Câu hỏi đặt ra là, liệu có nên đi ngược lại xu hướng đó?
Sự phát triển nhanh chóng của số lượng người dùng điện thoại thông minh, cùng sự gia tăng của xu hướng dùng mạng xã hội đã và đang tạo cơ hội cho thị trường bán lẻ online. Người tiêu dùng ngày càng thích mua sắm online vì độ tiện dụng của nó, còn các cửa hàng, doanh nghiệp, thậm chí là các cá nhân kinh doanh đều đang có xu hướng chuyển sang cách thức kinh doanh online, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.
Tất cả các động thái này đã và đang tạo nên một xu hướng mới trên thị trường bán lẻ. Thậm chí, mua sắm online, theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), đã trở thành một trong những chủ đề được mọi người nói đến nhiều nhất trong năm qua.
Thế nhưng, bất chấp chuyện nhà nhà, người người đang đổ xô kinh doanh online, vẫn có những quan điểm ngược lại, giống như các thành viên HĐQT của công ty kinh doanh thời trang mà Chương trình CEO - Chìa khóa thành công đã đề cập.
Tại doanh nghiệp kinh doanh hàng may mặc đã có 13 năm thành công trên thị trường đó, trong khi CEO muốn chuyển đổi mô hình kinh doanh sang bán hàng online, bắt đầu tham gia thương mại điện tử, “nhảy” vào cuộc chơi kinh tế số, thì các cổ đông lại phản đối và muốn giữ nguyên hình thức kinh doanh hiện tại.
Theo quan điểm của các cổ đông, hiện nay, bán hàng qua đại lý vẫn mang lại doanh thu ổn định. Việc chuyển sang bán hàng online chắc chắn sẽ làm doanh thu giảm đi. Thậm chí, nếu hệ thống bị quá tải, gặp sự cố hay chỉ có trục trặc nhỏ, thì hoạt động kinh doanh có thể bị gián đoạn, hiệu quả chưa thấy đâu mà rủi ro thì thường trực.
Không chỉ các cổ đông của công ty này, trên thực tế, có một bộ phận doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh còn phân vân và sẵn sàng “nói không” với kinh doanh online. Bằng chứng là sau khi Chương trình phát sóng, chứng kiến màn tranh biện của CEO và các cổ đông, vẫn có không ít khán giả đứng về phía cổ đông.
Chẳng hạn, khán giả Hoàng Anh cho rằng, chuyển sang kinh doanh online thì doanh nghiệp sẽ phải đầu tư thêm cho chi phí thiết kế, vận hành, duy trì website bán hàng. Hay khán giả My My thì bày tỏ, nếu triển khai bán hàng online, các đại lý sẽ bỏ đi hết và nếu dự án không thành công thì doanh nghiệp không thể xây dựng lại mối quan hệ với các đại lý được nữa.
Ngược lại, không ít khán giả lựa chọn đứng về phía CEO. Khán giả Nguyễn Minh cho rằng, Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn về thương mại điện tử, doanh nghiệp nào muốn bứt phá thì nên đầu tư vào hình thức kinh doanh online.
Đồng quan điểm, khán giả Nghĩa Nguyễn khẳng định, thời đại bùng nổ Internet, doanh nghiệp phát triển kênh bán hàng online là hợp lý. Trong khi đó, khán giả Việt Hải thẳng thắn cho rằng, việc tiếp tục duy trì và mở thêm đại lý bán hàng sẽ chỉ làm tăng chi phí vận hành cho doanh nghiệp.
Giữa hai luồng ý kiến còn khác nhau, sẽ là khôn ngoan hơn cả nếu CEO tìm đến các chuyên gia tư vấn. Ở Chương trình CEO - Chìa khóa thành công lần này, ông Vũ Minh Trí, Phó tổng giám đốc Công ty VNG và bà Nguyễn Mỹ Hạnh, Giám đốc Dịch vụ tư vấn và kiểm toán rủi ro công nghệ thông tin của Công ty PwC Việt Nam sẽ ngồi ở vị trí chuyên gia tư vấn, giúp CEO - ông Phạm Hải Âu, Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Quý giải quyết tình huống mà Chương trình đặt ra.
Những tư vấn của các chuyên gia dành cho CEO của Chương trình cũng chính là tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam khác gặp tình huống tương tự, đang phân vân giữa lựa chọn kinh doanh trực tiếp hay online. Xem Chương trình, các doanh nghiệp có thể sẽ tìm được lời giải cho chiến lược kinh doanh của mình.