Chỉ số giá lương thực đã tăng lên mức cao kỷ lục mới vào tháng 3

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cơ quan thực phẩm Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, giá lương thực thế giới đã tăng lên mức cao kỷ lục mới vào tháng 3 do căng thẳng ở Ukraine gây ra làm xáo trộn trên thị trường ngũ cốc và dầu ăn.
Chỉ số giá lương thực đã tăng lên mức cao kỷ lục mới vào tháng 3

Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương (FAO) theo dõi các mặt hàng lương thực được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu đạt mức trung bình 159,3 điểm trong tháng 3 so với mức 141,4 vào tháng 2.

Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu lớn của lúa mì, ngô, lúa mạch và dầu hướng dương qua Biển Đen, căng thẳng địa chính trị kéo dài 6 tuần của Nga và Ukraine đã khiến xuất khẩu của Ukraine bị đình trệ.

FAO cho biết trong một tuyên bố: “Giá thực phẩm thế giới đã có bước nhảy vọt đáng kể trong tháng 3, đạt mức cao nhất từ ​​trước đến nay, do căng thẳng ở khu vực Biển Đen đã gây ra cú sốc qua các thị trường ngũ cốc và dầu thực vật”.

Chỉ số giá lương thực vốn đã báo cáo mức kỷ lục vào tháng 2 "tạo một bước nhảy vọt khổng lồ lên mức cao nhất mới kể từ khi được xây dựng vào năm 1990", FAO cho biết.

FAO tháng trước cảnh báo rằng giá lương thực và thức ăn chăn nuôi có thể tăng tới 20% do hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine, gây ra tình trạng suy dinh dưỡng toàn cầu tăng vọt.

Hôm thứ Sáu (8/4), FAO cũng đã cắt giảm ước tính sản lượng lúa mì thế giới năm 2022 xuống còn 784 triệu tấn từ mức dự báo 790 triệu của tháng trước dựa trên khả năng ít nhất 20% diện tích vụ đông của Ukraine sẽ không được thu hoạch.

FAO cũng hạ dự báo thương mại ngũ cốc toàn cầu trong năm tiếp thị 2022 do sự gián đoạn đối với xuất khẩu Biển Đen được xem là chỉ được bù đắp một phần nhờ xuất khẩu gia tăng từ Ấn Độ, Liên minh châu Âu, Argentina và Mỹ.

Theo FAO, Nga và Ukraine lần lượt chiếm khoảng 30% và 20% xuất khẩu ngô và lúa mì toàn cầu trong ba năm qua. Căng thẳng tiếp tục hoành hành khi mùa gieo hạt đã bắt đầu ở Ukraine.

FAO cho biết, giá lúa mì tăng gần 20%, trong đó vấn đề trở nên trầm trọng hơn do lo ngại về điều kiện cây trồng ở Mỹ. Chỉ số giá dầu thực vật của FAO tăng 23,2% do giá dầu hạt hướng dương cao hơn, trong đó Ukraine là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Xung đột cũng khiến giá dầu và khí đốt tăng vọt, khiến lạm phát trên toàn thế giới tăng hơn nữa và làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục