Chốt phiên giao dịch cuối năm 2013 (31/12/2013), VN-Index đóng cửa tại 504,63 điểm, ghi nhận mức tăng hơn 22% từ ngày 28/12/2012. Đây là một mức tăng trưởng ngoạn mục, cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ của TTCK Việt Nam sau giai đoạn khủng hoảng 2008 - 2009. Niềm tin của NĐT đã trở lại khi thị trường hồi phục bền vững trong suốt năm 2013 nhờ vào các chính sách hỗ trợ kinh tế nói chung và các chính sách dành cho TTCK nói riêng.
Niềm tin của NĐT càng được củng cố bởi những chính sách đối với đầu tư chứng khoán đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoàn thiện và đệ trình lên Chính phủ như cho phép NĐT nước ngoài sở hữu tới 60% cổ phần của một số DN niêm yết hay triển khai giao dịch chứng khoán phái sinh.
Đứng ở góc độ phân tích thị trường, bài viết sẽ đưa ra một số đánh giá nhanh về tác động của việc nới room ngoại đối với nền kinh tế nói chung và đặc biệt đối với TTCK.
Nền kinh tế được hưởng lợi
Đầu tiên là sự gia tăng của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Có thể nhiều người sẽ cho rằng, việc nới room ngoại sẽ ảnh hưởng gói gọn trong TTCK, từ việc gia tăng thêm cơ hội mua bán và nắm giữ DN Việt Nam đối với NĐT nước ngoài, chứ không tác động nhiều đến nền kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các NĐT tài chính nước ngoài, ngay cả một số quỹ đầu cơ ngắn hạn như ETF, thường có xu hướng đầu tư và nắm giữ cổ phiếu dài hạn hơn nhiều so với NĐT Việt Nam. Hơn nữa, một khi tỷ lệ sở hữu vượt qua mức đa số (51% của DN), các NĐT nước ngoài sẽ có thêm cơ hội tham gia trực tiếp vào việc quản trị DN Việt. Cơ hội này, do vậy, sẽ khuyến khích và hấp dẫn chủ yếu dòng vốn dài hạn nước ngoài và sẽ tác động tích cực đến dòng vốn đầu tư chung.
Và với sự tham gia trực tiếp của NĐT nước ngoài vào hoạt động quản trị của DN, năng lực quản trị và cạnh tranh nói chung của DN sẽ được cải thiện.
Các DN niêm yết được NĐT nước ngoài quan tâm và nắm giữ cổ phần với tỷ lệ lớn thường là các DN hàng đầu trong các ngành kinh tế quan trọng như bảo hiểm - ngân hàng, tài chính - chứng khoán, sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng, y dược... Việc nới room ngoại sẽ giúp cho các NĐT nước ngoài tham gia mạnh hơn vào quản trị DN, từ đó cải thiện đáng kể năng lực quản trị cũng như thương hiệu của các DN này, đồng thời kích thích sự canh tranh trong toàn ngành và đem lại diện mạo tốt hơn đối với DN nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Thị trường chứng khoán sẽ bùng nổ
Việc nới room sẽ giúp tăng dòng tiền đầu tư nước ngoài trong ngắn hạn. Tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài hiện mới đạt xấp xỉ 24% toàn thị trường, tuy nhiên, việc mở room sẽ khó mà tăng đột biến. Hơn nữa, việc nới room ngoại theo dự thảo mới sẽ phụ thuộc vào quyết định của cổ đông các DN.
Mặc dù vậy, nếu quyết định mở room sớm được thông qua vào đầu năm 2014, thì các DN có khả năng sẽ xem xét thông qua việc mở room vào cuối quý I và đầu quý II, trùng với thời điểm các đại hội đồng cổ đông thường niên được triệu tập. Như vậy, nhiều khả năng, sự gia tăng dòng tiền đầu tư nước ngoài do tác động nới room ngoại sẽ tập trung vào giai đoạn này.
Tuy nhiên, không phải ngành nào cũng hưởng lợi như nhau từ việc nới room ngoại. Xét về trung hạn, các DN hết room ngoại, trừ nhóm cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm và các cổ phiếu lớn như VNM sẽ tạm thời chưa mở room do phụ thuộc nhiều yếu tố như tính chất nhạy cảm của ngành, hay nhu cầu kiểm soát DN từ phía Nhà nước. Các DN thuộc nhóm ngành công nghệ, hàng tiêu dùng… và đặc biệt là chứng khoán sẽ hào hứng hơn với việc cho NĐT nước ngoài nắm thêm cổ phần.
Ngoài ra, với việc nới room ngoại lên hơn mức 51%, thì các nhóm ngành có tài sản lớn hoặc chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế như bất động sản, khoáng sản, xuất khẩu hàng hóa cũng sẽ được hưởng lợi từ các giao dịch liên quan đến M&A trong ngành.
Bên cạnh các tác động về mặt kỹ thuật, việc nới room vốn ngoại cũng sẽ ảnh hưởng tích cực đến tâm lý của NĐT trong nước.
Rõ ràng, việc nới room ngoại không chỉ được các NĐT nước ngoài chờ đợi, mà các NĐT trong nước cũng kỳ vọng vào việc ăn theo dòng vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, việc thông qua quy định về nới room ngoại sẽ tác động trực tiếp đến giá của các DN đã hết room, và sau đó hiệu ứng tăng giá sẽ tác động đến giá cổ phiếu của các DN trong ngành.
Theo đánh giá của MBS, xét từ mức độ nhạy cảm với thị trường và diễn biến giá cả, ngành chứng khoán, đầu tư tài chính và y dược sẽ được hưởng lợi trước tiên từ quyết định nới room ngoại, và tiếp đến là các ngành về sản xuất hàng tiêu dùng, xuất khẩu hàng hóa và bất động sản.