Nhiều tác động tích cực
Theo thống kê của CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), hiện có 34 cổ phiếu (29 cổ phiếu trên HOSE và 5 trên HNX) đã hết room cho NĐT nước ngoài. Trong đó, tập trung vào các DN lớn, đầu ngành và luôn nhận được sự quan tâm của NĐT nước ngoài như: ngành dược (DHG, DMC, JVC), hàng tiêu dùng (VNM, BBC, MWG…) và một số cổ phiếu khác như FPT, REE, BMP…
“Một khi trần tỷ lệ sở hữu nước ngoài 49% được dỡ bỏ, sẽ có động thái mua thêm của NĐT nước ngoài đối với các cổ phiếu đã hết room”, Phó tổng giám đốc BSC Lê Quang Huy dự báo, đồng thời cho rằng, không chỉ tạo hiệu ứng tích cực đối với các cổ phiếu đã cạn room, một khi dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012, trong đó có quy định về nới room, nếu được Chính phủ ban hành, sẽ tạo ra nhiều hiệu ứng lan tỏa tích cực khác. Đối với nhóm cổ phiếu còn room, tuy hiện tại nhu cầu của NĐT nước ngoài không lớn, nhưng khi giới hạn trần sở hữu nước ngoài được dỡ bỏ, sẽ mở đường cho các thương vụ M&A. Cùng với đó, động thái mua thêm của NĐT nước ngoài đối với các cổ phiếu đã hết room sẽ đẩy mặt bằng giá giao dịch lên, qua đó sẽ thu hút sự quan tâm của NĐT nước ngoài với các nhóm cổ phiếu còn room, giúp thanh khoản trên thị trường tăng cao.
“Có 15 CTCK đang niêm yết, với giá trị vốn hóa 30.000 tỷ đồng, trong đó có 2 CTCK lớn nhất đang gần hết room là HSC và SSI. Việc NĐT nước ngoài được linh hoạt, chủ động trong quyết định tỷ lệ sở hữu tại CTCK Việt Nam, thay vì bị giới hạn bởi hai mức 49% và 100% như hiện tại, sẽ giúp TTCK tăng cơ hội thu hút dòng vốn ngoại”, ông Huy nói và nhìn nhận, khi NĐT nước ngoài tham gia đầu tư nhiều hơn vào CTCK Việt Nam sẽ thúc đẩy quá trình tái cấu trúc ngành chứng khoán nói chung, CTCK nói riêng, từ đó gia tăng năng lực cạnh tranh cho khối CTCK trong 3-5 năm tới.
Theo ước tính của BSC, so với mặt bằng chỉ số VN-Index hiện tại, nếu NĐT nước ngoài tăng mua thêm 10% giá trị giao dịch toàn thị trường, thì VN-Index sẽ tăng lên 575 điểm, nếu họ tăng mua thêm 15%, VN-Index có thể tăng lên 581 điểm.
Mở room bao nhiêu, nên trao quyền cho DN tự quyết
Theo dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012 mà Bộ Tài chính sắp trình Chính phủ ban hành, tỷ lệ sở hữu đối với NĐT nước ngoài sẽ tùy thuộc vào từng ngành, lĩnh vực cụ thể, căn cứ vào danh mục ngành nghề, lĩnh vực cấm NĐT nước ngoài kinh doanh, hoặc các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện theo pháp luật chuyên ngành, chứ không có một mặt bằng chung như quy định hiện hành.
Liên quan đến cách thức mở room trên, đang có nhiều câu hỏi được giới đầu tư cũng như các chuyên gia đặt ra. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng thắc mắc, tỷ lệ cổ phần mà NĐT nước ngoài được sở hữu tối đa ở những DN không thuộc danh mục ngành nghề cấm hoặc hạn chế họ sở hữu là bao nhiêu? Ở những ngành nghề mà NĐT nước ngoài được phép sở hữu theo phương án đề xuất tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012, thì sẽ có chuyện ở ngành A, NĐT nước ngoài được sở hữu tối đa là 60%, ngành B là 70%, hoặc các ngưỡng khác. Cái lý của sự khác nhau ở đây là gì?
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, một số ngành, lĩnh vực đặc thù, hiện đã có quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa đối với NĐT nước ngoài, cụ thể như lĩnh vực ngân hàng tối đa là 30%... Việc quy định tỷ lệ sở hữu khác nhau ở các lĩnh vực, ngành khác nhau không phải là cách làm cá biệt ở Việt Nam. Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, họ cũng chia thành các ngành, lĩnh vực cụ thể, để quy định trần sở hữu tối đa đối với NĐT nước ngoài cho phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn khác nhau.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán cho rằng, trên cơ sở nội dung sửa đổi Nghị định 58/2012 theo hướng tỷ lệ nới room tùy từng ngành, lĩnh vực, chứ không có một mức chung cho các ngành như quy định hiện hành, cơ quan quản lý nên trao quyền tự quyết cho DN trong việc đưa ra tỷ lệ trần sở hữu cổ phần tối đa áp dụng đối với NĐT nước ngoài. Với những ngành nghề không cấm, hạn chế NĐT nước ngoài tham gia, hãy để cho DN, cổ đông quyết định việc quản lý đồng vốn của họ sao cho linh hoạt, hiệu quả nhất, cơ quan quản lý tránh đưa ra các quy định cứng nhắc, áp đặt.