Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2024, ước xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 730.000 tấn, trị giá 4,37 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 20,2% về trị giá so với năm 2023.
Giá bình quân xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt khoảng 6.003 USD/tấn, tăng 6,1% so với năm 2023.
Theo số liệu đầy đủ 11 tháng năm 2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang 3 khu vực thị trường là châu Á, châu Mỹ, châu Âu đều tăng trưởng tốt, trong đó tăng mạnh nhất là xuất khẩu tới khu vực châu Mỹ tăng 25,7% về lượng và tăng 30,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Ngược lại xuất khẩu hạt điều sang châu Đại Dương và châu Phi giảm.
Về cơ cấu thị trường, ngành điều đã khai thác khá tốt hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống và tiềm năng. Trong đó, xuất khẩu 11 tháng sang Mỹ đạt 179,48 nghìn tấn, trị giá 1,07 tỷ USD, tăng 24,4% về lượng và tăng 31,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 117,42 nghìn tấn, trị giá 687,84 triệu USD, tăng 18,9% về lượng và tăng 14,4% về trị giá.
Ngành điều cũng khai thác tốt thị trường EU, xuất khẩu sang nhiều thị trường thành viên Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha… đều tăng trưởng.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, những năm qua, ngành điều Việt Nam đã giữ vững ngôi vị đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân trong nhiều năm liên tiếp, khẳng định được uy tín của thương hiệu trên thị trưng quốc tế. Hạt điều nhân của Việt Nam hiện đã có mặt tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đều qua các năm.
Đối với cơ cấu chủng loại, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các chủng loại hạt điều W320, W240, W180, tỷ trọng chiếm 64,2% tổng lượng và chiếm 70,67% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu các chủng loại hạt điều trên đã tác động tích cực lên toàn ngành.
Ngoài ra, ngành điều Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các chủng loại hạt điều W450, WS/WB, W210, với tốc độ tăng trưởng khả quan. Điều này cho thấy, sản phẩm hạt điều chế biến của Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng.
Xuất khẩu hạt điều tăng mạnh, nhưng điểm nghẽn là phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu vẫn lớn. Ước tính, ngành phải chi hơn 3,2 tỷ USD để nhập nguyên liệu trong năm qua.
Quy mô thị trường hạt điều toàn cầu năm 2024 được định giá 7,78 tỷ USD, dự kiến sẽ đạt 8,14 tỷ USD vào năm 2025 và tăng lên 11,67 tỷ USD vào năm 2033, theo www.straitsresearch.com.
Động lực tăng trưởng của thị trường hạt điều là sự phát triển của ngành chế biến thực phẩm, được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa, lối sống thay đổi của người tiêu dùng và nhu cầu về thực phẩm tiện lợi. Theo đó, hạt điều được sử dụng rộng rãi trong ngành chế biến thực phẩm để làm đồ ăn nhẹ, bánh kẹo, sản phẩm bánh mì...
Với xu hướng này, nhu cầu nhập khẩu hạt điều của các thị trường lớn nhiều khả năng sẽ vẫn có xu hướng tăng trong thời gian tới, tạo dư địa xuất khẩu cho các nhà cung ứng Việt Nam.