TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị “Đối thoại doanh nhân với Nhà báo” tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Trong kỷ nguyên thông tin và sự bùng nổ của mạng Internet như hiện nay, khó có ốc đảo cho riêng doanh nghiệp nào, bởi vậy, quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là tương hỗ. Báo chí không chỉ cung cấp thông tin đa dạng, phong phú, chính xác cho cộng đồng, mà còn cảnh báo, phản biện với nhiều nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ông Lộc nói rằng, trong một số trường hợp, báo chí giúp doanh nghiệp nhận ra những non kém, thiếu sót để khắc phục, sửa chữa, tiếp tục vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Cũng không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của những bài phân tích kinh tế chuyên sâu đã kịp thời đưa ra những dự báo, góp phần giúp các doanh nghiệp lựa chọn được đường hướng kinh doanh phù hợp.
Trong câu chuyện với nhiều doanh nhân, họ nhắc đến sự chia sẻ và đồng cảm. Một mặt đã có nhiều bài báo đồng hành, phản ánh những khó khăn doanh nghiệp đang phải vật lộn, chống đỡ hàng ngày, nhờ đó cũng đã có nhiều nút thắt chính sách được tháo gỡ. Mặt khác, báo chí cũng dành thời lượng đáng kể để chuyển tải và tôn vinh những doanh nghiệp đã đứng vững, vượt qua khủng hoảng, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm và đóng góp lớn cho ngân sách, xã hội. Tên tuổi của doanh nghiệp Việt Nam, sản phẩm “Made in Vietnam” không chỉ giới hạn trong nước, mà đã được nhiều độc giả quốc tế biết đến. Trên con đường phát triển, nhiều doanh nghiệp Việt đã tiên phong bước ra thế giới. Họ chấp nhận đối mặt với thách thức và tham gia ganh đua với nhiều tập đoàn danh tiếng toàn cầu. Ở thời điểm này, rất cần những thông tin như vậy để khích lệ niềm tin và sự nhiệt huyết trên mặt trận kinh tế.
Nói về báo chí thời nay, khó bỏ qua chuyện về một vài trang thông tin, một vài tờ báo, bài báo viết một cách chủ đích với câu chữ mập mờ, một chiều, gây hoang mang, áp lực cho doanh nghiệp. Cũng khó bỏ qua chuyện về những “con sâu làm rầu nồi canh”…, nhưng rồi những bài báo đó cũng sẽ qua đi như cơn gió. Chỉ khi nào truyền thông một cách rõ ràng, khách quan, đa chiều, tờ báo và nhà báo mới xây dựng được mối quan hệ tương hỗ với doanh nghiệp.
Ít ai phán đoán được rằng, sau những khó khăn kinh tế kéo dài từ năm 2009 - 2010, đỉnh điểm là năm 2012, doanh nghiệp lại tiếp tục phải đối mặt với những thách thức ảnh hưởng từ sự kiện biển Đông. Sẽ có nhiều câu chuyện doanh nghiệp và báo chí cần sự chia sẻ. Trong quá trình đồng hành đó, để cùng phát triển, báo chí và doanh nghiệp cần chuyên nghiệp trong lĩnh vực của mình và trên tất cả là tính xác thực của thông tin. Bởi, quyền được thông tin và thông tin chân thực luôn là những điều mà độc giả và xã hội đòi hỏi.