Một sản phẩm của Việt Nam có nguy cơ bị điều tra phòng vệ tại Canada

0:00 / 0:00
0:00
Cục Phòng vệ Thương mại vừa phát đi cảnh báo sớm về nguy cơ Canada điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng đinh ốc nhập khẩu từ Việt Nam.
Mặt hàng đinh ốc của Việt Nam vào tầm ngắm phòng vệ thương mại của Canada. Mặt hàng đinh ốc của Việt Nam vào tầm ngắm phòng vệ thương mại của Canada.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) nhận được thông tin về việc Cơ quan hải quan Canada (CBSA) sẽ gia hạn vụ việc điều tra lại (re-investigation) nhằm cập nhật các giá trị thông thường và giá xuất khẩu đối với một số mặt hàng đinh ốc carbon có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Vụ việc sẽ được gia hạn thêm 7 ngày và ra kết luận vào ngày 30/5//2024.

"Tuy hàng hóa có xuất xứ Việt Nam không bị điều tra, nhưng có một số bằng chứng cho thấy tồn tại hoạt động giao dịch xuất khẩu giữa nhà xuất khẩu của Việt Nam và nhà nhập khẩu tại Canada", Cơ quan này cảnh báo.

Đồng thời cho biết, không loại trừ khả năng Canada tiến hành các cuộc điều tra nhằm mở rộng phạm vi sản phẩm/điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại hoặc khởi xướng các vụ việc phòng vệ thương mại mới với mặt hàng tương tự của Việt Nam.

Để kịp thời ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại có thể xảy ra trong tương lai, Cơ quan này khuyến nghị Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan cần rà soát lại việc xuất khẩu đinh ốc carbon sang thị trường Canada (tham khảo các mã HS: 7318.11, 7318.12, 7318.14, và 7318.15).

Các doanh nghiệp cần chuẩn bị ứng phó trong trường hợp Canada tiến hành điều tra vụ việc phòng vệ thương mại; chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, thủ tục điều tra phòng vệ thương mại của Canada;

Trong trường hợp bị điều tra, Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan cần xác có chiến lược tham gia, xử lý vụ việc; hợp tác đầy đủ theo yêu cầu của Cơ quan điều tra; thường xuyên phối hợp để nhận được sự hỗ trợ từ Cục phòng vệ thương mại.

Đầu tháng 3 năm nay, Cục Phòng vệ Thương mại cũng lưu ý doanh nghiệp trong nước về nguy cơ Canada điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng dây thép nhập khẩu từ Việt Nam.

Chính sách giám sát và siết chặt quản lý đối với các mặt hàng nhập khẩu nhằm bảo vệ thị trường nội địa của nước này.

Kể từ khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đưa vào thực thi từ 1/2019, đã thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Canada tăng lên nhanh chóng. Năm cao điểm 2022 đạt 6,33 tỷ USD, còn trong năm ngoái, chịu nhiều tác động từ kinh tế thương mại toàn cầu chậm lại, Việt Nam xuất khẩu sang Canada đạt 5,3 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng sang Canada tăng nhanh là lý do khiến nước này đưa vào tầm ngắm phòng vệ để bảo vệ sản xuất trong nước.

Tính đến nay, Canada đã khởi xướng điều tra khoảng 20 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Các biện pháp phòng vệ thương mại là tên gọi chung của ba nhóm biện pháp: chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) và tự vệ (TV). Đây là các công cụ chính sách có tính chất hạn chế thương mại được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép các thành viên sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số quốc gia gia tăng các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa của nước ta.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục