Nhiều mặt hàng kim ngạch xuất khẩu thấp cũng bị điều tra phòng vệ

Ngày càng có nhiều thị trường khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam, ngoài Mỹ, EU, ASEAN thì nay cả Mexico, Đài Loan (Trung Quốc), Nam Phi..., phạm vi sản phẩm bị điều tra cũng mở rộng sang các mặt hàng có trị giá xuất khẩu thấp.

Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9/2024 được Bộ Công thương tổ chức sáng 30/9, nối nhiều điểm cầu với Thương vụ Việt Nam tại các thị trường nước ngoài.

Với 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 16 FTA đang thực thi, 3 FTA đang đàm phán, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao và ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế quốc tế, nhiều ngành sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn và liên tục tăng trưởng mạnh.

8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 265 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,6%).

Bà Trương Thuỳ Linh, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương): "Nhiều mặt hàng xuất khẩu với trị giá thấp cũng bị điều tra phòng vệ thương mại".

Bà Trương Thuỳ Linh, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương): "Nhiều mặt hàng xuất khẩu với trị giá thấp cũng bị điều tra phòng vệ thương mại".

Ngoài những lợi thế đặc thù của quốc gia đang phát triển, như giá nhân công rẻ, giá thành sản xuất thấp, thì việc hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế càng khiến hàng hóa Việt Nam trở thành mối đe dọa lớn cho ngành sản xuất trong nước của nhiều quốc gia nhập khẩu.

Để hạn chế thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước, nhiều quốc gia tăng sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại, gồm biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đối với hàng Việt.

Thậm chí, thời gian gần đây, một số nước, như Hoa Kỳ đã tăng sử dụng "biện pháp chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại”. Biện pháp này nhằm ngăn chặn các hành vi thay đổi nguồn gốc của các mặt hàng xuất khẩu đang bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp để “né” thuế từ quốc gia xuất khẩu khác.

Mới nhất, hôm 20/9. Nam Phi đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng lốp xe ô tô, xe buýt và xe tải có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam, với cáo buộc lẩn tránh thuế chống bán phá giá đang áp với Trung Quốc. Biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam trong vụ việc này lên tới 84%.

Hiện, Cục Phòng vệ thương mại hiện đang xử lý nhiều vụ việc mới phát sinh do các thị trường khởi kiện hàng Việt Nam.

Bà Trương Thuỳ Linh, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho hay: "Ngày càng có nhiều các thị trường khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam, trước đây là các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, hay ASEAN thì nay cả Mexico, Đài Loan, Nam Phi".

Phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, không giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời…, mà mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, đĩa giấy, ghim dập…

Xu hướng điều tra phòng vệ cũng khắt khe hơn. Cơ quan điều tra nước ngoài ngày càng đưa ra yêu cầu cao trong nhiều khía cạnh đối với chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra (thời hạn trả lời, yêu cầu bổ sung nhiều thông tin, khó xin gia hạn...).

Chẳng hạn, trong vụ việc ghế bọc đệm, Cục Phòng vệ thương mại đã có thư đề nghị cơ quan điều tra Canada gia hạn thời gian trả lời. Tuy nhiên, cơ quan điều tra Canada không đồng ý. Ngoài ra, Canada cũng yêu cầu cung cấp thông tin cả những nguyên liệu sản xuất ra sản phẩm ghế sofa.

Ngoài ra, so một số nước như Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên sử dụng chi phí của một nước thứ ba để tính giá trị thông thường trong các vụ việc chống bán phá giá, kéo theo mức thuế phòng vệ thương mại có thể bị đẩy lên do vấn đề kinh tế thị trường.

Quá trình bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam trong mỗi vụ việc, bà Linh cho biết, kết quả kháng kiện phụ thuộc rất lớn vào chất lượng phối hợp giữa các bên liên quan. Trong đó, vai trò của các cơ quan thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài trong việc thông tin sớm về vụ việc, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, Hiệp hội ngành hàng phối hợp cung cấp thông tin kịp thời...

Xuất khẩu của Việt Nam còn gia tăng, song hành với kim ngạch xuất khẩu tăng lên là số vụ việc phòng vệ thương mại từ các thị trường cũng tăng theo, Cục phòng vệ thương mại đề nghị hệ thống Thương vụ phối hợp thông tin, cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, hỗ trợ làm rõ quy định điều tra của Chính phủ nước nhập khẩu, hỗ trợ trình bày ý kiến, quan điểm của Chính phủ Việt Nam về quan điểm, kết luận của cơ quan điều tra…

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục