Trạm vật tư thành dự án nhà ở thương mại
UBND tỉnh Bình Dương vừa có Văn bản số 1987/UBND-KT gửi Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về các vấn đề liên quan đến khu đất thực hiện Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt do Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An làm chủ đầu tư.
Theo đó, đối với khu nhà ở thương mại đường sắt diện tích 64.050 m2, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tại Công văn số 1222/BGTVT-TC ngày 6/2/2013, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã thống nhất với ý kiến của Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) về phương án quy hoạch cơ cấu sử dụng đất Trạm vật tư đường sắt Dĩ An. Căn cứ các quy định pháp luật hiện nay, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An tiếp tục triển khai thực hiện Dự án.
Đối với phần diện tích 48.000 m2 tại Trạm Dĩ An, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đã có công văn chỉ đạo tạm dừng thực hiện Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng) trong thời gian chờ các cơ quan chức năng rà soát các nội dung có liên quan.
Liên quan đến việc tháo dỡ các thiết bị trong khu vực Trạm vật tư đường sắt Dĩ An, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương tại Công văn số 8512/BGTVT-KCHT ngày 3/8/2018 (do Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn không có nhu cầu sử dụng đất và đề nghị được tháo dỡ).
Trạm vật tư đường sắt Dĩ An có tổng diện tích hơn 110.000 m2 tại đường Lý Thường Kiệt (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương), được chia làm 2 khu: khu phía trước 6,3 ha, có 4 đường ray nằm sát mặt tiền đường Lý Thường Kiệt; khu phía sau gồm bãi hàng, kho xưởng.
Năm 2012, VNR phê duyệt cơ cấu sử dụng 64.050 m2 làm thương mại - dịch vụ, còn lại khoảng 48.000 m2 xây lại trạm vật tư. VNR giao người đại diện vốn tại Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn phối hợp lựa chọn đối tác đầu tư Dự án. Một năm sau, UBND tỉnh Bình Dương giao Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An làm chủ đầu tư Dự án Nhà ở thương mại đường sắt rộng 64.000 m2.
Nhằm nâng cao giá trị lô đất, 4 đường ray ở Trạm vật tư sẽ được dời từ mặt tiền đường Lý Thường Kiệt vào phía Bắc khu đất (phía sau). Sau khi dịch chuyển đường sắt, phải khôi phục lại nguyên trạng các đường, kèm theo đó là hệ thống bãi hàng, nhà kho phục vụ cho trạm vật tư đường sắt. Đến năm 2017, khu đất này được Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn chuyển nhượng cho Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An. Sau khi nhận chuyển nhượng, đơn vị này xin đăng ký làm chủ đầu tư Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng) trên diện tích này và được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận.
Như vậy, khu đất này đã bị biến thành dự án nhà ở thương mại với giá gần 2 tỷ đồng/lô 75 m2; còn hàng ngàn thanh ray, tà vẹt là tài sản quốc gia bị tháo dỡ nằm chất đống 5 năm qua.
Xé rào chuyển nhượng
Điều đáng nói là, dù không hề thi công các hạng mục hoàn trả còn lại, nhưng vào tháng 11/2016, Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn lại có văn bản đề nghị VNR cho phép tháo dỡ các đường sắt nhánh (thực tế chưa lắp đặt) trên đất thuộc Trạm vật tư đường sắt Dĩ An với lý do không có nhu cầu sử dụng. Trên cơ sở này, ngày 11/1/2017, VNR có văn bản đề nghị Bộ GTVT cho phép tháo dỡ 3 bộ ghi và các nhánh đường sắt số 60, 61, 62 tại Trạm vật tư đường sắt Dĩ An và thu hồi quản lý vật tư theo quy định.
Tháng 8/2018, Bộ GTVT có văn bản thống nhất chủ trương tháo dỡ 3 bộ ghi và các nhánh đường sắt số 60, 61, 62 trên nguyên tắc: VNR phải xây dựng phương án tháo dỡ, thu hồi vật tư 3 bộ ghi và các nhánh đường sắt này; xây dựng phương án sử dụng đất dành cho đường sắt sau khi tháo dỡ. Phương án tháo dỡ, phương án sử dụng đất phải được Bộ GTVT xem xét, chấp thuận trước khi tiến hành.
Vào giữa tháng 7/2019, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT và ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương đồng chủ trì cuộc họp liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất và kết cấu tài sản đường sắt tại Trạm vật tư đường sắt Dĩ An.
Thứ trưởng Bộ GTVT và Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương cùng cho rằng, việc nghiên cứu áp dụng các quy định pháp luật của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và địa phương về quản lý đất đai thiếu toàn diện, chưa thống nhất dẫn đến xảy ra một số vấn đề cần phải khắc phục ngay.
Bộ GTVT và UBND tỉnh Bình Dương thống nhất tạm dừng thực hiện Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt mở rộng (48.000 m2) của Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An tại Dĩ An (Bình Dương), trong khi chờ cơ quan chức năng rà soát các nội dung liên quan đến việc đầu tư công trình. Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Dương đề xuất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho ý kiến chỉ đạo. Trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, Bộ GTVT sẽ có ý kiến về đề nghị của tỉnh.
Trước đó, Bộ GTVT cho rằng, VNR đã báo cáo không trung thực việc tháo dỡ các nhánh đường sắt trong Trạm vật tư đường sắt Dĩ An và yêu cầu VNR chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục, lắp đặt lại nguyên trạng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đang tiến hành xác minh, thu thập tài liệu liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn; công tác quản lý nhà nước đối với các tuyến đường sắt quốc gia tại Trạm vận tư đường sắt Dĩ An.