Bị cáo kêu oan, bị hại bức xúc
Vụ án Đoàn Vũ Thanh Nghĩa (SN 1969, ở quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư bị khởi tố từ năm 2008. Qua 6 năm xét xử (từ năm 2010 đến nay), vụ án nhiều lần bị trả hồ sơ điều tra bổ sung, hủy án. Lần xét xử mới nhất vào ngày 18/10/2016, bị cáo Nghĩa tiếp tục kêu oan, còn nạn nhân kháng cáo vì cho rằng bỏ lọt tội phạm.
Bối cảnh xảy ra vụ việc vào thời kỳ thị trường chứng khoán đang “sốt nóng”. Các giao dịch trên thị trường OTC rất sôi động.
Theo bản án, Nghĩa và 5 bị hại là Nguyễn Thị Kim Oanh, Vũ Bích Nga, Nguyễn Hoài Anh, Đỗ Thị Phượng và Vũ Thị Kim Dung có quan hệ quen biết. Nghĩa đã gây dựng lòng tin với mọi người khi nói có thể mua giúp họ các cổ phiếu ưu đãi của các doanh nghiệp đang cổ phần hóa, những cổ phiếu này chưa niêm yết, hiện được giao dịch trên thị trường OTC, chắc chắn sẽ có lãi từ 5 - 10%.
Nhưng việc mua bán cổ phiếu của công ty nào, thời gian, giá cả, số lượng bao nhiêu phải do Nghĩa mua và đứng tên. Thời gian mua bán mỗi đợt từ 3 - 10 ngày. Trước khi mua bán, Nghĩa sẽ báo cho mọi người biết thời gian và số tiền nộp, người mua không trực tiếp đứng tên, mà chuyển tiền cho Nghĩa để mua cổ phiếu.
Phương thức đưa tiền là trực tiếp trao tay và chuyển khoản. Thời gian đầu, Nghĩa trả đủ lãi và gốc. Khi nhận tiền, Nghĩa không mua cổ phiếu như đã nói, mà dùng tiền của người sau trả lãi cho người trước, hoặc chỉ thông báo lãi và gốc.
Tại cơ quan điều tra, Nghĩa khai đã ra các sàn giao dịch ở phố Trần Bình Trọng, Sàn chứng khoán Hướng Việt (số 8, Thiền Quang) và Sàn chứng khoán Hà Nội (số 2 Phan Chu Trinh) để mua bán cổ phiếu của các công ty Bảo Việt, Tài chính Dầu khí… (thời điểm đó, các công ty này chưa niêm yết). Tuy nhiên, Nghĩa không cung cấp được nhân thân, lai lịch của người mua, người bán. Chứng cứ duy nhất chỉ có giao dịch mua 2.000 cổ phiếu (trị giá 20 triệu đồng) của Tập đoàn Bảo Việt là có giấy tờ và có thật.
Đầu năm 2008, đến hạn, các bị hại đến tìm nhưng Nghĩa khất lần rồi bỏ trốn. Những người bị hại làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Nghĩa lên cơ quan công an.
Luật sư Chu Văn Khang (bào chữa cho bị cáo) cho rằng, qua những lần xét xử, số tiền thiệt hại liên tục thay đổi: 49 tỷ đồng, 46 tỷ đồng, 46,8 tỷ đồng.
Bị cáo Nghĩa thừa nhận có nhận tiền, nhưng đó là các khoản tiền họ trả nợ. Kêu oan, nhưng bị cáo không đưa ra được giấy tờ chứng minh việc vay mượn.
Chị Nguyễn Phạm Cẩm Hương (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) khẳng định không quen biết Nghĩa và chỉ đưa tiền cho chị Oanh và có lần chị Oanh bảo chuyển vào tài khoản của Nghĩa. Tổng số tiền là 12,8 tỷ đồng. Chị Hương đề nghị làm rõ dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm của chị Nguyễn Thị Kim Oanh.
“Vì thân quen mà sơ hở...”
Quá trình điều tra cho thấy, những lần giao tiền trực tiếp, các bên đều không lập giấy tờ. Khi chuyển khoản cũng không thể hiện nội dung chuyển tiền.
Cá biệt, bà Đỗ Thị Phượng trình bày đã đưa cho Nghĩa 14,1 tỷ đồng, có giữ một quyển sổ biên nhận, trong đó Nghĩa ghi xác nhận các lần đưa tiền. Tuy nhiên, quyển sổ trên không ghi ngày tháng rõ ràng, có những chữ viết tắt dễ tạo ra nhiều cách hiểu. Tài liệu điều tra xác định, Nghĩa chiếm đoạt của bà Phượng 8,9 tỷ đồng.
Theo lời khai của bị cáo, các giao dịch thời điểm đó chủ yếu “lướt sóng” và chỉ cần bản photo chứng minh nhân dân. Một bị hại ngậm ngùi: “chỉ vì thân quen mà sơ hở pháp lý”.
Ngày 18/10/2016, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã xem xét, đánh giá vụ án theo trình tự phúc thẩm. Do các tình tiết chưa được làm rõ, Hội đồng xét xử quyết định hủy án để điều tra, xét xử lại từ đầu.
Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc khi có diễn biến mới.