ĐTCK có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico.
Ông có nhận xét gì về tình trạng chậm trả cổ tức của các DN? Nhìn chung, tình trạng chậm trả cổ tức hiện khá phổ biến, do DN khó khăn về nguồn vốn nên tạm thời để nguồn trả cổ tức lại phục vụ hoạt động kinh doanh. Về lý thuyết, “cơm không ăn thì gạo còn đó”, chia cổ tức sớm thì cổ đông hưởng sớm, mà nếu để lại thì đó sẽ là nguồn vốn đem lại lợi nhuận trong tương lai. Tuy nhiên, thực tế, việc này lại phát sinh nhiều vấn đề. Chẳng hạn, nếu công ty chi trả cổ tức rồi đi vay để lấy vốn hoạt động thì lãi vay được hạch toán vào chi phí hợp lệ, hợp pháp, nhưng dùng nguồn chi trả cổ tức để kinh doanh thì DN không được tính chi phí vốn. Như vậy, tuy được sử dụng nguồn vốn rẻ, nhưng DN lại có nguy cơ phải dùng lợi nhuận để nộp thuế. Bên cạnh đó, quyền lợi quan trọng nhất của cổ đông là cổ tức. Nếu mục đích đầu tư không đạt được, cổ đông sẽ mất niềm tin vào DN và không đồng hành cùng DN trong các kế hoạch tăng vốn. Đó là chưa kể, trong khi phần đông cổ đông mòn mỏi chờ cổ tức thì có một số cổ đông nào đó vẫn có thể được lĩnh cổ tức (nếu muốn), thông qua đơn đề nghị tạm ứng cổ tức. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng giữa các cổ đông. Hiện nay, cơ chế trả cổ tức được quy định ra sao, thưa ông? Hiện không có bất cứ một quy định pháp luật nào về việc chi trả cổ tức. Tôi nghĩ, khi thiết kế luật thì ý tưởng là để cổ đông quyết định việc trả cổ tức, vì đây là công việc nội bộ của DN. Về cơ bản, điều này là hợp lý, pháp luật không nên can thiệp quá sâu vào việc nội bộ DN. Tuy nhiên, trên thực tế, ĐHCĐ thường chỉ ra nghị quyết về tỷ lệ cổ tức chi trả, còn thời điểm chi trả được ủy quyền cho tổng giám đốc hoặc HĐQT quyết định. Hậu quả là người có trách nhiệm chi trả không đưa ra thời hạn rõ ràng, mà chỉ thông báo chung chung sẽ chi trả khi có nguồn. Sự thiếu rõ ràng trong quy định về thời gian trả cổ tức đã khiến cổ đông không được bảo vệ, từ đó làm cho môi trường đầu tư, hoạt động của DN không hiệu quả. Hiện không có bất cứ một quy định pháp luật nào về việc chi trả cổ tức Theo ông, còn bất cập gì nữa về chi trả cổ tức cần sớm được khắc phục? Không chỉ chậm trả, nhiều DN khi thực hiện trả cổ tức lại có những lệch lạc do hiểu sai quy định của luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi của cổ đông. Tôi từng gặp trường hợp DN sau 2 năm mới thanh toán cổ tức và thực hiện chốt lùi danh sách vào thời điểm 2 năm trước, trong khi cổ phần đã được chuyển nhượng qua người khác. Như vậy, người đã bán cổ phiếu lại được gọi đến lĩnh cổ tức, còn người đang sở hữu cổ phần lại không được hưởng. Nguyên nhân là do quy định về chốt danh sách, DN phải chốt danh sách trước 30 ngày chi trả cổ tức. Hậu quả là DN này đã hiểu lầm hoặc cố tình hiểu lầm là chốt danh sách trước 30 ngày, 3 tháng thậm chí trước 3 năm đều được. Không ít cổ đông đã phải khóc dở mếu dở vì mua phải cổ phiếu rỗng ruột. Vậy cổ đông có thể làm gì nếu công ty khất lần cổ tức? Với quy định không rõ ràng như hiện nay, cổ đông có lẽ chỉ còn cách chờ. Bởi nếu có khởi kiện thì xem ra khó mà được thụ lý, bởi quy định không rõ ràng, DN trả cũng được, không trả cũng không sao. Việc xác định hành vi chậm trả cổ tức có xâm phạm đến lợi ích của cổ đông hay không để khởi kiện cũng không dễ và nếu xác định được thì cổ đông sở hữu 1% cổ phần của DN trở lên mới được khởi kiện. Chưa kể, chi phí cho vụ kiện tốn kém, lại mất thời gian, mà bản án chưa chắc đã thi hành được. Cách đây hơn 1 năm, Bộ Tài chính có ban hành Quy chế quản lý Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN. Theo đó, DN chậm trả cổ tức cho cổ đông Nhà nước thì bị phạt. Phải chăng quy định này cần áp dụng rộng rãi cho các cổ đông, chứ không chỉ cổ đông Nhà nước? Nếu đó là DN 100% vốn nhà nước thì quy định như trên là hợp lý. Nếu là công ty cổ phần thì phải xem xét lại, bởi như vậy là quyền lực Nhà nước được sử dụng để áp đặt cho quyền lợi của Nhà nước, còn quyền lợi của cổ đông khác, quyền lợi chung bị để sang một bên. Theo tôi, pháp luật cần có quy định về thời hạn chi trả cổ tức, giống như thời hạn tổ chức ĐHCĐ. Nếu thời hạn tổ chức ĐHCĐ được quy định trong vòng 4 tháng kể từ ngày bắt đầu năm tài chính, nếu gia hạn thì không quá 6 tháng, thì thời hạn trả cổ tức cũng nên quy định vào khoảng tháng 5, tháng 6 sau ngày kết thúc năm tài chính liền kề, nếu gia hạn thì cũng chỉ được trong vòng 3 tháng. Chậm hơn nữa, DN sẽ phải chịu lãi suất chậm trả. Có như vậy, quyền lợi cổ đông mới được bảo đảm. Bên cạnh đó, nếu công ty vẫn không chịu chi trả theo yêu cầu cổ đông thì cổ đông có quyền khởi kiện để đảm bảo quyền lợi. Tuy nhiên, đi kèm với quy định này, cần phải công nhận chi phí hợp pháp, hợp lệ cho DN với khoản lãi trả cho cổ đông. Từ ngày 1/7/2012, Quy chế quản lý Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN được ban hành kèm theo Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg bắt đầu có hiệu lực (Quy chế 21). Theo đó, Quỹ có nhiều nguồn thu như thu từ CPH, thu từ bán, giao, giải thể, phá sản DNNN, thu sau CPH…, trong đó có lợi nhuận, cổ tức từ việc đầu tư vốn nhà nước. Để đảm bảo các nguồn thu này chảy về Quỹ đúng hẹn, Quy chế 21 quy định một số chế tài. Cụ thể, nếu chậm nộp trong vòng 3 tháng, DN phải chịu thêm tiền lãi tính theo lãi suất cơ bản do NHNN công bố tại thời điểm gần nhất cho số tiền và thời gian chậm nộp. Nếu tiếp tục chậm nộp, DN phải chịu thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền vay quá hạn cho số tiền chậm nộp của thời gian quá hạn sau 3 tháng. Sau 4 tháng, DN vẫn chưa nộp tiền, thì ngoài việc phải chịu nộp lãi phạt, DN sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng cách trích tiền từ tài khoản tiền gửi về Quỹ.