“Nóng” chuyện kinh tế báo chí
Theo đánh giá của Chính phủ, thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua cho thấy, có những vấn đề đã vượt ra ngoài các quy định của pháp luật như: cơ quan báo chí thực hiện nhiều loại hình, liên kết trong hoạt động báo chí, vấn đề kinh tế báo chí...
Từ vấn đề bao trùm là kinh tế báo chí, nhiều vấn đề vi mô đang đặt ra như: phạm vi kinh doanh của báo chí, không gian tương tác giữa báo chí và DN, DN có được thành lập cơ quan báo chí hay không…
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Báo chí sửa đổi, chủ điểm kinh tế báo chí đang đặt ra nhiều vấn đề sau 15 năm thi hành Luật Báo chí, trong đó có hai vấn đề lớn.
Một là, nên xác định cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp có thu, hay DN kinh doanh có điều kiện để phù hợp với thực tế phát triển của báo chí?
Hai là, có nên quy định theo hướng mở rộng hoạt động kinh doanh khác, chứ không chỉ hạn chế trong lĩnh vực in ấn, chế bản, phát hành sách báo, quảng cáo… như Luật Báo chí hiện hành, để tạo điều kiện cho cơ quan báo chí có nguồn thu?
Giải quyết vấn đề trên, dự thảo luật chỉnh sửa quy định về loại hình hoạt động theo hướng: cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu; cơ quan báo chí thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước hoạt động theo loại hình DN kinh doanh có điều kiện... Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết, qua giám sát nhận thấy, các cơ quan báo chí đang hoạt động chủ yếu theo ba loại hình:
Thứ nhất, một số cơ quan báo chí của các cơ quan Đảng và Nhà nước được ngân sách nhà nước bao cấp về trụ sở, phương tiện làm việc và toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động.
Thứ hai, một số cơ quan báo chí của các cơ quan Đảng và Nhà nước; các tổ chức chính trị - xã hội… được cơ quan chủ quản bao cấp một phần về trụ sở, phương tiện làm việc khi thành lập; hoạt động theo nguyên tắc tự cân đối thu chi.
Thứ ba, có 277/838 cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như các DN.
Từ thực tiễn trên, Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Luật Báo chí sửa đổi cần phân loại các cơ quan báo chí và quy định mô hình hoạt động của cơ quan báo chí phù hợp với thực tiễn, làm cơ sở để Chính phủ xây dựng quy hoạch báo chí và có cơ chế tài chính tương ứng với từng loại hình cơ quan báo chí. Dự thảo Luật cũng cần quan tâm đến mô hình tập đoàn/tổ hợp truyền thông đa phương tiện, đang là xu hướng phát triển tất yếu của báo chí, để có những quy định phù hợp.
Liên quan đến vấn đề đối tượng được thành lập cơ quan báo chí, Ban soạn thảo đề xuất, quy định cụ thể các cơ quan, tổ chức được thành lập cơ quan báo chí gồm: cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp; các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước...
Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhận thấy, trong các quy định về cơ sở khoa học, giáo dục, y tế, kinh tế được thành lập cơ quan báo chí có sự phân biệt đối xử giữa các đơn vị công lập và ngoài công lập, giữa các DN nhà nước và ngoài nhà nước, nên Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm về vấn đề này.
Mối lo trang thông tin điện tử “đánh cắp” bản quyền
Việc các trang thông tin điện tử tổng hợp mọc lên “như nấm sau mưa” trong thời gian gần đây, cùng với đó là họ kinh doanh trên các sản phẩm “đánh cắp” từ các báo chí chính thống, đang tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây thêm khó khăn cho các cơ quan báo chí chính thống.
Vấn đề này cũng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông “chỉ mặt” khi tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí, với nhận định: những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, tình trạng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí ngày càng gia tăng, chủ yếu đối với báo điện tử, báo hình.
Một số báo điện tử và trang thông tin điện tử tổng hợp tự ý lấy tin, bài, hình ảnh của báo khác mà không xin phép, không dẫn nguồn, gây nên sự bất bình đối với các báo đã rất vất vả, tốn kém trong việc sản xuất tin, bài.
Để xử lý vấn đề trên, dự thảo Luật bổ sung quy định khung về nội dung thông tin trên trang thông tin điện tử tổng hợp. Tuy nhiên, khi thẩm tra dung này, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhận xét, quy định như dự thảo vô hình trung đã khuyến khích cách làm báo kiểu sao chép, nói cách khác là hợp pháp hóa việc xâm phạm bản quyền.
Do vậy, Thường trực Ủy ban này cho rằng, không nên quy định “trang tin điện tử tổng hợp” trong Luật, mà có thể tham khảo cách quản lý của nhiều nước là điều chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội bằng Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ…