VNPT bước vào giai đoạn tái cấu trúc “đầu não“

Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) bước vào chặng cuối cùng của lộ trình tái cấu trúc bằng việc tạo động lực cho cỗ máy VNPT hoạt động hiệu quả và hoàn thành thoái vốn.
 Sau 2 tháng tiến hành tái cấu trúc, Tập đoàn VNPT đã điều chuyển 190/470 cán bộ, chuyên viên khối văn phòng tăng cường xuống các đơn vị Sau 2 tháng tiến hành tái cấu trúc, Tập đoàn VNPT đã điều chuyển 190/470 cán bộ, chuyên viên khối văn phòng tăng cường xuống các đơn vị

Tái cấu trúc “đầu não”

Tính đến thời điểm hiện tại, VNPT đang tiến hành giai đoạn cuối của tái cấu trúc VNPT: Tái cấu trúc khối văn phòng VNPT. Cùng với đó, sau khi xong “bộ khung” của 3 tổng công ty (Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông -VNPT - VinaPhone; Tổng công ty Truyền thông -VNPT - Media; Tổng công ty Hạ tầng mạng -VNPT - Net), tiếp theo sẽ là việc đảm bảo khối 3 tổng công ty này vận hành hiệu quả theo mô hình mới.

Đối với việc tái cấu trúc khối văn phòng, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết, sau 2 tháng tiến hành tái cấu trúc, Tập đoàn đã điều chuyển 190/470 cán bộ, chuyên viên tăng cường xuống các đơn vị. Tái cấu trúc khối văn phòng đảm bảo tinh gọn, hiệu quả và thực sự là “bộ tổng tham mưu” của cả Tập đoàn. Theo mô hình mới, VNPT sẽ chỉ giữ vai trò tham mưu, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kiểm tra, giám sát, chứ không tham gia điều hành cụ thể.

Đưa “trục dọc” 3 tổng công ty vào hoạt động

Theo ông Phạm Đức Long, đến thời điểm hiện nay, VNPT đã tái cấu trúc “về mặt hình thức” xong đối với 3 tổng công ty dọc (VNPT-Net, VNPT-Media và VNPT-VinaPhone), hình thành xong cơ bản bộ máy và vì thế, công việc còn lại là vận hành sao cho hiệu quả.

Đến thời điển hiện nay, VNPT-Media đã đi vào vận hành, VNPT -Net dự kiến vận hành từ tháng 9/2015. Còn đối với “át chủ bài” VNPT-VinaPhone việc vận hành đồng bộ cả trục dọc sẽ chậm hơn. Theo ông Long, VNPT-VinaPhone hiện tại mới tách xong bộ máy tham mưu và 6 trung tâm kinh doanh là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Tiền Giang, Quảng Nam. Còn lại mảng kinh doanh của 57 tỉnh, thành phố vẫn chưa đưa về VNPT-VinaPhone được.

Sau khi 6 trung tâm kinh doanh này nhập vào VNPT-VinaPhone, vận hành hiệu quả, VNPT sẽ tiến hành áp dụng đồng loạt trên các tỉnh, thành phố còn lại. Mục tiêu của Tập đoàn là phấn đấu đến ngày 1/10 đưa toàn bộ Trung tâm kinh doanh tại 57 tỉnh, thành còn lại về VNPT-VinaPhone.

Sau công đoạn hình thành 3 tổng công ty, bước tiếp theo của Tập đoàn sẽ là tái cấu trúc các lớp “hạ tầng - dịch vụ - kinh doanh”. Cụ thể, với lớp hạ tầng do VNPT-Net trực tiếp phụ trách, sau khi tối ưu hóa mạng lưới, nguồn lực đã tiết kiệm và cắt giảm được rất nhiều chi phí.

Trong khi đó, với lớp kinh doanh, điểm mạnh của VNPT  là xây dựng được một hệ thống kinh doanh rộng, hiệu quả suốt thời gian qua. Giờ đây, khi “chuyển nhượng” cho VNPT-VinaPhone tiếp quản, thì vấn đề đáng lo ngại nhất là VNPT có điều hành trơn tru toàn hệ thống hay không. Trên thực tế, bộ máy kinh doanh trên VNPT-VinaPhone chưa từng điều hành công việc kinh doanh của 63 tỉnh, thành phố. Đây là nỗi lo lớn của VNPT.

Theo ông Long, một điểm yếu trước đây của VNPT là khâu dịch vụ chăm sóc khách hàng chưa được tốt, khi rất nhiều khách hàng phản ánh việc sửa chữa, khắc phục sự cố còn chậm. Sau tái cấu trúc, VNPT thiết lập quy trình sửa chữa mới để nhân viên kinh doanh địa bàn sẽ là người nắm thông tin của địa bàn mình phụ trách. Đây là nét mới, khi giao quyền chủ động và trách nhiệm cho bên kinh doanh.

Sẽ hoàn thành thoái vốn trong năm 2015

Theo Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2014 - 2015, thì 63 công ty do VNPT đang sở hữu một phần vốn sẽ phải thoái vốn toàn bộ.

Lãnh đạo VNPT cho biết, đối với các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, VNPT đang tập trung thoái vốn tại các doanh nghiệp có thể thoái vốn nhanh, các doanh nghiệp khó khăn trong kinh doanh, có nguy cơ mất vốn của chủ sở hữu, các doanh nghiệp không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính hoặc các ngành nghề kinh doanh có liên quan.

Cụ thể, các doanh nghiệp mà VNPT phải thoái vốn gồm: Tổng công ty cổ phần Bảo Minh; 53 công ty cổ phần; 4 công ty trách nhiệm hữu hạn; 4 quỹ và 1 ngân hàng thương mại cổ phần (Maritime Bank).

Đến thời điểm hiện tại, VNPT đã thoái vốn, thu hồi hơn 701 tỷ đồng trên tổng số hơn 2.213 tỷ đồng cần thoái vốn, cơ bản đạt tiến độ đề ra.

Theo lộ trình, đến cuối năm 2015, VNPT sẽ thoái hết vốn ở tất cả các đơn vị trong danh sách này, sau đó sẽ tiếp tục thoái vốn tại các doanh nghiệp còn lại. Trong đó, sẽ tiến hành giải thể, phá sản đối với 8 doanh nghiệp có giá trị 103,9 tỷ đồng , tiến hành bán vốn tại 6 doanh nghiệp trị giá hơn 64 tỷ đồng vốn góp theo mệnh giá tại thời điểm ngày 31/12/2014.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục