Thêm 90 triệu USD viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam từ Đan Mạch

(ĐTCK) Tại buổi họp báo chiều 10/5, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen đã đưa ra một số nhận định liên quan đến hoạt động quản lý nguồn vốn ODA tại Việt Nam và kế hoạch hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này cũng như đẩy mạnh hợp tác về thương mại. Hiếu Minh thực hiện.
Thêm 90 triệu USD viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam từ Đan Mạch

Thưa Đại sứ, ông có thể cho biết kế hoạch hỗ trợ phát triển của Đan Mạch cho Việt Nam trong năm nay cũng như thời gian tới?

Trong năm 2014, Đan Mạch sẽ viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 90 triệu USD, chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực chính như tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế bền vững, công nghệ sạch, hỗ trợ biến đổi khí hậu, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, nước sạch, vệ sinh môi trường, văn hóa. Đây cũng là định hướng tập trung hỗ trợ cho Việt Nam bên cạnh hỗ trợ xóa đói giảm nghèo mà Đan Mạch hướng tới trong tương lai. 

Như vậy, tính đến nay, Đan Mạch luôn là nước dẫn đầu trong EU hỗ trợ Việt Nam về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo với tổng giá trị hỗ trợ ODA đạt gần 1,3 tỷ USD, chiếm tới 25% trong tổng số nguồn vốn ODA của cả EU cho Việt Nam.

Trong tổng nguồn vốn ODA trong năm nay, Đan Mạch dành bao nhiêu cho các dự án tăng trưởng xanh? Hiệu quả các dự án Đan Mạch đã và đang triển khai tại Việt Nam ra sao thưa ông?

Đây  là một trong những lĩnh vực trọng tâm mà Đan Mạch muốn hỗ trợ Việt Nam. Do đó, Đan Mạch dự tính sẽ dành khoảng 30-35% gói hỗ trợ để tập trung hỗ trợ trong lĩnh vực này. Hiện có một số dự án tăng trưởng xanh của Đan Mạch đang triển khai rất hiệu quả tại Việt Nam như Kiểm toán năng lượng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay một dự án khác hiện cũng đang được thực hiện tại đồng bằng Sông Cửu Long. 

Tuy nhiên, có một vấn đề khá khó khăn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp Đan Mạch cũng tỏ ra e ngại với thị trường đầu tư của Việt Nam trong lĩnh vực này vì hàng rào thuế quan cũng như mức giá không được cạnh tranh. Mặc dù chúng tôi đã làm việc rất nhiều với chính phủ Việt Nam và môi trường đầu tư của các bạn cũng đã có những bước cải thiện đáng kể nhưng điều này vẫn chưa giúp doanh nghiệp Đan Mạch thực sự yên tâm về lĩnh vực này.

Ông đánh giá thế nào về hiệu quả sử dụng vốn ODA Việt Nam cũng như môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam hiện nay?

Trong 20 năm viện trợ cho Việt Nam, chúng tôi đánh giá rất cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn này, do đó Đan Mạch đã chuyển giao dần cho Việt Nam quản lý. Việc sử dụng nguồn vốn ODA của Đan Mạch đã hiện diện trên nhiều tỉnh thành của Việt Nam cho thấy các nguồn vốn này đã phát huy tác dụng tích cực, đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Đây là điều rất đáng ghi nhận. 

Tuy nhiên, bên cạnh các dự án mà Đan Mạch hỗ trợ triển khai rất tốt thì thời gian qua, cũng có một vài sự việc đáng tiếc xảy ra trong lĩnh vực nghiên cứu, nhưng chúng tôi đã giải quyết dứt điểm sự việc này. Chúng tôi cũng đã thiết lập mối quan hệ khăng khít với phía cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, và chúng tôi cũng đảm bảo rằng sẽ không có những sự việc tương tự xảy ra trong tương lai.

Về môi trường kinh doanh  của Việt Nam, hiện cũng đang dần được cải thiện và có nhiều tiến bộ, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập như tình trạng quan liêu, tham nhũng, thiếu lao động trình độ cao. Nhưng về tổng thể có thể thấy, Việt Nam đang đi đúng hướng và có những tiến bộ nhất định. Đan Mạch tin tưởng Việt Nam sẽ còn tiến xa hơn nữa trong tương lai.  

Được biết khoản viện trợ ODA của Đan Mạch dành cho Việt Nam trong năm nay giảm hơn so với năm trước. Xin ông cho biết nguyên nhân?

Trong tương lai Đan Mạch sẽ tập trung hơn vào việc phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước. Tôi mong muốn ngày càng nhiều hơn các công ty Đan Mạch đến mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam cũng như đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Việt Nam. Chính vì vậy, Đan Mạch sẽ giảm dần vốn ODA cho Việt Nam và tập trung vào các hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư trong thời gian tới.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục