Có thể nói, với các thương vụ M&A, tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu là mối quan tâm hàng đầu của các cổ đông, nhất là đối với các cổ đông nhỏ lẻ.
Trong thương vụ sáp nhập MekongBank vào MaritimeBank, tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu 1:1 được xem là phương án có lợi cho cổ đông hai bên. Hai nhà băng này có cùng dáng dấp chủ sở hữu, MaritimeBank nắm trên 10% cổ phần của MekongBank. Mặt khác, dù là ngân hàng quy mô nhỏ, nhưng nợ xấu của MekongBank được kiểm soát ở mức thấp. Hiện thương vụ sáp nhập này đang đi vào giai đoạn hoàn tất, Ngân hàng sau sáp nhập MaritimeBank đã tiến hành ĐHCĐ trong ngày 28/5 vừa qua.
Thị trường đang chờ đợi thương vụ sáp nhập PGBank vào VietinBank chính thức được Ngân hàng Nhà nước thông qua. Tỷ lệ chuyển đổi 1:0,9 (1 cổ phiếu PGBank được chuyển đổi thành 0,9 cổ phiếu VietinBank) trong thương vụ này được đánh giá có lợi cho các cổ đông PGBank hơn là cổ đông của VietinBank.
Trong một báo cáo phân tích, CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, giá trị số sách của VietinBank và PGBank tại thời điểm 31/12/2014 lần lượt là 14.775 đồng/CP và 11.130 đồng/CP, tương đương với tỷ lệ 1 : 0,75). Giá trị sổ sách của PGBank trên đây còn chưa tính đến việc Ngân hàng đang có khoảng 1.800 tỷ đồng nợ xấu (bao gồm cả nợ xấu công bố trên báo cáo tài chính và nợ xấu bán cho VAMC). Khi nhận sáp nhập PGBank, VietinBank sẽ phải gánh khoản nợ xấu lớn này và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của VietinBank trong ngắn hạn có thể sẽ bị “pha loãng”.
Tuy nhiên, theo BVSC, xét về dài hạn, nếu thương vụ sáp nhập này cùng với những cơ chế tài chính đề xuất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận, khả năng lợi nhuận của VietinBank trong những năm tới khả quan hơn.
Với thương vụ sáp nhập MHB vào BIDV vừa được hoàn tất cuối tháng 5/2015, không ít cổ đông BIDV kêu thiệt với tỷ lệ chuyển đổi ngang bằng, vì BIDV là ngân hàng lớn, hoạt động hiệu quả, còn MHB có quy mô nhỏ. Thế nhưng, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho rằng, tỷ lệ này đảm bảo quyền lợi cho cổ đông hai bên. Nhận sáp nhập MHB, BIDV sẽ có thêm 44 chi nhánh và 187 phòng giao dịch, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Việc nhận sáp nhập MHB sẽ thuận lợi cho BIDV khi Ngân hàng triển khai chiến lược tập trung vốn cho nông nghiệp, nhất là với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khi mà dư nợ nông thôn chiếm 50% dư nợ của MHB.
Còn với thương vụ sáp nhập SouthernBank vào Sacombank, tại ĐHCĐ thường niên SouthernBank (hôm 20/4/2015), cổ đông ngân hàng này đã thông qua tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu 1:0,75 (1 cổ phiếu SouthernBank được chuyển đổi thành 0,75 cổ phiếu của Sacombank). Với tỷ lệ này, Cố vấn cấp cao của HĐQT SouthernBank, ông Trầm Bê cho rằng, cổ đông của SouthernBank sẽ “được nhiều hơn mất”. Sacombank là ngân hàng hoạt động hiệu quả và lợi nhuận thu về khả quan những năm qua, giá cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường trên 17.000/CP, còn SouthernBank đang được giao dịch trên thị trường OTC ở mức 5.000 - 6.000 đồng/CP. Khi sáp nhập vào Sacombank, cổ đông của SouthernBank không chỉ được hưởng lợi từ việc chuyển đổi sang cổ phiếu Sacombank có giá cao hơn gấp ba lần, mà còn nhận được cổ tức của Sacombank, thứ mà vài ba năm trở lại đây, cổ đông SouthernBank không được chạm tới.
Tuy nhiên, trong cuộc “hôn nhân” giữa hai ngân hàng, nụ cười của cổ đông nhỏ lẻ Southern Bank dường như không phải là niềm vui của cổ đông Sacombank. Tại ĐHCĐ thường niên 2015 diễn ra vào ngày 21/4 vừa qua, không ít cổ đông của Sacombank bức xúc cho rằng, cổ phiếu Sacombank sẽ bị pha loãng khi nhận sáp nhập Southern Bank. Theo kế hoạch, Sacombank sẽ chia cổ tức 2013 ở mức 8% và cổ tức 2014 là 12%, nhưng tới nay kế hoạch này vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước thông qua.
Theo lãnh đạo Sacombank, việc nhận sáp nhập SouthernBank sẽ giúp Sacombank có thêm mạng lưới và 4.000 nhân viên đã được đào tạo. Còn tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu 1:0,75, theo Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank Trầm Bê là hợp lý. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là tỷ lệ chuyển đổi chính thức, mọi việc vẫn còn chờ ĐHCĐ bất thường diễn ra vào 30/6 tới.