Bán hàng online lên ngôi
Trong vài năm trở lại đây, với sự lên ngôi của thương mại điện tử, thị trường bán lẻ tiêu dùng đã chứng kiến cuộc đua giữa các doanh nghiệp trong việc đầu tư vào công nghệ và phát triển kênh bán hàng online.
Đặc biệt, sự xuất hiện của các thương hiệu bán lẻ quốc tế khiến mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Trong bảng xếp hạng nhà bán lẻ uy tín nhất Việt Nam năm 2018, Vincommerce với hệ thống VinMart và VinMart+ đã vươn lên vị trí số 1 với điểm số uy tín hàng đầu ở mặt hàng tiêu dùng nhanh, vượt qua các thương hiệu lâu năm khác như BigC, Saigon Co.op hay AEON...
Đáng chú ý, các doanh nghiệp ở Top 10 nhà bán lẻ tốt nhất đều đang sử dụng song song hai kênh bán lẻ truyền thống và hiện đại, trong đó, hai năm trở lại đây, họ đặc biệt đầu tư kênh thương mại điện tử, mua hàng tích điểm, tặng quà khi mua hàng và thanh toán online…
Cụ thể, Vincommerce có trang Adayroi.com, hệ thống BigC có kênh online bigc.vn, SaigonCoop với chuỗi hệ thống bán lẻ có độ phủ lớn cũng không làm ngơ trước xu hướng này và bắt đầu ứng dụng mô hình thương mại điện tử kết nối đa phương tiện co.opmart.vn… Cùng với đó, năm 2018, thị trường chứng kiến cuộc đua mạnh mẽ của các kênh bán lẻ online của Shopee, Tiki, Lazada, Sendo.
Chưa kể, các ông lớn bán lẻ nước ngoài khi thâm nhập thị trường Việt Nam cũng nhanh chóng thiết lập hệ thống thương mại điện tử riêng.
Chẳng hạn, Lotte cho ra đời trang mua sắm online và tuyên bố sẽ giành 20% thị phần thương mại điện tử Việt Nam. Aeon Mall (Nhật Bản) chính thức tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam khi cho ra mắt website thương mại trực tuyến AeonEshop. Việt Nam là nước thứ ba đại gia bán lẻ này tham gia vào cuộc chiến thương mại điện tử (trước đó là Nhật Bản và Malaysia).
Đáng chú ý, Auchan Retail Việt Nam vừa ký kết hợp tác chiến lược với Lazada để đưa đến cho người tiêu dùng mô hình mua sắm O2O (online to offline) hoàn toàn mới, kết hợp giữa trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline).
Auchan cho biết, đây là lần đầu tiên hai doanh nghiệp hàng đầu tại cả hai mảng online và offline cùng bắt tay đem đến cho người tiêu dùng các dòng sản phẩm chất lượng, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm châu Âu, với mức giá tốt và dịch vụ giao hàng nhanh. Tập đoàn bán lẻ của Pháp này đang có hệ thống 21 siêu thị tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và Tây Ninh với hơn 18.000 sản phẩm được bày bán.
30% dân số sẽ mua sắm online
Bà Đỗ Thu Hằng, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường Savills Hà Nội cho rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn về tiêu dùng bán lẻ khi tốc độ đô thị hóa không ngừng gia tăng, người dân ngày càng các ưa chuộng các dịch vụ tiện ích và đây là đòn bẩy để thúc đẩy thương mại điện tử trong ngành bán lẻ phát triển mạnh mẽ. Cùng với đó, doanh nghiệp bán lẻ sẽ chịu áp lực thay đổi để thu hút và giữ chân khách hàng.
Theo kết quả khảo sát nhằm tìm hiểu sự thay đổi trong xu hướng bán lẻ giữa năm 2017 và 2018, Q&M - công ty nghiên cứu thị trường đến từ Nhật Bản cho biết, số lượng siêu thị tăng 15% so với năm 2017 nhờ sự thâm nhập vào khu vực ngoại thành. Bên cạnh đó, có xu hướng phát triển bán lẻ tại các tỉnh thành khác ngoài Hà Nội và TP.HCM trong lĩnh vực chuỗi cửa hàng thức ăn, trung tâm thương mại…
Theo thống kê, Việt Nam đang có khoảng 23 triệu người thường xuyên mua sắm trực tuyến, chi tiêu của nhóm này đang chiếm 1/3 chi tiêu thương mại điện tử của người tiêu dùng. Dự báo, con số này sẽ tăng trưởng hơn nữa trong thời gian tới. Tại các đô thị lớn, tỷ lệ người dân có sử dụng điện thoại lên đến 95%, trong đó 78% sử dụng smartphone.
Trên thế giới, mô hình thương mại điện tử doanh nghiệp đến người tiêu dùng (B2C) đang tăng trưởng khoảng 20%/năm, với giá trị thị trường đạt khoảng 3.400 tỷ USD, trong đó thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm 30%, ước đạt khoảng 1.000 tỷ USD.
Tại Việt Nam, theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, doanh thu thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng ổn định 20%/năm, dự kiến đến năm 2020, doanh số bán hàng thương mại điện tử đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Khoảng 30% dân số sẽ tham gia mua sắm online và đạt mốc 350 USD/người/năm.
Trong khi đó, theo Google và Temasek, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ bùng nổ vào năm 2025 với doanh thu ở mức 7,5 tỷ USD. Đây là con số rất hấp dẫn để các doanh nghiệp bán lẻ thúc đẩy kênh bán hàng online, đón đầu sự phát triển của thị trường.