Nới room: Thuốc tốt nhưng không phải thần dược

(ĐTCK) Việt Nam đã sẵn sàng hội nhập sâu và rộng hơn với các nền kinh tế thế giới, việc mở cửa TTCK cho NĐT nước ngoài tham gia là phù hợp với thông lệ quốc tế và cần thiết.
Hiện trên thị trường có gần 40 DN niêm yết kín room của NĐT nước ngoài Hiện trên thị trường có gần 40 DN niêm yết kín room của NĐT nước ngoài

Động thái này sẽ giúp TTCK thực hiện tốt hơn chức năng của mình là kênh huy động nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng thương mại, từng bước điều chỉnh sự mất cân đối trong hệ thống tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải là “thần dược” cho các chỉ số chứng khoán tăng điểm. Để trở nên hấp dẫn hơn trong mắt NĐT, thị trường cần có những biện pháp cải thiện về chất thay vì các yếu tố kỹ thuật thông thường. 

Nới room: Tăng thanh khoản thị trường

Thanh khoản luôn là một trong những yếu tố quan trọng giúp TTCK trở nên hấp dẫn. Diễn biến giao dịch thời gian gần đây đã chứng minh, sự tham gia của khối ngoại có tác động không nhỏ đến thanh khoản thị trường.

Tuy nhiên, hiện thị trường có khoảng gần 40 cổ phiếu đã hết room cho các NĐT nước ngoài, chủ yếu là cổ phiếu của những DN lớn, đầu ngành và luôn nhận được sự quan tâm của NĐT như DHG, DMC, JVC, VCM, MWG, FPT… Do đó, khi tỷ lệ trần sở hữu nước ngoài được dỡ bỏ, dự báo sẽ có động thái mua thêm của NĐT nước ngoài với nhóm cổ phiếu này, tạo sức lan tỏa về thanh khoản đối với các nhóm cổ phiếu khác trên thị trường.

Bên cạnh đó, có một thực trạng khá rõ nét là, một số DN kinh doanh tốt nhưng muốn thu hút vốn đầu tư nước ngoài nên không muốn trở thành công ty đại chúng và niêm yết nhằm tránh quy định về giới hạn room của NĐT nước ngoài. Do đó, kỳ vọng khi quy định này được nới lỏng, số lượng công ty đại chúng và niêm yết sẽ tăng, vừa góp phần cho phát triển TTCK (tăng quy mô và chất lượng hàng hóa, tăng thanh khoản), vừa giúp DN mở rộng kênh huy động vốn trung và dài hạn cho mình. 

Thúc đẩy M&A doanh nghiệp

Bên cạnh đó, mức giới hạn tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài ở mức 49% đối với các DN thông thường, 30% đối với khối ngân hàng cũng khiến hoạt động M&A của khối ngoại trên TTCK bị hạn chế, do giới hạn sở hữu không đủ để NĐT nắm cổ phần chi phối DN - một nguyên tắc quan trọng trong nhiều tình huống mua thâu tóm. Vì thế, việc nâng sở hữu của NĐT nước ngoài lên trên 49% sẽ tạo điều kiện cho các NĐT chiến lược trong chuỗi giá trị thực hiện M&A nhiều DN niêm yết trên TTCK.

Và điều mà các DN, NĐT kỳ vọng sau mỗi thương vụ M&A sẽ không chỉ là vấn đề giá cổ phiếu tại thời điểm diễn ra việc mua bán, mà quan trọng hơn, đó là việc DN được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của đối tác, cổ đông lớn nước ngoài các yếu tố về vốn, kinh nghiệm quản trị, trình độ khoa học kỹ thuật, tiếp cận thị trường quốc tế… Đây chính là điều kiện quan trọng làm tăng chất lượng hàng hóa trên TTCK.

Thúc đẩy cổ phần hóa

Theo kế hoạch năm 2015, cả nước phải cổ phần hóa 289 DN, nhưng đến hết quý I mới hoàn thành được 10%.

Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm nay, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng phải hoàn tất việc thoái vốn. Trong khi đó, diễn biến TTCK từ đầu năm đến nay cho thấy, dòng tiền trên TTCK bị ảnh hưởng không nhỏ bởi quy định tại Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước.

Do đó, để thị trường có thể hấp thụ hết số cổ phần từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và số cổ phần phát hành thêm của DN niêm yết, thị trường cần có thêm nhân tố mới, trong đó bao gồm sự tham gia tích cực của các NĐT nước ngoài. Mở room sẽ là yếu tố kích thích dòng vốn ngoại chảy vào TTCK mạnh hơn. 

4 thách thức từ mở room NĐT nước ngoài

Trước hết là mức độ phụ thuộc của TTCK vào NĐT nước ngoài. Với mức độ tham gia chưa hẳn là lớn như hiện nay, trong rất nhiều giai đoạn của thị trường, giao dịch NĐT nước ngoài đã có ảnh hưởng không nhỏ đến việc tăng/giảm điểm của TTCK.

Tất nhiên, điều này chủ yếu do cơ cấu vốn hóa thị trường đang tập trung mạnh vào một vài mã và tâm lý NĐT nội vẫn còn yếu, nhưng cũng đặt ra câu hỏi cho chính cơ quan quản lý và TTCK trong nước về việc làm cách nào để thị trường thích ứng được với những thay đổi từ sự gia tăng hoạt động của NĐT ngoại?

Thứ hai là sức ép chống thâu tóm và cạnh tranh của DN nội. Không phải trong mọi trường hợp, sự tham gia sâu của đối tác chiến lược đều được DN hoan nghênh, nhất là trong các thương vụ M&A “thù địch”. Việc cho phép NĐT nước ngoài nắm chi phối cổ phần tại các DN niêm yết sẽ khiến DN dễ bị NĐT ngoại thâu tóm hơn, dẫn đến nguy cơ tăng áp lực cạnh tranh cho các DN nội.

Tuy nhiên, NĐT ngoại sẽ không M&A bằng mọi giá. Mục tiêu M&A thường là những DN có nền tảng kinh doanh cốt lõi tốt, nhưng yếu kém về quản trị và có thể tái cơ cấu được hoặc có thị giá quá thấp so với định giá và tiềm năng phát triển. Do đó, nếu các DN duy trì tình hình kinh doanh và quản trị, cũng như công tác quan hệ cổ đông (IR) tốt, thì vẫn có thể tránh khỏi nguy cơ bị thâu tóm.

Hơn nữa, nếu NĐT nước ngoài thực sự muốn thâu tóm một DN, thì room không phải là rào cản không thể vượt qua (chi phối gián tiếp thông qua pháp nhân trong nước).

Thứ ba là câu chuyện chuyển giá, trốn thuế. Đây là vấn đề được nhắc đến nhiều với khối DN FDI trong thời gian qua và cũng có thể sẽ xảy ra với DN niêm yết nếu khối ngoại kiểm soát chi phối DN. Khi đó, TTCK và các cổ đông đại chúng sẽ bị tác động không nhỏ. Tuy nhiên, điều này có thể được hạn chế thông qua việc thực hiện chức năng giám sát của cổ đông đại chúng và cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ tư là vấn đề tái cấu trúc ngân hàng thương mại có thể không đạt kỳ vọng. Hiện nay, việc trở thành đối tác chiến lược của một ngân hàng trong nước không còn là cách duy nhất để các ngân hàng nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam, do họ hoàn toàn có thể thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, như trường hợp của ANZ. Do đó, việc mở room thuần túy có thể không tạo ra động lực mới cho tái cấu trúc khối ngân hàng thương mại.

Rõ ràng, việc chỉ có chưa tới 40 DN trong tổng số xấp xỉ 700 DN niêm yết kín room cho thấy, không phải mã nào cũng có cơ hội lọt vào mắt xanh của NĐT ngoại nếu hoạt động không tốt, không minh bạch hóa trong việc công bố thông tin và không có chính sách bảo vệ lợi ích cổ đông.

Vì thế, cũng giống như hội nhập, mở cửa, các công ty và NĐT cần củng cố, cải thiện nội lực để không bị lấn át ngay trên chính sân nhà. Hơn nữa, việc nới room chỉ là bước đầu trong quá trình nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của TTCK trong khu vực, góp phần giảm thiểu sự mất cân bằng cho hệ thống tài chính. Do đó, chúng ta chưa thể kỳ vọng ngay một bước phát triển vượt bậc sau khi những thông tin nới room được đưa ra.

Ngô Anh Sơn , Tổng giám đốc CTCK Đại Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục