Phần 1: Việt Nam đang có một vị thế đáng kể
Thưa giáo sư, thời gian gần đây, trên các diễn đàn quốc tế, trên truyền thông quốc tế, cụm từ “Việt Nam” thường được nhắc đến như là một hiện tượng về thành công, về phát triển, về ổn định…
Vâng, đó là điều hết sức tự hào, đó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong nhiều thập kỷ của cả dân tộc và hơn hết, nên coi đó là sự kết tinh hào khí của dân tộc Việt Nam.
Nếu nhìn theo phương pháp lịch đại, với cách phân chia từng thập kỷ, khi so với các mốc 2008, 1998, thì năm 2018 là năm kết thúc một thập kỷ thành công. Thực ra, theo tôi, không có gì ngại ngần khi dùng đến hai chữ “thần kỳ” để nói về những thành công của nước ta trong giai đoạn gần đây.
Khi tiếng nói quốc gia có trọng lượng trên trường quốc tế, Việt Nam được tin cậy tổ chức những diễn đàn lớn như APEC 2017, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN… đàm phán thành công và ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc; ứng cử và trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Ủy ban Luật thương mại quốc tế Liên hợp quốc… như là một kết quả tất yếu, thưa giáo sư?
Khi định vị vị thế của Việt Nam, cần có một cách nhìn từ nhiều chiều, với những cách tiếp cận khác nhau.
Thông thường, mọi người nhìn theo cách nhìn lịch đại, tức là thấy ngày hôm nay khá hơn ngày hôm qua, năm nay tốt hơn năm trước, so sánh các chỉ số của ngày hôm nay với 10 năm trước để thấy sự tăng trưởng, sự thành công và vui sướng với những so sánh như thế. Việc nhìn nhận so sánh như vậy cũng rất quan trọng, bởi nếu ta so với ta mà không hơn thì không còn điều gì để so với ai nữa.
Cách tiếp cận thứ hai là qua chiều ngang theo lát cắt đồng đại, tức là so với các quốc gia khác về các chỉ số GDP bình quân đầu người, chỉ số hạnh phúc, phát triển hạ tầng, về mức sống, về vai trò trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế… để thấy được chúng ta đang ở đâu.
Tuy nhiên, ngoài các chỉ số trên, chỉ số về mức độ hội nhập quốc tế cũng góp phần thể hiện rõ vị thế của quốc gia, vì vậy, trong bối cảnh sinh hoạt quốc tế như hiện nay, mức độ hội nhập của Việt Nam sẽ là một yếu tố quan trọng để đánh giá vị thế của đất nước, bởi cần phải lưu ý rằng, có những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người rất cao, trình độ tổ chức xã hội tiên tiến, các chế độ phúc lợi xã hội tốt, nhưng hầu như không thể hiện được vị thế của mình trên trường quốc tế khi họ hầu như không thể hiện được vai trò trong việc xử lý những vấn đề liên quan trong khu vực, trên bình diện quốc tế.
Trong khi đó, dù chúng ta mới chỉ vượt qua mức nghèo đói để được xếp hạng mức trung bình trên thế giới, nhưng với mức độ hội nhập quốc tế như hiện nay, Việt Nam đang có một vị thế đáng kể.
Vậy nhưng, nếu nhìn theo lát cắt ngang, tức là đem so sánh với những quốc gia có cùng xuất phát điểm như chúng ta ở những thời điểm có hoàn cảnh tương tự, mà không so theo lát cắt thời gian, thì sẽ có thêm một cách đánh giá khách quan hơn.
Tôi lấy ví dụ về Hàn Quốc để tiện so sánh. Vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước, họ vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc và vẫn đang bị chia cắt. Nhưng chỉ sau 20 năm, những nỗ lực không biết mệt mỏi của dân tộc đó đã giúp họ đàng hoàng tiến vào Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Trong khi đó, nếu lấy mốc Việt Nam bước ra khỏi cuộc chiến là năm 1975, thì sau 2 thập kỷ, tức là năm 1995, chúng ta mới chỉ thoát ra khỏi khủng hoảng để bắt đầu lấy đà phát triển. Nói như vậy để thấy rằng, dù rất tự hào về những thành tựu đạt được, nhưng cũng phải tỉnh táo để thấy rằng, phải xem xét rất nghiêm túc về khả năng tận dụng cơ hội và phát huy tiềm năng của chúng ta.
Nếu đặt ra câu hỏi rằng, trong thời gian qua, chúng ta đã để lỡ mất cơ hội nào chưa? Đã có những giải pháp tốt để thực sự huy động được toàn bộ nguồn lực của xã hội hay chưa? Có thể không ngần ngại mà nói rằng, chúng ta chưa tận dụng hết các cơ hội và quan trọng hơn, nguồn lực xã hội chưa được khai thác hết để phát huy. Điều đó cho thấy, lẽ ra, chúng ta có thể phát triển hơn mức đã đạt được hiện nay.
(Còn tiếp)