Chủ đề chính của Diễn đàn là gì và câu chuyện về Việt Nam được quan tâm như thế nào, thưa ông?
Diễn đàn Đầu tư khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng năm nay diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, với hơn 700 chuyên gia, nhà đầu tư từ các tập đoàn lớn trong khu vực. Chủ đề của diễn đàn xoay quanh cơ hội đầu tư, bức tranh kinh tế, sự phát triển của các quốc gia Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và các nhân tố tạo ra sự phát triển kinh tế.
Trong đó, Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm hơn cả, đặc biệt sau chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hoa Kỳ - Brack Obama vừa qua. Động thái này được nhìn nhận giúp tăng cường mối quan hệ về chính trị và kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, khi Tổng thống Obama là một trong những người ủng hộ tích cực cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà Việt Nam là một trong những thành viên.
Điểm kỳ vọng mà nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận là TPP sẽ là động lực để Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế cho phù hợp với yêu cầu của hiệp định này. Khi đó, cùng với những tiềm năng sẵn có như tài nguyên, con người, sự ổn định về kinh tế - chính trị, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tìm đến Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất tại khu vực châu Á.
Điều mà ông nói có phải là việc nhà đầu tư nước ngoài đã “tự tin hơn” khi nhắc tới thị trường Việt Nam?
Góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời điểm hiện tại là về hình ảnh của một “chính phủ mới thay đổi”, khiến nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng hơn.
Trong khoảng chục năm qua, Việt Nam vẫn là một điểm đến ưa thích của dòng vốn FDI từ nhiều nước phát triển, với mức độ giải ngân khoảng 10 tỷ USD/năm và có xu hướng tăng mạnh trong một vài năm trở lại đây - khoảng thời gian bắt đầu có sự cải cách mạnh mẽ về thể chế và kinh tế. Điều này cho thấy, tâm lý rủi ro của nhà đầu tư về một thị trường cận biên giảm dần. Dòng vốn gián tiếp thông qua thị trường tài chính cũng có sự tăng trưởng khá ổn định và đều đặn qua từng năm.
Tuy nhiên, cũng cần có cái nhìn thận trọng rằng, “tự tin hơn” không có nghĩa là “tự tin hoàn toàn”. Thực tế, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định, nhưng chưa có nhiều điểm sáng sủa hơn so với một số nước khác trong khu vực, chẳng hạn Myanmar. Tại diễn đàn vừa qua, có 3/7 tham luận nói về tiềm năng của nước này.
Để tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, câu chuyện về Việt Nam phải được viết tiếp như thế nào, theo ông?
Góc nhìn của tôi là chúng ta đang có tiềm năng thực sự, nhưng vẫn cần một góc nhìn trung lập hơn, đặc biệt là vấn đề phân bổ các nguồn lực kinh tế - xã hội trong quá khứ một cách mất cân đối, tập trung vào khối doanh nghiệp nhà nước và dành nhiều ưu đãi cho khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, vào thời điểm này, các nhà đầu tư nước ngoài đang quan sát rất kỹ những cải cách về thể chế kinh tế của Việt Nam có thực sự thay đổi như kỳ vọng của họ không. Đây chính là điều mà Việt Nam cần lưu ý để đem lại động lực mới cho sự phát triển chung, đặc biệt là cơ chế phân bổ nguồn lực đối với khu vực tư nhân.
Một điểm khác cần tập trung giải quyết là tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài phải bù đắp bằng vay nợ, khiến cho nợ công ngày một tăng. Thâm hụt ngân sách kéo dài có thể làm cho chính sách tài khóa bị “tê liệt”, không có dư địa để hỗ trợ phát triển kinh tế, đồng thời việc liên tục phải phát hành nợ mới bù đắp nợ gốc cũ và lãi vay khiến cho thị trường vốn bị “méo mó”.
Chính phủ đã có những điều chỉnh hợp lý với định hướng kéo dài kỳ hạn nợ, tái cơ cấu nợ nước ngoài thành nợ trong nước…, nhưng tôi cho rằng, điều đó là chưa đủ, cần thay đổi mạnh mẽ hơn cơ chế thu chi ngân sách, cắt giảm các khoản chi ngân sách lãng phí và không hiệu quả. Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn đang rất chậm. Đây chính là những vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn đang cân nhắc trước khi vào Việt Nam.
Vậy góc nhìn của ông về dòng vốn ngoại trong thời gian sắp tới?
Dù có nhiều thách thức, nhưng với những động thái gần đây Chính phủ, niềm tin vào sự thay đổi toàn diện của Việt Nam đang rất rõ ràng, nhất là về những lợi thế sau khi ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập.
Với quan điểm “người đi trước là người có lợi thế”, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ muốn đầu tư vào Việt Nam thời điểm này để tận dụng những ưu đãi khi Việt Nam đẩy mạnh mở cửa thị trường. Tuy nhiên, các quốc gia khác cũng đang có sự thay đổi. Do đó, chúng ta phải quyết liệt thay đổi để tạo ra môi trường đầu tư công bằng, minh bạch và tương xứng với kỳ vọng của họ.