WB: Nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực kéo dài tới năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá lương thực tăng cao và các hệ quả của vấn đề này đang gây khó khăn cho người nghèo trên toàn thế giới.
Một người bán rau, củ, quả tại chợ ở Tegucigalpa, Honduras. (Ảnh: AFP/TTXVN). Một người bán rau, củ, quả tại chợ ở Tegucigalpa, Honduras. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Ngày 20/4, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho biết cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá lương thực tăng cao, tác động đặc biệt nghiêm trọng tới những người nghèo nhất, đồng thời cảnh báo cuộc khủng hoảng an ninh lương thực sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí có thể sang tận năm 2023.

Phát biểu họp báo trực tuyến trong khuôn khổ Hội nghị mùa Xuân 2022 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và WB, Chủ tịch Malpass nhấn mạnh xung đột và các hệ quả của vấn đề này đang gây khó khăn cho người nghèo trên toàn thế giới.

Giá lương thực hiện tăng tới 37% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời đang tăng cao hơn so với chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đây là điều đáng lưu tâm do CPI là thước đo mức độ tác động tới người nghèo - đối tượng chủ yếu hằng ngày chi tiêu cho lương thực-thực phẩm.

Theo Chủ tịch WB, tình trạng thiếu lương thực, năng lượng và phân bón - mặt hàng thiết yếu cho vụ mùa - đang gây ra cuộc khủng hoảng mất an ninh lương thực. Cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí có thể tiếp diễn sang năm tới.

Vấn đề lương thực hiện nay khá nghiêm trọng, giá cả tăng cao tác động tới người dân tại các quốc gia nghèo, đặc biệt ở những vùng nông thôn khó khăn. Việc thiếu lương thực khiến người nghèo có xu hướng chuyển đổi sang sử dụng các loại thực phẩm kém dinh dưỡng hơn.

Tuy vậy, người đứng đầu WB cũng cho rằng kho dự trữ toàn cầu hiện vẫn đủ lớn và có thể giúp cải thiện tình hình khi được phân phối, hỗ trợ cho các quốc gia.

Chủ tịch Malpass cho biêt Hội nghị trong ngày 19/4 đã dành thời gian thảo luận về vấn đề an ninh lương thực và ông hy vọng các quốc gia sẽ chủ động có giải pháp hiệu quả để tháo gỡ cuộc khủng hoảng lương thực và phân bón hiện nay.

Cũng tại cuộc họp báo ngày 20/4, Chủ tịch WB nhắc lại cam kết xây dựng một quỹ viện trợ khẩn cấp trị giá 170 tỷ USD trong 15 tháng tới để hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất đang chịu hưởng từ nhiều cuộc khủng hoảng. Đây là cam kết hỗ trợ tài chính lớn nhất từ trước tới nay của WB.

Liên quan đến vấn đề vaccine ngừa COVID-19, Chủ tịch Malpass cam kết huy động 11 tỷ USD cho các chương trình tiêm phòng tại 81 quốc gia trên thế giới trước cuối tháng 6 tới.

Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách thúc đẩy nỗ lực cải thiện việc phân bổ các nguồn lực toàn cầu để giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng sâu sắc khiến ngày càng nhiều quốc gia tụt hậu, không thể đạt tiến bộ và cũng không có đủ nguồn đầu tư cần thiết.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục