Mùa ĐHCĐ 2014 vừa kết thúc đã để lại tâm trạng bức xúc cho không ít cổ đông các ngân hàng, đặc biệt là các cổ đông nhỏ lẻ đã rót tiền vào cổ phiếu ngân hàng quy mô vừa và nhỏ trước khi suy giảm kinh tế xảy ra, vừa phải chịu giá cổ phiếu sụt giảm vừa không được hưởng cổ tức nhiều năm liền.
Southern Bank có kế hoạch không trả cổ tức cho cổ đông trong năm nay. Nhưng điều khiến cổ đông của nhà băng này bức xúc nhất là những năm trước, dù Ngân hàng vẫn có chính sách trả cổ tức, nhưng lại liên tục “thất hứa”. Như vậy, cho đến khi thương vụ sáp nhập Southern Bank vào Sacombank dự kiến hoàn tất trong năm nay, cổ đông của Southern Bank cũng sẽ không được nhận được một đồng cổ tức nào. Tỷ lệ cổ tức Southern Bank dự kiến chi trả cho cổ đông năm 2013 là 8%. Tuy nhiên, lợi nhuận của nhà băng này giảm đến 90% so với chỉ tiêu cả năm là 560 tỷ đồng, nên Southern Bank đã quyết định không trả cổ tức cho cổ đông như đã “ngâm” cổ tức trong 2 năm trước đó.
MeKong Bank cũng không thực hiện được kế hoạch cổ tức năm 2013, vì lợi nhuận trước thuế thu về năm qua chỉ có 110 tỷ đồng, chưa đạt 50% chỉ tiêu kế hoạch. Đồng thời, MeKong Bank đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục để sáp nhập vào Maritime Bank, nên nhà băng này cũng phải nói “không” với cổ tức. Điều đáng nói là Maritime Bank, đơn vị nhận sáp nhập MeKong Bank cũng đưa ra chủ trương không chi cổ tức trong năm qua 2013 cũng như 2014, có nghĩa là cổ đông MeKong Bank không thể trông chờ vào cổ tức từ ngân hàng sau sáp nhập.
Trước đây, khi rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng ngoài việc kỳ vọng giá tăng, nhà đầu tư còn trông chờ vào cổ tức hàng năm (phổ biến ở mức 10 - 15%) kèm theo khoản cổ phiếu thưởng. Thế nhưng, 3 năm trở lại đây, cổ phiếu ngân hàng giảm sâu và cổ tức cũng bị cắt giảm mạnh. Đáng chú ý, khối nhà băng nhỏ, vốn điều lệ đạt 3.000 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức chi trả cho cổ đông giảm còn 1 - 2%, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất tiết kiệm. Thậm chí, một số ngân hàng thuộc diện tái cấu trúc mất luôn khả năng chi trả cổ tức, với lý do tập trung nguồn lực phục vụ cho mục tiêu tái cấu trúc.
2 năm qua, Navibank không trả cổ tức cho cổ đông, do lợi nhuận giảm mạnh. Tổng lợi nhuận trước thuế 2013 của Navibank đạt 31,94 tỷ đồng, nhưng nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2013 vẫn chiếm tới 6% tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm tới 438,32 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cuối 2012. Vì vậy, cổ đông Navibank rất khó để kỳ vọng cổ tức năm nay. Quý I/2014, lợi nhuận sau thuế của Navibank chỉ đạt 2,46 tỷ đồng, giảm gần 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu của Navibank đến cuối quý I/2014 tuy đã giảm so với mức 6,07% vào cuối năm 2013, nhưng hiện vẫn còn ở mức khá cao, 5,53%.
Navibank là ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước bằng nguồn lực nội tại. Tương tự, một số nhà băng khác đang trong quá trình tái cơ cấu như: PGBank, SCB, PVcomBank hay VNCB… cũng không thể chi trả cổ tức cho cổ đông, do phải dành nguồn lợi nhuận để trích lập dự phòng nợ xấu, phục vụ quá trình tái cơ cấu.
NamA Bank vừa chi trả cổ tức 2013 ở mức 7% cho cổ đông có vốn cổ phần bình quân dưới 10 tỷ đồng và 3,42% cho cổ đông có vốn cổ phần trên 10 tỷ đồng. Năm 2014, Nam A Bank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 210 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc Nam A Bank, trong bối cảnh khó khăn của thị trường, mục tiêu lợi nhuận được Nam A Bank tính toán thận trọng.
Có một thực tế là, không chỉ những ngân hàng nhỏ, lợi nhuận thấp, không chia cổ tức, mà ở các ngân hàng có quy mô tầm trung, có lợi nhuận tốt hơn như: Eximbank, ACB hay Sacombank…, tỷ lệ cổ tức cũng có chiều hướng giảm dần.
HĐQT Eximbank lên kế hoạch mua lại 62 riệu cổ phiếu quỹ bằng nguồn thặng dư và lợi nhuận sau thuế của năm 2013, vì thế, cổ tức 2013 được Eximbank chi trả ở mức 4%, thay đổi so với kế hoạch dự kiến chi trả ban đầu là 12%. Năm 2014, Eximbank đặt kế hoạch cổ tức 8,5%, nếu đạt 1.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tuy nhiên, theo ông Phạm Hữu Phú, Tổng giám đốc Eximbank, để đạt được chỉ tiêu lợi nhuận như kế hoạch xây dựng trước tình hình khó khăn như hiện nay đòi hỏi nỗ lực lớn.