Việt Nam "hụt hơi" trong cuộc đua IPO

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong hơn 10 tháng đầu năm, có 153 đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên thị trường vốn Đông Nam Á. Tuy nhiên, số tiền IPO huy động được lại ở mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua.
Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ ghi nhận 3 đợt IPO, huy động… 7 triệu USD Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ ghi nhận 3 đợt IPO, huy động… 7 triệu USD

Lãnh đạo phụ trách dịch vụ đảm bảo Deloitte Việt Nam

Dữ liệu của Deloitte (tính đến ngày 15/11/2023) cho thấy, các công ty ở Đông Nam Á đã huy động được khoảng 5,5 tỷ USD, giảm từ mức 7,6 tỷ USD so với 163 đợt IPO trong cả năm 2022.

Có thể thấy xu hướng ngày càng tăng số lượng công ty niêm yết trên các bảng giao dịch của thị trường chứng khoán Đông Nam Á. Việc niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán, phục vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng cao, có thể được coi là bàn đạp cho các doanh nghiệp mong muốn IPO.

Có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực có tiềm năng tăng trưởng tốt và nền tảng tài chính tốt, niêm yết có thể cung cấp cho các công ty này môi trường phù hợp để phát triển và tối đa hóa các tiềm năng.

Khi các quốc gia nỗ lực đáp ứng các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu và thiết lập nền kinh tế trung hòa các-bon, các công ty xe hơi và các công ty năng lượng tái tạo cùng với những doanh nghiệp cung cấp giải pháp môi trường thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho các công ty trong ngành năng lượng, tài nguyên lọt Top 5 thương vụ IPO hàng đầu Đông Nam Á trong hơn 10 tháng đầu năm.

Ngành hàng tiêu dùng cũng là mục tiêu thu hút nhà đầu tư. Vì sao lại như vậy? Đông Nam Á bao gồm một nhóm các quốc gia đang phát triển, tốc độ tăng trưởng GDP luôn vượt xa tốc độ tăng trưởng của các nước phát triển. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên cùng với sự gia tăng dân số, được củng cố bởi sự phát triển tầng lớp trung lưu ngày càng trẻ, năng động. Với sự giàu có và khả năng chi tiêu ngày càng tăng này, không có gì ngạc nhiên khi ngành tiêu dùng luôn nằm trong Top 3 ngành công nghiệp thu hút IPO nhiều nhất trong 3 năm qua.

Indonesia

Thị trường IPO của Indonesia tiếp tục tỏa sáng ở Đông Nam Á với 3,6 tỷ USD huy động từ 77 thương vụ trong hơn 10 tháng qua. Indonesia đã cố gắng duy trì động lực của mình, ngay cả khi đối mặt với những thách thức liên quan đến đại dịch Covid-19 trong giai đoạn 2020 - 2021.

Thành tựu này nhấn mạnh sức hấp dẫn lâu dài của đất nước vạn đảo đối với các nhà đầu tư, được hỗ trợ bởi nỗ lực duy trì ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô. Đáng chú ý, Indonesia đã đóng góp đáng kể cho thị trường IPO Đông Nam Á, với 6 công ty có mặt trong Top 10 thương vụ lớn nhất khu vực thời gian qua.

Trong xu hướng chuyển đổi năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ, Indonesia đặt mục tiêu trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu, với việc sản xuất pin xe điện. Và Indonesia có lợi thế đặc biệt để thu hút các nhà đầu tư trong cả trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này.

Đáng chú ý, số lượng đáng kể các đợt IPO có nguồn gốc từ ngành năng lượng tái tạo và ngành kim loại, khoáng sản gợi ý về tiềm năng năm 2023 sẽ là một năm nổi bật đối với thị trường vốn Indonesia.

Thái Lan

Với 1,06 tỷ USD huy động được thông qua 37 đợt IPO, Thái Lan là quốc gia đứng thứ hai trong khu vực về năng lực gọi vốn qua đấu giá cổ phần lần đầu. Ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng của Thái Lan chiếm khoảng 40% lượng vốn huy động được và 38% số thương vụ có nguồn gốc từ lĩnh vực này của khu vực trong hơn 10 tháng đầu năm.

Trên Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan, thời gian qua cũng diễn ra một số thương vụ IPO của doanh nghiệp thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh, khoa học đời sống và chăm sóc sức khỏe… Năm 2024, dự báo sẽ là một năm khá sôi động của hoạt động niêm yết trên thị trường chứng khoán nước này, khi có 38 công ty chuẩn bị lên sàn.

Malaysia

Thị trường chứng khoán Malaysia chứng kiến 28 đợt IPO, huy động được 715 triệu USD trong 10,5 tháng đầu năm nay. Sở Giao dịch chứng khoán Bursa Malaysia đã hoạt động khá tốt khi đặt mục tiêu 31 doanh nghiệp niêm yết trong cả năm 2023. Đến thời điểm này, 21 đợt niêm yết đã được thực hiện, đi kèm với sự sôi động hơn của thị trường niêm yết.

Thị trường IPO của Malaysia vẫn sôi động, được hỗ trợ bởi các tổ chức phát hành có chất lượng và sự tham gia tích cực của nhà đầu tư. Nhìn chung, các thương vụ IPO có mức định giá hợp lý đã tạo ra sự quan tâm mạnh mẽ từ thị trường.

Các sáng kiến thị trường vốn đã được công bố thêm cũng đã thúc đẩy sự sôi động của thị trường và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư.

Singapore

Thị trường chứng khoán Singapore ghi nhận 5 đợt IPO của Catalist trong hơn 10 tháng đầu năm, với tổng số vốn huy động được là 29 triệu USD.

Hoạt động IPO tại Singapore có thể tiến hành qua một số kênh: sàn giao dịch chính thức, hoặc qua quỹ tín thác bất động sản (REIT), hay công ty có mục đích đặc biệt (SPAC). REITs và Business Trusts từng là thành trì của thị trường IPO Singapore, nhưng với môi trường lãi suất toàn cầu còn bất ổn, nhiều REIT hoãn kế hoạch niêm yết của họ.

Mặc dù thị trường IPO Singapore có vẻ trầm lắng trong năm nay nhưng các công ty Singapore có năng lực cao sẵn sàng xuất hiện trong danh sách xuyên biên giới trên các sàn giao dịch toàn cầu. Họ cũng đang được quốc tế công nhận về nền tảng kinh doanh vững chắc của mình. Các cơ sở hạ tầng kinh tế toàn diện và các sáng kiến của Chính phủ Singapore kết hợp với Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) cung cấp một nền tảng lý tưởng cho các công ty có tham vọng IPO. Singapore với nền chính trị sự ổn định và môi trường pháp lý mạnh mẽ đã tạo tiền đề cho dòng vốn vào chưa từng có, đóng vai trò như là cầu nối chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc và là trụ sở khu vực được nhiều người lựa chọn.

Việt Nam

Việt Nam chỉ có 3 đợt IPO, huy động được xấp xỉ 7 triệu USD trong 10,5 tháng đầu năm 2023. Số lượng thương vụ IPO thấp chủ yếu là do quy trình phê duyệt hồ sơ niêm yết và IPO được thắt chặt và mức độ rút ròng của dòng vốn ngoại cao hơn trước các bất ổn của kinh tế toàn cầu và Mỹ tăng lãi suất lên mức cao kỷ lục để kiểm soát lạm phát. Những điều kiện bất lợi này cộng với việc chỉ số VN-Index sụt giảm mạnh kể từ nửa đầu năm 2022, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp phải trì hoãn kế hoạch IPO và chờ thời điểm thích hợp hơn.

Mặc dù chỉ số chứng khoán Việt Nam đã hồi phục vào cuối năm 2023 nhưng vẫn còn kém xa mức đỉnh năm 2021 và đầu năm 2022. Chính phủ đã đưa ra một số biện pháp nhằm kích thích nền kinh tế và các sáng kiến nâng cao xếp hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam nhằm củng cố niềm tin của các nhà đầu tư vào năm 2024.

Bối cảnh môi trường kinh tế vĩ mô đầy thách thức đang buộc nhiều sàn giao dịch chứng khoán trong khu vực cạnh tranh để thu hút doanh nghiệp tham gia. Một xu hướng phổ biến là các công ty Đông Nam Á muốn niêm yết trên các thị trường lớn ở nước ngoài để tiếp cận thị trường vốn lớn và tập nhà đầu tư hoặc đạt được mức định giá tốt nhất. Đối với nhiều công ty, việc niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ rất hấp dẫn, do đây là thị trường thanh khoản cao, thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.

Bùi Văn Trịnh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục