Việt Nam đã tạo được lòng tin trong cộng đồng Quốc tế

Bằng cách nhìn độc đáo, với những dữ liệu được phân tích một cách khoa học, GS-TSKH. Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, với những điều thần kỳ đã làm được và với tâm thế của một dân tộc không biết cúi đầu, Việt Nam luôn kiêu hãnh tiến lên phía trước.
Việt Nam đã tạo được lòng tin trong cộng đồng quốc tế. Trong ảnh: Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo các quốc gia ASEAN tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN tổ chức tại Hà Nội, tháng 9/2018. Việt Nam đã tạo được lòng tin trong cộng đồng quốc tế. Trong ảnh: Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo các quốc gia ASEAN tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN tổ chức tại Hà Nội, tháng 9/2018.

Có thể đưa ra nhận xét ngắn gọn rằng, những thành tựu là vô cùng lớn, nhưng có lẽ sự “thần kỳ” mà chúng ta đạt được đó vẫn chưa phản ánh đúng với những gì chúng ta đang có và có thể tận dụng. Nói về hạn chế đó, có nhận định rằng, “dù đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng”, thưa giáo sư?

Việc đưa ra nhận xét như thế này, thế kia là cần thiết, nhưng quan trọng hơn cần phải nhìn ra được bản chất của vấn đề, từ đó tiến hành tìm hiểu, nghiên cứu tìm ra giải pháp khắc phục.

Để nghiên cứu tiến trình phát triển của một quốc gia, ngoài những yếu tố thông thường như chất lượng dân số, tiềm năng thiên nhiên, yếu tố địa chính trị, môi trường kinh doanh…, thì cần lưu ý tới hai khái niệm khá mới trong nghiên cứu, đó là tài nguyên cơ hội và tài nguyên tiềm năng.

Thứ nhất, về tài nguyên cơ hội. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, thì cơ hội có vẻ như mang tính chất ngẫu nhiên, chẳng hạn cơn mưa, nếu trong trạng thái bị động thì người ta chỉ có thể hứng được chút ít nước, nhưng nếu có kiến thức về khoa học để dự báo thời tiết chính xác, việc chủ động đón mưa sẽ khiến người ta hứng được nhiều nước hơn. Với một quốc gia cũng vậy, nếu như có một tầm nhìn và trạng thái chuẩn bị hoàn hảo, thì có thể chủ động đón cơ hội, thậm chí còn có thể thúc đẩy cơ hội tiến đến nếu nắm được quy luật vận động của nó.

Tôi được biết, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng đánh giá rằng, do vị trí địa chính trị và nhiều yếu tố khác, về tài nguyên cơ hội, Việt Nam là quốc gia giàu bậc nhất trên thế giới.

Như vậy, nếu xét theo chiều dọc thì thấy rất nhiều điều đáng tự hào, còn xét theo chiều ngang thì lại có chút nghi ngại, nhưng nếu xác định tọa độ của Việt Nam có thể thấy, chúng ta hội nhập rất nhanh và rất thành công.

Tôi nói nhanh là bởi, từ một quốc gia chỉ có tên trên “bản đồ chiến sự”, thì chỉ sau hơn 1 thập niên, cụm từ “Việt Nam” đã xuất hiện tại rất nhiều chương trình nghị sự của các tổ chức quốc tế, trên truyền thông quốc tế. Chúng ta đã trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tức là đại diện cho các quốc gia khác để tham gia xử lý các vấn đề quốc tế.

Điều này cho thấy, vị thế quốc tế của Việt Nam đang ở mức cao chưa từng thấy, tới mức, đối với một số người, thay vì trước đây có đôi chút ngại ngùng khi cầm tấm hộ chiếu Việt Nam, thì nay sự ngại ngùng đó đã được thay thế bằng sự tự hào. Theo tôi, đó là một chỉ báo quan trọng về sự gia tăng vị thế quốc tế của Việt Nam.

Ngoài những yếu tố trên, có một chỉ số rất quan trọng để định vị một quốc gia nữa là, trong bối cảnh thế giới đang biến loạn, nhiều quốc gia đang bấn loạn, thì sự bình yên của Việt Nam đang là một chỉ số đầy tính thuyết phục với thế giới. Năm trước, trong chuyến thăm Cộng hòa Pháp, tôi xuống sân bay Charles-de-Gaulle, nhưng quang cảnh sân bay của một đất nước trong nhóm phát triển nhất thế giới với những cảnh sát vũ trang đầy mình, dắt chó nghiệp vụ đi lại đã khiến tôi thấy được giá trị của chỉ số bình yên của Việt Nam.

Tổng hợp của những yếu tố trên, cùng với sự hấp dẫn về thiên nhiên, con người đã tạo nên sức hấp dẫn của Việt Nam khiến lượng khách du lịch quốc tế liên tục gia tăng trong những năm gần đây, mà năm 2018 đạt mức kỷ lục là 15,5 triệu lượt. Nói một cách khái quát, Việt Nam đã tạo được lòng tin trong cộng đồng quốc tế. Đây là điều cực kỳ quan trọng, bởi tất cả các yếu tố mình là ai, mình mạnh như thế nào, mình được định vị ở đâu… đều trở nên vô nghĩa nếu như không đáng tin cậy.

Thưa giáo sư, những đóng góp đó của Việt Nam thực sự mang lại giá trị tạo dựng hình ảnh quốc gia, còn trên bình diện kinh tế thì sao?

Ngoài việc chung tay giải quyết các vấn đề quốc tế một cách có trách nhiệm, ngoài việc quảng bá hình ảnh quốc gia, chúng ta cần phải nhìn nhận thêm một biểu hiện khác, đó là chúng ta đã đóng góp gì vào sự phát triển của kinh tế thế giới.

Cần phải thấy rằng, dù Việt Nam chưa phải là quốc gia có GDP cao, nhưng giữ vai trò hết sức quan trọng trong một số lĩnh vực như cung ứng những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, sản phẩm nông nghiệp…

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, kinh tế một số quốc gia giảm phát và đâu đó lấp ló dấu hiệu của một cuộc suy thoái, thì các chỉ số phát triển kinh tế năm 2018 của Việt Nam, mà trong đó tăng trưởng GDP đạt 7,08%, vượt qua con số 6,7% đề ra, một lần nữa chứng tỏ vị thế của Việt Nam.

Vâng, tôi được biết GS-TS. Vladimir M. Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông Nga đã nhận định rằng: “Hiện nay, Việt Nam không còn là “người em út” như trong thời kỳ Xô Viết và hậu Xô Viết”...

Theo tôi, nhận định này đúng, nhưng chỉ trên bình diện kinh tế và những thành công của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, còn xét trên phương diện khác, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa còn tồn tại, Việt Nam là “tiền đồn xã hội chủ nghĩa” ở Đông Nam Á, thì rõ ràng, chúng ta không thể là “người em út” được!

Thưa giáo sư, việc chúng ta vừa đạt một số thành tích lớn trong thể thao, mà chuỗi thành tích quốc tế của đội tuyển bóng đá Việt Nam gia tăng “hương vị” cho lòng tự hào của mỗi người dân Việt Nam?

Đúng là như vậy! Dù nhiều chuyên gia phân tích mổ xẻ nguyên nhân của chuỗi thành tích đó, đặc biệt là việc đội tuyển bóng đá nam vô địch AFF Suzuki Cup 2018, nhưng tôi lại cho rằng, việc chuẩn bị trong hàng chục năm qua một cách bài bản cho nền bóng đá nước nhà để tạo nên một thứ “bột” có chất lượng, thì có nguyên nhân xâu xa nữa khiến ông huấn luyện viên trưởng tài ba Park Hang-seo thành công trong việc gột nên “hồ” có chất lượng.

Đó là, ông Park Hang-seo đã nhìn thấy sức mạnh trong mỗi con người Việt Nam - lòng tự hào dân tộc và ông đã thành công khi khơi dậy trong mỗi thành viên của đội tuyển lòng tự tôn dân tộc. Đó là động lực để các cầu thủ đó vượt qua chính mình, vượt qua đối thủ.

Trong lần trao đổi mới đây với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tôi từng đề xuất trong làm ăn, trong kinh doanh, chúng ta cần phải coi lòng tự tôn, tự hào, ý thức dân tộc, ý thức quốc gia như là một bí quyết của mỗi người con đất Việt. Trong Văn kiện Đại hội XII cũng đã từng đề cập đến việc “lấy lợi ích quốc gia làm kim chỉ nam cho mỗi hành động”. Tôi cho rằng, lợi ích quốc gia là sự cụ thể hóa lòng tự tôn, tự hào, ý thức dân tộc, ý thức quốc gia trong chúng ta.

Cũng đã có nhiều nhà nghiên cứu từng nói, ý thức quốc gia, lòng tự tôn dân tộc là bí quyết khiến chúng ta thành công trong hai cuộc kháng chiến trước đây và tiếp tục trong hành trình dựng nước sau khi Việt Nam bước ra khỏi hai cuộc chiến tàn khốc đó?

Theo tôi, để lý giải về bản chất con người Việt, cần phải nhìn trong một tiến trình lâu dài.

Tổ tiên người Việt sinh ra trên mảnh đất nhiều thuận lợi, nhưng cũng đầy thử thách hiểm nghèo như thời tiết, khí hậu đã trui rèn cho con người sự dẻo dai và dễ thích ứng với điều kiện sống. Ngoài ra, vị trí địa chiến lược đã khiến cho trong suốt tiến trình lịch sử tại khu vực này, chưa từng có quốc gia nào phải trải qua nhiều cuộc chiến chống ngoại xâm như đất nước ta.

Chiến tranh nhiều tới nỗi, có thể nói, gần như thế hệ nào của người Việt cũng phải trải qua chiến tranh đã khiến cho người ta muốn có cuộc sống bình yên, có chủ quyền thì đều phải gồng mình lên để chống chọi, thậm chí phải hy sinh.

Những khó khăn, thách thức đó đã hình thành nên tính cách người Việt và được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát bằng câu nói bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Câu nói đó phản ánh bản chất con người Việt trong suốt chiều dài lịch sử chứ không phải chỉ hai cuộc kháng chiến vừa qua. Bởi vậy, chủ nghĩa yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức quốc gia cũng được sinh ra từ chính những thách thức đó.

Tôi xin nói thêm, khi nhìn dòng người tại cuộc diễu hành đón đội tuyển bóng đá U23 của Việt Nam sau khi giành được Huy chương bạc U23 châu Á, tôi có nói với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng, mọi người nhìn theo góc độ thể thao, nhưng với tôi, thì tôi thấy có thêm một lời giải thích để lý giải về việc vì sao chúng ta chiến thắng quân Mông Cổ - đội quân bách chiến bách thắng thời đó, với ý thức bột khởi, đồng tâm nhất ý như cuộc diễu hành này thì không thể có đội quân nào có thể chống lại được.

Ngọc Doanh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục