Chất lượng lao động kém gây khó cho doanh nghiệp FDI

Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã phải hạ thấp tiêu chuẩn mới tuyển đủ lao động và mất thêm thời gian đào tạo lại do chất lượng lao động kém.
Chất lượng lao động kém gây khó cho doanh nghiệp FDI

Chất lượng thấp, thiếu kỹ năng làm việc nhóm, thiếu tư duy sáng tạo, kém giao tiếp và chậm thích nghi với sự thay đổi là những nhận xét chủ yếu của các doanh nghiệp FDI khi đánh giá về lao động Việt Nam. Manpower, công ty chuyên về nhân sự cũng có nhận xét tương tự, khi công bố kết quả khảo sát được thực hiện tại 100 doanh nghiệp FDI thuộc 3 lĩnh vực: hàng tiêu dùng, điện tử và lắp ráp ô tô xe máy tại 6 tỉnh, thành phố trong năm 2013. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI luôn đánh giá các kỹ năng mềm nói trên tương đương với kỹ năng chuyên môn trong quyết định tuyển dụng của mình.

TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, kết quả này thực ra không mới, bởi trước đó, năm 2011, Manpower cũng đã có một khảo sát quy mô rộng về chất lượng lao động tại 6.000 doanh nghiệp ở 9 lĩnh vực kinh tế tại 9 tỉnh, thành phố lớn. Qua đó, các doanh nghiệp cũng đánh giá chất lượng lao động Việt Nam nằm trong nhóm 10% thấp nhất của khu vực. Nghiên cứu cho thấy, trong một số ngành, như chế biến thực phẩm, y tế, xây dựng, vận tải, hóa chất, dệt… tồn tại tình trạng thiếu hụt kỹ năng khá nghiêm trọng. Ở cấp độ quản lý, các kỹ năng mà lao động còn thiếu bao gồm: ngoại ngữ, vi tính, hiểu biết về tài chính, khả năng sáng tạo và tạo động lực cho người khác.

Ông Phạm Hồng Quân, Giám đốc Hành chính - Nhân sự Công ty Piaggio Việt Nam cho biết, khi tuyển dụng nhân sự, Piaggio chú trọng nhất đến kỹ năng mềm, như giao tiếp, làm việc nhóm, khả năng tự giải quyết vấn đề… “Đây là những yêu cầu đưa ra trong bộ 9 kỹ năng của Piaggio, các ứng viên phải đáp ứng được trên 60% của bộ kỹ năng này thì mới được nhận. Song qua thực tế tuyển dụng của Piaggio Việt Nam, các ứng viên, dù tốt nghiệp đại học, vẫn rất yếu các kỹ năng trên, nhất là khả năng ngoại ngữ và tính sáng tạo”, ông Quân nói.

Tại Hội chợ việc làm do Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức trong tháng 2 vừa qua, Đại sứ Đan Mạch John Nielsen cho biết, nhiều doanh nghiệp Đan Mạch phải tuyển các vị trí quản lý cấp trung và cao ở nước ngoài, do nhân sự trong nước không đáp ứng được các yêu cầu về ngoại ngữ cũng như kỹ năng quản lý mềm. Tại Hội chợ, đại diện các công ty Đan Mạch, như Esoftflow, Mascot… cho hay, họ thường phải hạ thấp các tiêu chuẩn mới tuyển đủ số lượng lao động và phải mất thêm vài tháng để đào tạo lại.  Tuy nhiên, theo Đại sứ John Nielsen, do Việt Nam đang có nhiều lợi thế sẵn có là giá nhân công rẻ, thị trường tiêu thụ lớn, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước yếu, cộng với tình hình chính trị ổn định, nên các doanh nghiệp FDI vẫn bỏ qua yếu tố chất lượng của người lao động, mà tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Nhưng họ cũng chủ yếu đầu tư vào việc gia công, lắp ráp đơn giản, thay vì sản xuất chuyên sâu với kỹ thuật cao.

Nếu không sớm cải thiện chất lượng lao động, thì Việt Nam sẽ mất dần lợi thế cạnh tranh trong thu hút doanh nghiệp FDI, khi mà giá nhân công không còn rẻ nữa. Ngoài ra, khảo sát của Manpower cũng chỉ ra một khuynh hướng đáng lo ngại, đó là dù đánh giá chất lượng lao động thấp, nhưng các doanh nghiệp FDI lại ít tham gia hợp tác đào tạo lao động. Một số doanh nghiệp còn có xu hướng lôi kéo lao động họ cần từ các đối thủ cạnh tranh, bằng việc tăng lương cao hơn, thay vì tuyển dụng, đào tạo. Điều này có thể tạo ra những cuộc cạnh tranh không lành mạnh về lương, khiến các doanh nghiệp không muốn đầu tư vào đào tạo, nâng cao kỹ năng lao động, càng khiến thị trường lao động thêm lệch lạc. Vì vậy, Manpower khuyến cáo, không chỉ Việt Nam cần thay đổi hệ thống giáo dục cũng như nâng cấp hệ thống các trường nghề, mà các doanh nghiệp cả trong nước lẫn FDI cũng phải hợp tác tích cực hơn với các trường nghề trong việc đào tạo,dạy nghề.

Phan Long(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục