Dòng tiền đầu cơ vẫn ít nhiều ảnh hưởng từ hoạt động tái cơ cấu danh mục các quỹ ETFs. Theo các ông, thông tin về quỹ FTSE ETF tái cơ cấu và VNM ETFs thông báo rổ tính mới có tác động nhiều đến thị trường không? Liệu thị trường có sóng ETFs không?
Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK MayBank KimEng
Theo tôi là có sóng, nhưng sẽ không nhiều, chủ yếu tập trung vào các mã mua bán của ETFs.
Thời gian gần 1 năm nay, việc ETFs tác động vào TTCK không như xưa, khi mà nhiều trường hợp mã gọi mua lại giảm giá, trong khi loại ra lại tăng giá trong thời gian các quỹ cơ cấu danh mục.
Như chúng ta nhìn thấy, FTSE ETFs đã công bố danh mục mấy ngày nay, nhưng HVG lại bị xả rất mạnh và PET dù bị loại ra, nhưng lại có xu hướng tăng giá nhẹ dù thanh khoản vẫn thấp.
Nói tóm lại, giai đoạn này, thị trường không quá tập trung vào ETFs, việc thị trường tăng giảm bị ảnh hưởng bởi những yếu tố vĩ mô và dòng tiền đầu cơ tham gia thị trường nhiều hơn. Bên cạnh đó cũng phải nhắc đến những tổ chức lớn khác đầu tư trên thị trường như các quỹ đầu tư (không phải ETFs), các tổ chức tài chính như ngân hàng, CTCK… các nhà đầu tư lớn khác tham gia thị trường. Bởi thế, khi các nhà đầu tư khác quá tập trung vào ETFs, nên các dòng tiền khác có thể tham gia thị trường mà ít bị chú ý hơn, mức ảnh hưởng của họ cũng lớn hơn ETFs nhiều.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược CTCK MB (MBS)
Trong các lần Review gần đây của 2 quỹ ETF, thị trường gần như không có nhiều biến động và ảnh hưởng từ hoạt động cơ cấu danh mục mang tính định kỳ này.
Tại thời điểm hiện nay, do nắm rõ nguyên tắc tính toán của cả 2 quỹ, nên các CTCK cũng đã đưa ra các dự báo khá sớm, nhưng tôi nhận thấy, việc mua theo các dự báo này trong thời gian qua không đem lại nhiều hiệu quả.
Tuần trước, FTSE Việt Nam cũng công bố đưa HVG vào danh mục và loại PET ra, tuy nhiên về diễn biến giá lại có phần trái ngược khi tuần này, PET có xu hướng tăng giá còn HVG lại lình xình giảm nhẹ.
VNM ETF cũng đã thông báo danh mục review trong quý II và đúng như dự đoán của chúng tôi, quỹ này không không thêm mới hay loại bỏ cổ phiếu nào và tăng tỷ trọng các cổ phiếu tại Việt Nam lên 70% tương ứng mua vào khoảng 22,8 triệu USD (khoảng 484,4 tỷ đồng). Trong đó, tỷ trọng của STB trong danh mục đã tăng tương ứng lên 8% như dự báo của chúng tôi. Như vậy, VNM ETF sẽ mua thêm 3,53%, tương ứng mua vào khoảng 18,8 triệu USD (khoảng 399,5 tỷ đồng - theo tỷ giá niêm yết là 21.245) với khối lượng cần mua thêm là 19,39 triệu đơn vị. Do đó, khả năng sẽ ảnh hưởng đến giá của STB trong ngắn hạn.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK IVS
Theo tôi, kỳ review lần này sẽ không có quá nhiều biến động và các quỹ ETFs cũng sẽ không thay đổi nhiều danh mục của họ, nên sẽ khó có cơ hội để tạo sóng ăn theo nhịp này. FTSE đã công bố chỉ thêm HVG và loại PET với tỷ lệ không nhiều. Còn với quỹ VNM ETF không thêm và loại cổ phiếu nào, trong khi tăng tỷ trọng STB lên 8%.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK MSBS
Từ 1 tuần trở lại đây, thị trường có diễn biến giao dịch tích cực hơn và nhất là cho đến ngày 20/6, các quỹ ETFs sẽ thực hiện xong các thay đổi trong danh mục của họ.
Những thay đổi danh mục các quỹ ETFs có tác động ít nhiều đến dòng tiền tham gia vào thị trường, cụ thể hơn là vào tập trung vào những cổ phiếu nằm trong diện cơ cấu của các quỹ.
Quy mô mua ròng của khối ngoại giảm từ 5% về 3% tương ứng với khối lượng mua ròng khoảng 300 tỷ đồng. Trong giai đoạn hiện tại, khi thanh khoản chưa thực sự bùng nổ, nhà đầu tư hạn chế bán ra và có dấu hiệu mua gom dần cổ phiếu, thì việc giao dịch khởi sắc ở một số cổ phiếu tốt mà các quỹ đang mong muốn mua thêm sẽ thu hút thêm dòng tiền tham gia vào thị trường và thị trường vẫn có khả năng có sóng tăng tối đa có thể chạm vùng 585 - 590 điểm.
Tuần tới với việc các quỹ ETFs phải hoàn thành các thay đổi về danh mục, tôi cho rằng, thị trường sẽ có những bất ngờ liên quan đến giao dịch của một số mã cổ phiếu như STB, PET, HVG…
Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó tổng giám đốc CTCK Seabank (SeASc)
Hoạt động review lần này của ETFs không có nhiều thay đổi, đặc biệt nhóm cổ phiếu được tăng tỷ trọng không nhiều, nên tác động về giá là không lớn. Do đó, đây là giai đoạn tôi không khuyến nghị mua. Đối với nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao có thể canh bán ra khi VN-Index tiếp cận ngưỡng kháng cự 575-580 điểm.
Ông Giang Trung Kiên, Giám đốc Phân tích, CTCK FPTS
Cập nhật gần nhất cho thấy, FTSE ETF đã quyết định thêm HVG và loại PET ra khỏi doanh mục và các hoạt động đầu tư sẽ được triển khai trong thời gian tới. Trong khi VNM ETF không thêm vào hay loại ra cổ phiếu nào, mã chỉ tăng tỷ trọng STB lên 8%. Cần chú ý, đây là đợt cơ cấu danh mục định kỳ và nó chỉ thực sự gây ảnh hưởng lớn khi các cổ phiếu bị loại khỏi danh mục rơi vào các cổ phiếu có tầm ảnh hưởng lớn đến chỉ số và sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến xu hướng thị trường điển hình như các cổ phiếu có vốn hóa lớn, thuộc nhóm VN-30 hoặc các cổ phiếu bluechips.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích CTCK SHS
Tuần tới là tuần mà 2 quỹ ETF sẽ thực hiện cơ cấu danh mục định kỳ quý II/2014. Theo đó một số mã sẽ được mua vào với số lượng lớn như STB, HVG, trong khi đó PET sẽ bị loại ra khỏi danh mục của FTSE.
Hoạt động mua/bán của các quỹ này luôn có tác động nhất định tới diễn biến trong tuần, do các mã trong danh mục có giá trị vốn hóa nằm trong tốp đầu của thị trường. Liên quan tới việc dòng tiền đầu cơ theo ETF, chúng tôi cho rằng, mặc dù cơ hội để “ăn theo”các quỹ này đã khó khăn hơn trước rất nhiều, nhưng vẫn có thể xuất hiện.
Vậy các ông nhận định thế nào về diễn biến của thị trường trong tuần tới (16/6 đến 20/6)?
Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK MayBank KimEng
VN-Index bắt đầu đối mặt với kháng cự 580 điểm và HNX-Index đang nằm trong vùng kháng cự 76-78 điểm. Nếu vượt qua được vùng này, mục tiêu của hai chỉ số lần lượt là 600 và 83-85 điểm. Trường hợp kháng cự không vượt qua được, thì VN-Index và HNX-Index có khả năng điều chỉnh dần về hỗ trợ lần lượt là 540-550 và 71-73 điểm.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược CTCK MB (MBS)
Tôi nghĩ nhà đầu tư không nên lạc quan đối với diễn biến thị trường trong tuần tới, bởi tín hiệu điều chỉnh có thể sắp diễn ra trong vùng kháng cự mạnh 585 +/-.
Về cơ bản, giai đoạn này điểm số của VN-Index được kéo tăng mạnh và vượt các mốc kháng cự kỹ thuật chủ yếu nhờ GAS và một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, MSN, BVH...
Diễn biến chững lại của nhóm vốn hóa lớn trong phiên cuối tuần qua cho thấy, khả năng thị trường sẽ khó tăng mạnh, vượt qua được các ngưỡng cản trong vùng 570-580 điểm. Thanh khoản phiên hôm nay cũng chỉ ở mức trung bình cho thấy dòng tiền vẫn đang khá thận trọng nhất là khi đợt hồi phục vừa qua đã kéo nhiều cổ phiếu tăng mạnh trở lại khiến mức giá không còn quá hấp dẫn.
Theo lý thuyết sóng Elliot, tính từ chân sóng từ tháng 10/2013, VN-Index đã tạo xong mô hình 5 sóng tăng và đang trong giai đoạn của các sóng hiệu chỉnh. Căn cứ vào mẫu hình sóng, giai đoạn này tương ứng với đoạn cuối của sóng hồi B và chuẩn bị chuyển sang sóng điều chỉnh C có thể kéo dài từ 2 – 4 tuần. Do đó, chúng tôi cho rằng, đỉnh sóng B có thể rơi trong khoảng từ 565- 585 điểm và sau đó VN-Index sẽ giảm trở lại.
Theo tôi, xu hướng tuần tới khả năng tăng có thể tiếp tục được duy trì, nhưng lực tăng yếu dần và có thể có phiên điều chỉnh giảm trở lại do gặp các ngưỡng cản mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK IVS
Thị trường phiên cuối cùng của tuần đã khép lại với mức tăng nhẹ của cả 2 chỉ số. Vẫn tiếp tục thể hiện sự lưỡng lự cũng như thận trọng nhất định trong giao dịch của nhà đầu tư khiến cả hai chỉ số không thể tăng mạnh được. Hầu hết các lệnh bán ra chỉ chọn giá cao nên vẫn là thách thức với cầu mua vào và chỉ những cổ phiếu nào tăng giá mạnh mới tạo ra mức thanh khoản cao. Điều đó đồng nghĩa thị trường lúc này thật khó có cơ sở để có thể có một nhịp giảm mạnh ngoại trừ xuất hiện thông tin thực sự tiêu cực.
Việc thị trường vẫn tằng tằng tiến lên cho dù khối lượng giao dịch không hề tăng lên hoàn toàn gây bất ngờ. Tất nhiên, ở những phiên giảm điểm bên bán cũng không có ý định bán ra, nên thanh khoản giảm xuống cũng là một yếu tố tích cực. Nhưng theo quan sát thì nhịp tăng này thì có vẻ chưa hội tụ được nhiều yếu tố thực sự tốt.
Thứ nhất, khối ngoại không còn duy trì đà mua mạnh như đã từng làm ở tháng 5 nữa mà mức độ có sự suy giảm.
Thứ hai, các thông tin hỗ trợ gần như không có trong khi căng thẳng trên biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống
Thứ ba, những biến động mạnh về tỷ giá cho thấy những lo ngại nhất định trong bộ phận dân cư và nó chắc chắn có ảnh hưởng tới dòng tiền
Do đó, nhiều người không quá kỳ vọng vào nhịp tăng này sẽ đủ sức vượt qua mốc 580 điểm, nên áp lực bán sẽ càng tăng lên nếu chỉ số tiếp cận tời vùng này. Thị trường có thể sẽ kết thúc nhịp tăng hồi phục này khi chạm mốc 580 điểm và sau đó sẽ là chu kỳ điều chỉnh - tích lũy.
Nếu nhịp điều chỉnh tới diễn ra thì sẽ đưa 2 chỉ số về vùng hỗ trợ (mức nhẹ) là 550 điểm và 74 điểm rồi đi ngang tích lũy tại đó một thời gian.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK MSBS
Thị trường vẫn còn 1 nhịp tăng lên ngưỡng 580 - 584 điểm là điều có thể dự báo được, bởi khi thị trường chưa xuất hiện sóng đầu cơ mạnh, thì một số cổ phiếu cơ bản, cổ phiếu được các quỹ ETFs mua vào mạnh sẽ là tâm điểm của giao dịch tuần tới. Nhiều khả năng, tuần tới cũng sẽ là tuần tăng điểm với nỗ lực leo dốc cuối cùng của VN-Index trước khi điểm chỉnh khá mạnh vào tuần tiếp theo của tháng 6.
Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó tổng giám đốc CTCK Seabank (SeASc)
Từ nửa cuối tháng 5, thị trường đã phục hồi khá tốt sau đợt giảm mạnh ở nửa tháng đầu do bất ổn tại biển đông. Cụ thể, VN-Index đã tăng 11,6%, lên 573,8 và HNX-Index đã tăng gần 10%, lên 76,29 điểm.
Trong tuần 9 - 14/6, hai sàn đã diễn biến trái chiều khi VN-Index tăng hơn 2,6%, thì HNX-Index lại đi ngang. Tuần phục hồi này chủ yếu nhờ sự tăng giá của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là GAS, MSN, BVH, VIC, VCB, HPG, FPT…
Mặt tích cực là dòng tiền liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu giúp thị trường không điều chỉnh sâu. Tuy nhiên, sự luân chuyển tiền giữa các nhóm cổ phiếu không kèm theo thanh khoản tăng cho thấy, dòng tiền vẫn rất thận trọng.
Bên cạnh đó, tuần phục hồi này của VN-Index, tuy điểm số đã vượt đỉnh của tháng 5, nhưng mặt bằng giá của hầu hết các mã đều chưa vượt được đỉnh của đợt phục hồi vừa rồi. Cùng với đó, sự thiếu vắng của thông tin hỗ trợ cũng là nguyên nhân dòng tiền mới vào thị trường bị hạn chế.
Do đó, tôi đánh giá, nhịp tăng ngắn hạn sẽ sớm kết thúc khi dòng tiền luân chuyển hết giữa các nhóm cổ phiếu và lực đỡ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn bị suy yếu đi. Vùng giá dự kiến bị áp lực điều chỉnh đối với VN-Index là 575-580 điểm.
Trong tuần 16 - 20/6, khả năng thị trường sẽ không có nhiều đột biến ngoài hoạt động cơ cấu danh mục của quỹ ETFs.
Ông Giang Trung Kiên, Giám đốc Phân tích, CTCK FPTS
Trong bối cảnh các chỉ số chính là VN-Index, HNX-Index đều đã hồi phục và đứng trước các ngưỡng kháng cự rất mạnh và rất quan trọng lần lượt tại 570-580 điểm và 78 điểm, nhiều khả năng các chỉ số sẽ không thể bứt phá một cách dễ dàng qua các ngưỡng cản này, vì thiếu sự đồng thuận của nhóm bluechips, cũng như sự hỗ trợ từ các thông tin vĩ mô kinh tế quan trọng.
Như vậy, kịch bản hợp lý, đó là 2 chỉ số sẽ cùng tiếp tục đi ngang trong biên độ từ 550-580 điểm và 74-78 điểm trước khi đón nhận các thông tin cập nhật từ vĩ mô và kết quả kinh doanh quý II/2014 của doanh nghiệp.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích CTCK SHS
Trong tuần tới, nhiều khả năng VN-Index sẽ có cơ hội kiểm định vùng kháng cự quanh 580-585 điểm, tuy nhiên, với thực tế dòng tiền và tâm lý nhà đầu tư hiện tại, chúng tôi cho rằng, xác suất để chỉ số này bứt phá ra khỏi vùng kháng cự này là thấp.
Doanh nghiệp đã trải qua gần 6 tháng đầu năm. Theo các ông, đâu là khối doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan trong quý II và trong 6 tháng đầu năm 2014? Số doanh nghiệp đang đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc ngày càng tăng có tác động nhiều đến tâm lý nhà đầu tư không?
Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó tổng giám đốc CTCK Seabank (SeASc)
Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong 6 tháng qua chưa có nhiều đột biến, báo cáo quý II sắp được công bố trong tháng tới là thông tin hỗ trợ hiếm hoi đối với thị trường.
Nhóm công ty vốn hóa lớn và trung bình tiếp tục đón nhận kết quả tốt, tuy nhiên, theo tôi, không có nhiều đột biến, nên không tác động nhiều đến tâm lý nhà đầu tư.
Ông Giang Trung Kiên, Giám đốc Phân tích, CTCK FPTS
Tính đến tháng 6/2014 các doanh nghiệp đều cho thấy có những cải thiện trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, nổi bật lên vẫn là những doanh nghiệp có cơ bản tốt (chỉ tiêu tài chính) thuộc các ngành kinh doanh cốt yếu của nền kinh tế được hưởng những chính sách hỗ trợ từ chính phủ như các ngành cao su, dầu khí, hàng tiêu dùng, điện, nước… hay các doanh nghiệp có chu kỳ đột biến lợi nhuận trong quý II hàng năm.
Số lượng các doanh nghiệp có nguy cơ hủy niêm yết có xu hướng tăng lên do không đáp ứng được điều kiện niêm yết của UBCK và đã được FPTS cảnh báo sớm cho các nhà đầu tư. Do đó, việc minh bạch thông tin sẽ giúp sàng lọc các công ty niêm yết trên TTCK và sẽ không tác động nhiều đến tâm lý của nhà đầu tư.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích CTCK SHS
Trong quý II, theo chúng tôi đánh giá, một số nhóm ngành dự báo sẽ có kết quả khả quan bao gồm dệt may, dịch vụ và kỹ thuật dầu khí, săm lốp, vật liệu xây dựng (sắt, thép, xi măng), một số công ty chứng khoán.
Liên quan tới việc hủy niêm yết bắt buộc, theo quy định thì một trong những điều kiện là doanh nghiệp niêm yết bị lỗ 3 năm liên tiếp, hoặc lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp. Qua báo cáo tài chính 2013 của các công ty thì hiện có nhiều công ty đang có 2 năm kinh doanh thua lỗ liên tiếp và nếu tiếp tục bị lỗ trong năm 2014 này thì sẽ rơi vào diện bị hủy niêm yết.
Cũng cần lưu ý là các Sở sẽ căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014 để đưa ra quyết định đối với các công ty này trong khi đó hiện tại mới là tháng 6 của năm nên cũng chưa thể biết chính xác công ty nào sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc, tuy nhiên nhà đầu tư cũng cần quan tâm đến quy định này và xem xét đối với từng trường hợp để có quyết định chính xác.
Như thường lệ, đâu là nhóm cổ phiếu cần quan tâm tại thời điềm này, theo các ông?
Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK MayBank KimEng
Nhóm cổ phiếu nên quan tâm là những mã bluechips hoặc Pennies có mức giá giảm nhiều trong thời gian qua, tập trung ở các ngành bất động sản, xây dựng, tài chính chứng khoán, ngân hàng, nguyên vật liệu, năng lượng và vận tải.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK MSBS
Nhóm cổ phiếu đáng lưu ý đó là điện, diệt may, vật liệu xây dựng, dịch vụ, dầu khí…
Qua 6 tháng thực hiện kết hoạch kinh doanh đầu năm, có nhiều nhóm cổ phiếu đã có kết quả kinh doanh khả quan trong quý II như cổ phiếu ngân hàng, điện, dầu khí (VCB, TCM, PPC, PVD, HPG…).
Nhóm cổ phiếu đó chính là nhóm có giao dịch ấn tượng và có thanh khoản tốt trong giai đoạn tháng 6 này.
Sân chơi trên TTCK ngày càng thu hẹp với những doanh nghiệp yếu kém - tôi khẳng định rằng, nhà đầu tư dần trở nên chuyên nghiệp hơn khi chọn lựa các doanh nghiệp cơ bản, doanh nghiệp làm ăn tốt để đầu tư.
Như vậy, các doanh nghiệp yếu kém buộc phải hủy niêm yết sẽ rời sàn giao dịch để dành chỗ cho các doanh nghiệp khác là quy luật tất yếu và điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay.
Ông Giang Trung Kiên, Giám đốc Phân tích, CTCK FPTS
Hiện nhóm cổ phiếu đầu cơ có nhiều hạn chế và bắt đầu phân hóa sau chuỗi tăng hồi phục khá ấn tượng vừa qua. Trong khi đó nhóm cổ phiếu cơ bản và nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn chưa cho thấy sự hấp dẫn mạnh mẽ đối với dòng tiền.
-----------------------------------------
-----------------------------------------
-----------------------------------------
“Nhiều khả năng, tuần tới sẽ là tuần tăng điểm với nỗ lực leo dốc cuối cùng của VN-Index trước khi điểm chỉnh khá mạnh vào tuần tiếp theo của tháng 6” - ông Lê Đức Khánh.
-----------------------------------------
-----------------------------------------
“Nhịp tăng ngắn hạn sẽ sớm kết thúc khi dòng tiền luân chuyển hết giữa các nhóm cổ phiếu và lực đỡ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn bị suy yếu đi” - ông Nguyễn Vũ Phong.
-----------------------------------------
-----------------------------------------