Hiện có nhiều ý kiến khác nhau về việc cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu hay mô hình doanh nghiệp. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?
Luật hiện hành không quy định cơ quan báo chí hoạt động theo mô hình sự nghiệp có thu hay doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều người băn khoăn không biết nên để cơ quan báo chí hoạt động theo mô hình nào.
Nếu hoạt động theo mô hình sự nghiệp có thu, trong trường hợp thu không đủ trang trải chi phí, ngân sách có cấp kinh phí như nhiều cơ quan sự nghiệp có thu khác không? Chắc là không, vì Nhà nước chỉ thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số cơ quan báo chí dưới hình thức trợ cước, trợ giá phát hành và các biện pháp hỗ trợ khác đối với một số sản phẩm báo chí phục vụ thiếu niên, nhi đồng; đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội khó khăn; phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội trọng yếu...
Còn nếu để hoạt động theo mô hình doanh nghiệp thì sợ nhiều cơ quan báo chí vì mục tiêu kinh doanh sẽ xa rời tôn chỉ, mục đích.
Theo tôi, cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu như quy định trong Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi là hợp lý.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho báo chí phát triển mạnh mẽ, mà không cần nhờ tới sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, cần phải tạo điều kiện cho mỗi cơ quan báo chí không chỉ phát triển thành cơ quan truyền thông đa phương tiện, cung cấp đồng thời cho xã hội cả báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, mà còn được quyền đầu tư, kinh doanh cả lĩnh vực khác.
Tôi cho rằng, cơ quan báo chí nếu đồng thời cung cấp nhiều ấn phẩm khác nhau, phương tiện truyền thông khác nhau, thì các ấn phẩm, phương tiện truyền thông bổ trợ cho nhau sẽ nâng cao được chất lượng, mở rộng được độ tương tác với độc giả, mở rộng được không gian, thời gian phát hành, sẽ thu hút được quảng cáo. Đồng thời, nếu đầu tư, kinh doanh thêm một số lĩnh vực khác thì tình hình tài chính tốt hơn, nhiều cơ quan báo chí sẽ trở thành tập đoàn báo chí.
Luật hiện hành cũng đã cho phép cơ quan báo chí được quyền kinh doanh ngoài lĩnh vực báo chí rồi, thưa ông?
Hiện tại, cơ quan báo chí chỉ được tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của mình để tạo thêm nguồn thu. Nhưng nguồn thu này phải được đầu tư trở lại cho việc phát triển báo chí.
Quy định này đã ngăn cản nhiều cơ quan báo chí có điều kiện, có cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực khác, có khả năng sinh lời cao hơn, vì chỉ được đầu tư vào những lĩnh vực “phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ”. Chính vì vậy, hiện nay chỉ có một vài cơ quan báo chí đầu tư vào mảng xuất bản, phát hành sách báo… là những mảng có tỷ suất sinh lời không cao.
Trong khi đó, Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi cho phép cơ quan báo chí mặc dù hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu, nhưng được hoạt động kinh doanh dịch vụ theo quy định pháp luật.
Theo quy định pháp luật, cụ thể ở đây là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, thì chỉ có một số ít lĩnh vực cấm đầu tư, hạn chế đầu tư, cơ quan báo chí được phép đầu tư, kinh doanh tất cả các ngành nghề, lĩnh vực còn lại. Quy định hết sức mở này sẽ tạo điều kiện cho nhiều cơ quan báo chí tạo được nguồn lực tài chính, không chỉ thành cơ quan truyền thông đa phương tiện, mà còn trở thành tập đoàn báo chí kinh doanh đa ngành nghề, đa lĩnh vực như các tập đoàn truyền thông hùng mạnh trên thế giới.
Vừa là đơn vị sự nghiệp có thu, vừa đầu tư, kinh doanh như doanh nghiệp, vậy cơ quan báo chí sẽ hạch toán thế nào, thưa ông?
Tách bạch hoàn toàn.
Hoạt động nào thuộc lĩnh vực báo chí, xuất bản, phát hành được hỗ trợ, ưu tiên, ưu đãi thì được hưởng các ưu đãi về thuế, phí và các ưu đãi khác. Còn đầu tư, kinh doanh ở lĩnh vực khác, cơ quan báo chí phải nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác với ngân sách nhà nước bình đẳng như mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Thậm chí, cơ quan báo chí được cơ quan chủ quản cấp cơ sở vật chất, tài chính, trụ sở làm việc, trang thiết bị, máy móc thì phải sử dụng tài sản này vào hoạt động báo chí đúng mục đích, có hiệu quả, chứ không được sử dụng tài sản này vào mục đích đầu tư, kinh doanh.
Doanh nghiệp hoạt động nhiều lĩnh vực, nếu lỗ lĩnh vực này thì có thể lấy lãi ở lĩnh vực khác để bù trừ. Thưa ông, trong trường hợp cơ quan báo chí cũng bị lỗ từ các lĩnh vực kinh doanh khác, thì có được bù trừ bằng lãi từ hoạt động báo chí không?
Doanh nghiệp được bù trừ lỗ - lãi trong các hoạt động kinh doanh với nhau vì các hoạt động này chịu cùng một mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (hiện tại là 22% và sẽ giảm xuống còn 20% kể từ ngày 1/1/2016). Còn hoạt động báo chí được hưởng các ưu đãi về thuế nên phải tách biệt hoàn toàn, lĩnh vực nào lãi phải nộp thuế, lĩnh vực nào lỗ không phải nộp thuế, chứ không được bù trừ.
Do hoạt động báo chí được ưu đãi về thuế, nếu cho phép bù trừ lỗ - lãi, các cơ quan báo chí sẽ chuyển lãi từ hoạt động kinh doanh khác sang hoạt động báo chí để được hưởng ưu tiên, ưu đãi, như vậy là không công bằng và tạo ra kẽ hở để một số cơ quan báo chí có thể lợi dụng.