Cổ phần hóa cần có giải pháp quyết liệt

(ĐTCK) Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nhận định, nếu không có biện pháp quyết liệt thì kế hoạch cổ phần hóa (CPH) năm nay sẽ khó có thể hoàn thành.
Ảnh shutterstock. Ảnh shutterstock.

CPH đang rất chậm: Nhiều nguyên nhân

Kế hoạch năm 2018 là CPH 64 doanh nghiệp, nhưng thực tế chỉ thực hiện được 23 doanh nghiệp. Như vậy, có 41 doanh nghiệp được chuyển sang năm nay, nâng tổng số doanh nghiệp phải CPH lên con số 59. Quý I/2019, không một doanh nghiệp nào được CPH.

Agribank nằm trong kế hoạch CPH năm nay, nhưng do vướng mắc trong xử lý đất đai nên tiến độ CPH đang chậm.

“Các bước chuẩn bị CPH Agribank được khởi động từ năm 2017. Trong năm 2018, Bộ Tài chính đã hướng dẫn xử lý các vướng mắc liên quan đến đất, nhưng sau hơn một năm, phương án sử dụng đất để CPH Agribank vẫn chưa hoàn thành, vì quỹ đất trải rộng khắp 63 tỉnh, thành phố, với số lượng phòng giao dịch, chi nhánh rất lớn”, ông Đặng Quyết Tiến cho hay.

Bộ Tài chính đã chỉ ra những nguyên nhân khiến tiến trình CPH nói chung rất chậm như một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa nghiêm túc triển khai kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng. Hiện nhiều doanh nghiệp CPH có quy mô tài sản lớn, nên quá trình CPH cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động. Đặc biệt, vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND cấp tỉnh thực hiện chậm.

Một nguyên nhân khác liên quan đến các sai phạm, kém hiệu quả trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp. Chẳng hạn, theo kế hoạch, Tổng công ty Viễn thông MobiFone phải CPH trong năm 2018, nhưng đến nay chưa biết bao giờ mới triển khai, vì những sai phạm của MobiFone khi mua 95% cổ phần Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) trước đây vẫn đang trong quá trình xử lý.

Tổng công ty Giấy Việt Nam cũng nằm trong kế hoạch CPH năm 2018, nhưng vì dự án đầu tư kém hiệu quả, thậm chí có nguy cơ làm mất vốn nhà nước, nên đến nay vẫn chưa biết bao giờ mới CPH. Để CPH, Tổng công ty phải thoái vốn tại dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, nhưng trải qua 3 - 4 lần đấu giá vẫn chưa có người mua.

Cổ phần hóa cần có giải pháp quyết liệt ảnh 1

Giải pháp nào?

Theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo doanh nghiệp cần tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc. Với các dự án đầu tư không hiệu quả thì phải có phương án thoái vốn theo giá thị trường, có nghĩa là phải chấp nhận thua lỗ, chứ không thể bảo toàn được vốn, thì mới khắc phục được tình trạng chậm CPH.

Để tháo gỡ vướng mắc về đất, trước hết các doanh nghiệp thuộc diện CPH cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng và trình UBND cấp tỉnh có ý kiến về phương án, giá đất. Trên cơ sở đó, cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp CPH theo đúng quy định.

Về phía cơ quan nhà nước, trong quý I/2019, trên cơ sở chỉ đạo rốt ráo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã đốc thúc các doanh nghiệp, địa phương đẩy nhanh rà soát đất đai, để phương án xác định giá trị doanh nghiệp không bị kéo dài. Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính đang đẩy nhanh rà soát phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp trung ương.

Liên quan đến hướng tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, trong quý I/2019, Bộ Tài chính đã rà soát các vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, cũng như các văn bản pháp lý liên quan để sớm trình Thủ tướng và Chính phủ phương án xử lý.

Bộ Tài chính đang xây dựng thông tư hướng dẫn về quy trình phê duyệt giá trị đất đai khi tiến hành CPH, để doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt triển khai theo trình tự nào và trải qua bao nhiêu bước.

“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương phải rà soát danh mục doanh nghiệp CPH, đồng thời làm rõ nguyên nhân chậm CPH. Trên cơ sở đó, với những trường hợp CPH chậm do yếu tố khách quan, thì báo cáo Chính phủ xin điều chỉnh kế hoạch. Khi đã đưa doanh nghiệp vào danh mục điều chỉnh kế hoạch CPH thì phải làm. Nếu các bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo doanh nghiệp triển khai CPH chậm, thì sẽ bị kiểm điểm, kỷ luật trước Chính phủ”, ông Tiến nói.                 

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục