SouthernBank. Cụ thể, ông Trầm Bê nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu lớn nhất 8,36%; tiếp theo là con gái Trầm Thuyết Kiều 7,36%; và con trai Trầm Trọng Ngân 4,42%. Còn bà Thái Hương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc BacABank sở hữu gần 7% cổ phiếu của ngân hàng này. Với trường hợp của ABBank, mặc dù cuối năm 2013, EVN bán thành công 25,2 triệu cổ phần, tương đương 5,25% vốn ABBank cho CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco), nhưng EVN vẫn nắm giữ gần 76,9 triệu cổ phần ABBank, tương đương 16,02% vốn điều lệ. Một trường hợp phức tạp hơn đó là PVN hiện nắm tới 52% cổ phần tại PvcomBank, việc thoái vốn của PVN chắc chắn sẽ cần một giải pháp khác bởi lượng nắm giữ vượt quá lớn so với quy định. |