Hãy làm luật về thâu tóm, thay vì giữ room

(ĐTCK) Việc đặt giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room) dưới mức chi phối tại các công ty đại chúng là bước đi cần thiết để bảo vệ các DN nội còn thiếu kinh nghiệm trong các vấn đề quản trị có thể trở thành mục tiêu thâu tóm ngoài mong muốn trong giai đoạn TTCK non trẻ.
Việc giới hạn sở hữu ít nhiều cản trở sự linh hoạt trong cấu trúc huy động vốn của DN Việc giới hạn sở hữu ít nhiều cản trở sự linh hoạt trong cấu trúc huy động vốn của DN

Tuy nhiên, giới hạn này ít nhiều đã gây cản trở đến sự linh hoạt của DN trong việc quyết định cấu trúc huy động vốn, chưa kể ảnh hưởng đến tính thanh khoản của TTCK.

Hiện nay, ngoài Việt Nam, chỉ còn một số ít quốc gia áp dụng chính sách giới hạn tỷ lệ sở hữu tại các công ty niêm yết thuộc tất cả các ngành nghề đối với NĐT nước ngoài. Trong nhóm thị trường mới nổi, Qatar áp dụng room cho NĐT ngoại là 25%, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất - UAE là 49%; Philippines là 40% và Thailand là 49% (tuy nhiên, NĐT có thể sở hữu chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết NVDR với phần sở hữu vượt 49%)… (Nguồn: MSCI, tháng 6/2014).

Việc đặt giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở dưới mức chi phối với các công ty đại chúng được áp dụng trong giai đoạn TTCK còn non trẻ là bước đi cần thiết để bảo vệ các DN nội còn thiếu kinh nghiệm quản trị có thể trở thành mục tiêu thâu tóm ngoài mong muốn. Tuy nhiên, bản chất của việc cổ phần hóa DN và đưa DN thành công ty đại chúng, niêm yết cổ phiếu trên TTCK nhằm mục đích có thêm kênh huy động vốn, phục vụ hoạt động sản xuất-kinh doanh. Điều đó có nghĩa là khi tồn tại một giới hạn tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài, dù ít hay nhiều, đều gây cản trở đến sự linh hoạt của DN trong việc quyết định cấu trúc huy động vốn. Vấn đề đặt ra là phải cân bằng linh hoạt giữa hai mục tiêu huy động vốn và chống nguy cơ bị thâu tóm DN, bên nào có ý nghĩa quan trọng hơn tại từng thời điểm.

Trước hết, xét về nguy cơ DN nội bị thâu tóm, có thể chia NĐT làm 2 nhóm: nhóm đầu tư tài chính và nhóm NĐT chiến lược. Các NĐT tài chính đầu tư vào cổ phiếu của DN chủ yếu nhằm mục đích thu lời sau khi thoái vốn, dựa trên phân tích định giá hợp lý cổ phiếu và sự tin tưởng vào mô hình hoạt động của công ty hay đội ngũ quản lý. Khả năng xảy ra thâu tóm từ nhóm này không nhiều. Nhóm thứ hai thường hoạt động trong cùng lĩnh vực, thực hiện đầu tư để mở rộng thị trường, gia tăng thị phần và thường đòi hỏi tham gia vào ban điều hành DN. Tuy nhiên, trước khi nhắc đến nguy cơ thâu tóm, cần phải khách quan nhìn nhận vai trò của nhóm NĐT chiến lược trong việc hỗ trợ vốn và tăng hiệu quả hoạt động DN thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm điều hành quốc tế, qua đó, đóng góp nhiều hơn vào ngân sách nhà nước.

Một khi chấp nhận cuộc chơi cổ phần hóa để thu hút vốn và kinh nghiệm quản lý, để tránh nguy cơ bị khối ngoại thâu tóm, chủ DN chỉ có cách duy trì tỷ lệ sở hữu ít nhất 51% cổ phần trực tiếp hoặc nắm giữ thông qua các tổ chức có liên quan. Luật DN mới, với việc hạ các tỷ lệ chấp thuận để nghị quyết, quyết định được thông qua, đã góp phần tăng quyền quyết định đối với cổ đông giữ từ 51- 65% cổ phần.

Thứ hai, xét về quan điểm đầu tư, để thực sự đạt được mục tiêu thâu tóm (nếu có), đơn vị đi thâu tóm thường phải bỏ ra một số tiền lớn hơn nhiều so với mức giá đang được giao dịch của cổ phiếu DN mục tiêu. Như vậy, nếu đơn vị đi thâu tóm đạt được thỏa thuận mua gom cổ phiếu thì ắt hẳn đó là mức giá mà NĐT đang sở hữu cổ phiếu đã đạt được hay vượt lợi nhuận kỳ vọng và sẵn lòng thoái vốn. Đây cũng là quyền lợi chính đáng của NĐT?

Thứ ba, nếu phía nước ngoài thực sự muốn thâu tóm thì việc hạn chế tỷ lệ room nước ngoài ở mức 49% chỉ là rào cản, chứ không thể ngăn chặn DN ngoại chi phối hoạt động công ty đại chúng, chẳng hạn như thông qua trung gian là một pháp nhân nội địa nắm giữ giúp 2% cổ phần hoặc nhiều hơn.

Nhìn vào những thương vụ bán cổ phần cho NĐT nước ngoài tại một số DN gần đây như Thủy sản Minh Phú, Hoa Sen, Kinh Đô Bình Dương…, có thể thấy, quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa ở mức 49% làm tăng khá nhiều thời gian và chi phí khi DN có ý định bán cổ phần chi phối tự nguyện cho NĐT nước ngoài. Trong khi các DN không phải không có cách để né các quy định, chẳng hạn như trường hợp Kinh Đô Bình Dương. Nhiều năm nay, thị trường đã mặc định Descon và Beton6 bị đối tác ngoại thâu tóm, dù trong giai đoạn đó cả hai vẫn đang là các DN niêm yết. Để DN tự quyết định room cho nhà đầu tư ngoại và tỷ lệ này không vượt quá mức trần tỷ lệ sở hữu với một số ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh theo quy định có thể là hướng đi ít tốn kém cho bản thân DN và phù hợp hơn với xu hướng thế giới?

Để bảo vệ chặt chẽ hơn quyền lợi NĐT nhỏ lẻ và DN thuộc một số ngành nghề, thiết nghĩ, đã đến lúc, Nhà nước cần quan tâm đến việc xây dựng các điều luật riêng về thâu tóm, thay vì đưa ra quy định chung về tỷ lệ sở hữu tối đa cho khối ngoại.

CTCK Bản Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục