Hơn 10 năm trước, VinaPhone từng giữ vị trí số 1 trong làng viễn thông, nhưng rồi đã bị “người anh em” MobiFone và đối thủ Viettel vượt qua. Cái “thế chân vạc” mà giới viễn thông thường nhắc tới với 3 nhà mạng Viettel - MobiFone - VinaPhone (chiếm tới hơn 90% thị phần di động Việt Nam) đã có phần khập khiễng. Và cái “chân vạc thứ 3” yếu hơn chính là VinaPhone, nếu không muốn nói là VinaPhone bị kẹp giữa 2 đối thủ lớn Viettel và MobiFone.
Năm 2014, nếu như Viettel đạt doanh thu hơn 197.000 tỷ đồng và có gần 57,5 triệu thuê bao; MobiFone đạt doanh thu hơn 36.600 tỷ đồng, có hơn 40 triệu thuê bao, thì VinaPhone chỉ có doanh thu hơn 25.600 tỷ đồng, với hơn 26 triệu thuê bao. Có nhiều nguyên nhân khiến VinaPhone “đuối sức”, nhưng vấn đề được rất nhiều người quan tâm lúc này là, cùng với việc tái cấu trúc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), đường đi của VinaPhone sẽ như thế nào? Liệu VinaPhone có thể cạnh tranh sòng phẳng với hai đối thủ trên không?
Ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, với doanh thu và thị phần hiện nay của VinaPhone, Bộ sẽ xem xét lại liệu doanh nghiệp (DN) này có nằm trong nhóm thống lĩnh thị trường nữa hay không. Nếu không nằm trong nhóm thống lĩnh thị trường, VinaPhone sẽ có điều kiện thuận lợi hơn Viettel, MobiFone về giá cước, khuyến mãi để có cơ hội phát triển.
Nếu được coi là DN không thống lĩnh thị trường (tức chỉ chiếm dưới 30% thị phần), VinaPhone có thể sẽ có quyền ban hành giá cước, thực hiện các chương trình khuyến mãi, mà trong thời gian đầu, có thể bị lỗ và giá dịch vụ có thể thấp hơn giá thành... Đây được xem là cơ hội để VinaPhone “quật khởi” giành lại khách hàng từ tay đối thủ.
Mặt khác, trong một diễn biến mới khi thực hiện Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu VNPT, vào giữa năm 2015, VinaPhone sẽ thành lập Tổng công ty VNPT-VinaPhone. Theo đó, hệ thống kinh doanh ở các viễn thông tỉnh đã tách khỏi khối kỹ thuật và bộ phận kinh doanh tại các công ty dọc sẽ chuyển về Tổng công ty VNPT-Vinaphone theo hướng kinh doanh xuyên suốt toàn VNPT. Như vậy, VNPT-VinaPhone sẽ là “quả đấm chủ lực” của VNPT và trực tiếp quản lý hơn 17.000 nhân viên kinh doanh từ các công ty khác của VNPT sáp nhập về.
Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho VinaPhone trong năm 2015, bởi như chính ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc VNPT nhận định, sau khi tái cơ cấu và thành lập Tổng công ty VNPT-VinaPhone, ban lãnh đạo VinaPhone cần có một tư duy, cách nhìn nhận hoàn toàn khác, bởi quản lý 17.000 con người sẽ khác hơn so với với chỉ vài ngàn người như hiện nay. “Sẽ không còn chuyện chạy theo thành tích nữa, mà việc xác định chênh lệch thu - chi và hiệu quả kinh doanh là trọng tâm số một”, ông Hùng nhấn mạnh.
Một trong những điểm yếu của VinaPhone so với Viettel, MobiFone được ông Hùng chỉ ra là, việc phủ sóng 3G của VinaPhone vẫn còn hạn chế. Vì vậy, đến hết tháng 6/2015, sóng 3G của VinaPhone sẽ phải phủ rộng khắp như 2G. Đặc biệt, năm 2015 VinaPhone sẽ phải phủ sóng khu vực biển, đảo thật tốt.
“VinaPhone chỉ còn một con đường duy nhất là phải tiến lên”, ông Cao Duy Hải, Giám đốc VinaPhone khẳng định và cho rằng, thị trường thuê bao di động đang bão hòa, nhưng mảng nội dung, kết nối các thiết bị thông minh… vẫn còn nhiều đất phát triển.
Theo lãnh đạo VinaPhone, chiến lược của VNPT là phải chuyển dịch từ cung cấp các dịch vụ viễn thông thuần túy sang cung cấp dịch vụ tích hợp giữa viễn thông và công nghệ thông tin để phục vụ cho khách hàng cá nhân, DN và cả khối cơ quan của Chính phủ. VinaPhone sẽ là một trong những đơn vị thành viên thực hiện chiến lược này của VNPT.
Ngoài việc kinh doanh các dịch vụ giá trị gia tăng truyền thống, VinaPhone phải tăng cường đưa vào nhiều dịch vụ giá trị gia tăng mới, sáng tạo hơn cho khách hàng. VinaPhone cam kết hợp tác chặt chẽ với các đối tác để phát triển dịch vụ mới.
Hy vọng, với “bộ áo mới”, cơ hội mới, tư duy mới, kỳ vọng mới của VNPT và VinaPhone thì một ngày không xa, thế “chân vạc” sẽ được tái lập. VinaPhone sẽ phần nào lấy lại vị thế mà hơn 10 năm trước DN này đã từng có.