Việt Nam là đích đến của doanh nghiệp Đan Mạch

Nhiều nội dung hợp tác quan trọng đã được thảo luận tại Phiên họp lần thứ 4, Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ Việt Nam - Đan Mạch mới diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cùng Bộ trưởng Bộ Thương mại và Hợp tác phát triển Đan Mạch Mogens Jensen, nhân chuyến thăm Việt Nam của vị này.
Phiên họp lần thứ 4, Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ Việt Nam - Đan Mạch Phiên họp lần thứ 4, Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ Việt Nam - Đan Mạch

Đó là các hợp tác về đầu tư, thương mại, hợp tác phát triển, cũng như hợp tác trong thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh và Năng lượng bền vững của Việt Nam, hay Chương trình tài chính doanh nghiệp DANIDA…

“Đan Mạch luôn coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực. Với việc hai nước đã ký thỏa thuận Đối tác toàn diện năm 2013, chúng ta đã có nền tảng quan trọng để đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới”, Bộ trưởng Mogens Jensen nói và cho biết, Đan Mạch luôn ủng hộ việc EU và Việt Nam sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) và hy vọng việc hai bên ký kết chính thức Hiệp định này trong năm 2015 sẽ đem lại lợi ích cho cả hai nước và thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác song phương.

Trao đổi về điều này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng bày tỏ kỳ vọng khi FTA Việt Nam - EU được ký kết, quy mô và hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam - Đan Mạch, bao gồm tất cả các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển…, sẽ được mở rộng và đẩy mạnh hơn.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Đan Mạch là một trong những đối tác phát triển quan trọng của Việt Nam, với mức cam kết tài trợ ODA hàng năm khoảng 64 triệu USD, tập trung vào các dự án bảo vệ môi trường, cải cách thể chế, biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Chương trình Tài chính doanh nghiệp DANIDA cũng đã có những đóng góp tích cực trong hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát triển. Hiện đã có 3 hiệp định giữa Đan Mạch và Việt Nam được ký kết liên quan chương trình này, mỗi hiệp định trị giá 40 triệu USD và cho đến nay, đã có 18 dự án được thực hiện, với tổng vốn tài trợ 91 triệu USD. Trong số này, 78 triệu USD đã được giải ngân.

Trong khi đó, về hợp tác thương mại, thương mại song phương Việt Nam - Đan Mạch cũng đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây, riêng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam vào Đan Mạch đã tăng 15% so với năm trước.

Về hợp tác đầu tư, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến giữa tháng 1/2015, Đan Mạch có 110 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 750 triệu USD.

“Mặc dù những đóng góp của các doanh nghiệp Đan Mạch tại Việt Nam là to lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo, vận tải, kho bãi, thủy sản…, nhưng với tiềm năng tài chính và việc sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến, thì số vốn đầu tư này còn chưa xứng với tiềm năng”, ông Lê Quang Mạnh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định.

Có chung nhận định, song Bộ trưởng Mogens Jensen cho rằng, việc có tới 130 doanh nghiệp Đan Mạch đang hoạt động tại Việt Nam không phải là con số nhỏ, nếu so với các quốc gia mà Đan Mạch đã và đang đầu tư.

“Việt Nam vẫn là đích đến hấp dẫn với các doanh nghiệp Đan Mạch, đặc biệt trong các lĩnh vực vận tải, logistic, y tế, thực phẩm…”, Bộ trưởng Mogens Jensen nói và không giấu giếm kỳ vọng rằng, với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt trong tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp Đan Mạch hiện đang đầu tư tại Việt Nam, luồng vốn đầu tư từ Đan Mạch vào Việt Nam sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

“Phản hồi từ các doanh nghiệp Đan Mạch về môi trường đầu tư, kinh doanh là rất tốt. Họ cũng đánh giá cao việc Việt Nam sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp”, Bộ trưởng Mogens Jensen bày tỏ.

Cam kết hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp Đan Mạch đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh kỳ vọng những vấn đề mà doanh nghiệp Đan Mạch đang gặp phải như trường hợp của Maersk (muốn hợp tác với các doanh nghiệp khác, đặc biệt là Tân cảng Sài Gòn, để khai thác khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải), hay Carlsberg (mua thêm cổ phần của HABECO)… sẽ nhanh chóng được các cơ quan chức năng Việt Nam giải quyết, nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam.

Được biết, trước phiên họp của Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ Việt Nam - Đan Mạch, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Đan Mạch đã được tổ chức. Và tại đó, có ba hợp đồng được ký kết giữa Đan Mạch và Việt Nam. Cụ thể, Công ty Vissing Agro A/S Đan Mạch ký kết hợp đồng cung cấp 1.048 chuồng heo đẻ cho Công ty cổ phần Chăn nuôi Thái Dương Sun Group Việt Nam; Công ty Danbred (Đan Mạch) đã ký hợp đồng với Tập đoàn Dabaco (Việt Nam) về việc cung cấp 300 heo giống cho tập đoàn Dabaco.

Ngoài ra, Haldor Topsoe Đan Mạch và Petro Việt Nam cũng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong chế biến dầu khí, trong đó sử dụng công nghệ tối ưu và thân thiện với môi trường của Topsoe.

Hà Nguyễn
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục