Tìm bản sắc cho báo chí thời truyền thông xã hội

(ĐTCK) Mạng Internet ra đời và phát triển khiến “môi trường sinh thái” của các phương tiện truyền thông truyền thống thay đổi mạnh mẽ. Trong một thập kỷ gần đây, truyền thông xã hội (social media) đã có những ảnh hưởng rất lớn tới báo chí truyền thống. Nó không chỉ làm độc giả thay đổi cách thức tiếp cận thông tin, mà còn cả cách xử lý các nguồn thông tin đó.
Theo một nghiên cứu năm 2014, mỗi 1 phút, người dùng Facebook chia sẻ 2,5 triệu nội dung Theo một nghiên cứu năm 2014, mỗi 1 phút, người dùng Facebook chia sẻ 2,5 triệu nội dung

Social Media được xem là môi trường truyền thông mới dựa trên nền tảng các dịch vụ web 2.0 (Blog, News/PR, Video, mạng xã hội…) và sự kết nối (Friends, Like, Share...). Ở đó diễn ra một quá trình đối thoại từ nhiều phía, không phải độc thoại từ nhà sản xuất. Nó là kênh truyền thông 2 chiều có tính tương tác và chọn lọc cao.

So với các phương tiện truyền thông đại chúng, các phương tiện truyền thông mới được truyền phát thông qua mạng Internet tạo ra một không gian vô cùng rộng lớn cho cuộc “cách mạng” của báo chí truyền thông hiện đại. Điều này khiến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.

Ngày nay, hàng triệu sự kiện đang được ghi lại/tường thuật mỗi ngày, chỉ rất ít trong số đó là do các phóng viên, nhà báo thực hiện, số còn lại, lớn hơn gấp nhiều lần, là bởi các công dân cùng chiếc smartphone của họ. Theo một nghiên cứu của Domo trong năm 2014, mỗi 1 phút, người dùng Facebook chia sẻ 2,5 triệu nội dung; 72 tiếng video được tải lên trang Youtube và 277.000 tweets được đăng lên.

Để rõ thêm về sự thay đổi nhanh chóng trong thế giới thương mại truyền thông, hãy xem xét một vài thống kê về báo in. Hiệp hội Báo chí Mỹ nhận định, ngành công nghiệp báo chí đang bị thu hẹp lại đáng kể. Theo The Statistics Portal, có 1.382 tờ báo tại Mỹ vào năm 2011, so với  1.730 tờ năm 1981. Số lượng tờ báo giảm mạnh chủ yếu do sự sụt giảm của số người đọc. Năm 2000, 47% người trưởng thành tại Mỹ đọc báo mỗi ngày. Năm 2012, con số này rơi xuống còn 29%.

Tệ hại hơn, các cuộc điều tra cho thấy sự sụt giảm nhiều nhất là trong số các độc giả ở độ tuổi 34 trở xuống. Đây là điều đáng ngại cho tương lai, khi những độc giả lớn tuổi mất đi, sẽ không còn ai thay thế cho họ. Các nghiên cứu cho rằng, người nào không sớm phát huy thói quen đọc báo thì cũng không làm được điều đó trong cuộc sống sau này.

Tất cả các tờ báo lớn như The New York Times, The Washington Post, The Wall Street Journal, Financial Times, The Guardian, The New Yorker, The Atlantic, Times, Newsweek và The New Republic đều phải đối mặt với việc sụt giảm đáng kể khối lượng độc giả đối với báo in và sụt giảm mạnh mẽ của doanh thu.

Năm 2005, doanh thu quảng cáo của tất cả các tờ báo tại Mỹ (cả kênh điện tử và báo giấy) đạt 49,4 tỷ USD. Năm 2012, con số này còn 22,31 tỷ USD, giảm xuống còn gần một nửa so với trước đây. Tiền quảng cáo đã “dồn” chủ yếu qua kênh xã hội.

Một chi tiết đáng chú ý, trong năm 2013, số tiền đầu tư cho hoạt động tìm kiếm và quảng cáo trên Internet đã tăng hơn 8% so với năm trước đó. Sự tăng trưởng của quảng cáo online mang lại lợi nhuận cho những đại gia quốc tế lớn như Google và Facebook. Một thống kê của eMarketer ước tính, Google chiếm gần nửa trong tổng số tiền quảng cáo dành cho thiết bị Internet trên toàn cầu, Facebook chiếm xấp xỉ 20%.

Trong giai đoạn từ năm 2008 tới 2015, lượng báo in phát hành ra đã giảm xấp xỉ 30%. PwC dự báo, toàn bộ thị trường báo in sẽ tiếp tục giảm hơn 22% trong 5 năm tới.

Giờ đây, gần như tất cả các tòa soạn buộc phải tìm được những phương thức hiện đại thích hợp để hỗ trợ trước tiên cho sự tồn tại, sau đó là phát triển của chính mình. Đối với The New York Times, giải pháp là từ bỏ những nội dung yếu kém và cung cấp những thông tin cực kỳ chất lượng.

Financial Times giới hạn quyền truy cập và bán các nội dung cực kỳ hữu ích. The Guardian cung cấp các thông tin đảm bảo sự thật. The Washington Post và the New Republic tìm được chủ nhân mới giàu có. The Atlantic tổ chức các sự kiện trong giới doanh nhân.

Một đội ngũ các chuyên gia của Google đã làm việc với hàng trăm tổ chức tin tức, truyền thông, từ hiệp hội báo chí cho tới hệ thống các đài phát thanh công cộng, từ The New York Times cho tới các kênh truyền hình và báo chí địa phương. Theo đó, kết quả làm việc chỉ ra, các kênh thông tin truyền thống cần thực hiện các bước cải cách mới để có thể tồn tại.

Báo chí công dân (citizen journalism)

Nền tảng Internet của truyền thông xã hội giúp cho công chúng lần đầu tiên có khả năng mở ra một kênh thông tin của cá nhân mình và hoạt động với tư cách không khác gì một nhà báo: tự cung cấp, quảng bá, lan truyền những sản phẩm mang tính báo chí của mình ra cộng đồng. Các học giả truyền thông thống nhất gọi hiện tượng đó là “báo chí công dân” (citizen journalism).

Hiện tại, những người sáng tạo nội dung đã thôi dùng những từ như “biên tập” (editor) hay “người viết” (writer), bởi giờ đây, mỗi công dân đều trở thành một nhà báo - nhà xuất bản riêng. Cũng bởi vậy, hình thức báo chí mới hoạt động dựa trên nền tảng này đang nhận được sự đầu tư cũng như tăng trưởng mạnh mẽ. Trong số đó, các tên tuổi lớn phải kể tới như Huffington Post, BuzzFeed, Vox, Vice, Business Insider và Upworthy.

Nội dung hợp thời, đóng gói phù hợp với mạng xã hội

Các thông tin mới nhất được cập nhật mỗi ngày có thể phù hợp với báo chí và truyền thanh truyền thống, nhưng vẫn rất chậm chạp so với Inernet, về cả tốc độ lẫn độ phủ sóng. Tờ Financial Times có thể cung cấp cho người đọc những thông tin về kinh tế tốt hơn bất kỳ trang báo nào, nhưng họ cung cấp quá nhiều thông tin chuyên sâu và tốc độ không phù hợp, khiến không có bài báo nào của họ có thể lọt vào top google search.

Trong năm 2014, một đội ngũ các chuyên gia của Google đã làm việc với The New York Times và The Washington Post về cách thức đóng gói các câu chuyện (living stories), đặc biệt là cách để các câu chuyện/thông tin này lên top.

Theo đó, tất cả các thông tin (lịch sử, video, comments, bài báo liên quan) theo mạch phải được đóng gói, đính kèm link. Thêm vào đó, các chuyên gia cho rằng, không cần cố tập trung vào chiến lược khiến các thông tin được lan truyền nhanh qua mạng xã hội, thay vào đó, hãy chắc chắn rằng mọi thông tin, câu chuyện, lời bình luận có thể dễ dàng share, tweeted hay gửi qua skype, email.

Quan tâm tới video (Youtube Direct)

Các trang cung cấp dịch vụ video là một công cụ quyền lực mới nhất đối với các nhà báo, tạo nên một thế giới đầy tiềm năng với khả năng lan tỏa mạnh mẽ. Ý tưởng biến mọi thứ thành video và đăng tải trên các phương tiện xã hội có thể đóng vai trò trung tâm đối với báo chí hiện đại.

Cá nhân hóa trang web, lưu giữ nội dung cho người dùng

Báo The New York Times nhận ra rằng, các đối thủ cạnh tranh như BuzzFeed và The Huffington Post đang triển khai tốt hơn việc quảng bá các nội dung. Họ đã xây dựng cơ chế tìm kiếm và mạng xã hội tương thích. Ví dụ, tại The Huffington Post, một bài báo không thể được xuất bản nếu không có hình ảnh, tiêu đề tìm kiếm, cũng như đăng thông tin trên Tweet và Facebook. Họ cũng quản lý việc tiếp cận 6,5 triệu độc giả qua email.

Báo chí truyền thống nhận ra rằng, nội dung do người dùng tạo ra là một thử thách khó khăn để có thể tiếp nhận và sử dụng một cách phù hợp. Các trang web như The Huffington Post đã thực sự trở thành một nền tảng hệ thống, trải nghiệm sự phát triển mạnh mẽ do các bài viết được cung cấp bởi một độc giả mong muốn bài báo của họ được đọc rộng rãi.

Biến người đọc thành người theo dõi

Đỉnh cao của nỗ lực tồn tại là biến những người đọc nội dung thông thường trở thành người theo dõi, những khán giả sẵn sàng trả tiền để nhận về những thông tin. Phải đảm bảo, người đọc có thể dễ dàng quay trở lại trang báo để đọc các thông tin. Tạo ấn tượng trong ý thức của các độc giả rằng thông tin họ cần hiện đang ở trang báo này. Tận dụng tối đa mọi cơ hội để tờ báo hiện diện một cách thường xuyên nhất.

Nguồn thông tin từ mạng xã hội

Báo cáo của Hãng thông tấn PRNewswire cho biết, trên 90% số phóng viên cho rằng, các đầu mối thông tin bắt nguồn từ mạng xã hội đều có giá trị nhất định. Các cơ quan báo chí không những có thể thông qua mạng xã hội để theo dõi những sự kiện xảy ra bất ngờ, mà còn có thể thông qua mạng xã hội để tương tác với cư dân mạng, từ đó có thể nắm bắt đầu mối thông tin. Dĩ nhiên, nguồn tin trên mạng xã hội rất phân tán, chất lượng không đồng đều, phóng viên cần có sự sàng lọc, lựa chọn ra những đầu mối có giá trị và tiến hành kiểm chứng.

Việc làm thế nào để sử dụng truyền thông xã hội một cách đúng đắn luôn là vấn đề quan trọng được các hãng truyền thông và người làm báo cần phải quan tâm, xem xét. Trên thực tế, vấn đề này đã thu hút sự quan tâm của nhiều học giả trên thế giới, ngay cả các hãng truyền thông lớn như AP, Reuters, CNN, BBC, CBC, New York Times, Washington Post, Los Angeles Times... cũng lần lượt xây dựng quy tắc sử dụng và quản lý mạng xã hội để kiểm soát phóng viên.

Mặc dù những quy tắc này đều có nội dung cụ thể và nhấn mạnh một số vấn đề khác nhau, nhưng về cơ bản đều thông qua tính kỷ luật trong cơ quan truyền thông, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, đồng thời hóa giải mâu thuẫn và xung đột một cách mềm dẻo.

Để mắt tới mọi xu thế mới và thử nghiệm

Các xu thế truyền thông sẽ không ngừng biến đổi, thậm chí với tốc độ nhanh chóng, bởi vậy các tờ báo, các hãng tin phải không ngừng cập nhật và tham gia xu hướng thật nhanh. Việc thử nghiệm một kênh mới, một hình thức mới có thể liều lĩnh, nhưng là cần thiết để tồn tại và phát triển.

Lam Phong (tổng hợp)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục