Vướng mắc lớn nhất là phương án sử dụng đất
"Lần đầu tiên có việc thu hồi nhiều diện tích đất khi chuyển sang công ty cổ phần" là đánh giá của Kiểm toán Nhà nước đối với công tác cổ phần hóa của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). Theo Kiểm toán Nhà nước, Thành phố đã thực hiện nghiêm túc quy trình cổ phần hóa doanh nghiệp, tổ chức thận trọng, có hiệu quả, chỉ đạo sát sao trong việc xây dựng phương án sử dụng đất và xử lý đất đai khi cổ phần hóa, mang tính đột phá, sáng tạo, hiệu quả.
Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp làm được điều này khi cổ phần hóa.
Theo ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, vướng mắc lớn nhất đến từ phương án sử dụng đất. “Với một quá trình từ mấy chục năm nay, đối với doanh nghiệp nhà nước, đất đai tồn tại rất nhiều vấn đề mà bản thân doanh nghiệp phải xử lý”, ông Long nói.
Cụ thể hơn, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho biết, nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng khắp các địa phương phản ánh rằng, do công tác thống kê đất đai, công tác đo đạc, công tác hoàn chỉnh hồ sơ, giấy tờ ở phạm vi rộng, đòi hỏi phải hoàn thành trước thời điểm quyết định phê duyệt cổ phần hóa, đã gây lúng túng và khó khăn cho các đơn vị.
Chưa kể, doanh nghiệp quốc phòng an ninh cũng gặp phải vấn đề về đất đai. “Việc phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa căn cứ vào quy hoạch đất đai của địa phương, trong khi khá nhiều địa phương chưa có hoặc chưa được phê duyệt quy hoạch đất đai”, ông Trung cho biết thêm.
Chia sẻ vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, quan trọng làm sao để người dân thấy cơ sở nhà đất đó có sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả không, nếu không thì phải trả lại cho chính quyền địa phương để đấu giá giao đất cho những thành phần kinh tế khác.
“Trong quá trình triển khai, chúng tôi có đề nghị tất cả các cơ quan phải chủ động trên cơ sở rà soát của doanh nghiệp để phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan, UBND tỉnh, thành phố phê duyệt phương án sử dụng đất đai và gửi về cơ quan đại diện sở hữu, thống nhất và ra quyết định đất đai được công bố quy hoạch để tiến hành việc chuyển đổi cổ phần hóa hay tiếp tục sử dụng cho doanh nghiệp bao nhiêu nếu doanh nghiệp nhà nước chưa cổ phần hóa”, ông Tiến cho hay.
Thúc tiến độ thông qua thể chế
Để tháo gỡ vướng mắc về đất đai, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để xử lý.
Theo ông Nguyễn Hồng Long, Nghị định 126/2017/NĐ-CP sửa đổi rất nhiều nội dung so với Nghị định 59/2011/NĐ-CP, trong đó quan trọng nhất là quy định về phê duyệt phương án sử dụng đất. Đây là tiền đề để xây dựng phương án cổ phần hóa doanh nghiệp. Nghị định 32/2018/NĐ-CP quy định sử dụng vốn càng chặt chẽ hơn nữa, trong đó có quy định rõ hơn đối với đất trả tiền một lần và đất trả tiền hằng năm.
Cổ phần hóa không gây ra mất đất, vấn đề là sau khi chuyển quyền mục đích sử dụng đất, các cấp có thẩm quyền phê duyệt có thể để xảy ra những chuyện mà báo chí đã nêu.
- Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp
Tuy nhiên, ông Long cũng lưu ý, các cơ chế chính sách mới có thể làm chậm tiến trình cổ phần hóa, nhưng đem lại hiệu quả cao. Đặc biệt, đến thời điểm này, nộp tiền về Quỹ bình ổn sắp xếp doanh nghiệp đạt 185.000 tỷ đồng, bằng 74% theo kế hoạch được giao (kế hoạch giao là 250.000 tỷ đồng).
Đồng tình với nhận định trên, ông Phạm Đức Trung cho biết, chỉ trong 3 năm, tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn DNNN nộp vào ngân sách nhà nước đạt khoảng 60% theo Nghị quyết của Quốc hội cho cả giai đoạn 2016 - 2020. “Điều này khẳng định, chất lượng của cổ phần hóa DNNN từ 2016 đến nay đã được nâng lên rất nhiều”, ông Trung đánh giá.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, Thông báo 249/TB-VPCP ngày 17/7/2019 của Văn phòng Chính phủ đã thông tin chi tiết về kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2019; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2019.
Theo đó, Phó thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật liên quan, trong đó có Nghị định số 126/2017, Nghị định số 167/2017, Nghị định số 32/2018 và các thông tư hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn, báo cáo Thủ tướng Chính. Đồng thời, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị chuyên đề để giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong việc rà soát, sắp xếp, xử lý đất đai, tài sản công của các địa phương, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn trong quý III năm 2019.
Phó thủ tướng cũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các quy định liên quan đến việc cho ý kiến, phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa để chủ động tháo gỡ các vướng mắc theo thẩm quyền; đôn đốc các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính làm tốt công tác này; ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 126/2017/NĐ-CP trong tháng 7/2019.
Các địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời, nghiêm túc rà soát, cho ý kiến, phê duyệt Phương án sử dụng đất theo quy định đối với các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, các doanh nghiệp cổ phần hóa có đất đai trên địa bàn; chủ động tháo gỡ, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn.
“Các văn bản trên sẽ cơ bản tháo gỡ vướng mắc hiện nay về thể chế”, ông Long nhận định.