Ngược chiều dự báo, thị trường IPO Hong Kong vẫn lao dốc

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường niêm yết lần đầu ra công chúng (IPO) của Hong Kong vẫn trong tình trạng suy thoái, mặc dù các nhà phân tích dự đoán thị trường sẽ phục hồi trong nửa cuối năm.
Bên ngoài trụ sở Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong. Ảnh: AFP Bên ngoài trụ sở Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong. Ảnh: AFP

Số thương vụ và vốn huy động cùng giảm mạnh

"Thị trường Hong Kong chưa phục hồi nhiều như chúng tôi mong đợi", bà Irene Chu, nhà phân tích tại KPMG Trung Quốc, phát biểu trên đài CNBC.

Theo KPMG, trong ba quý đầu năm, thị trường IPO ở Hong Kong đã hoàn tất 44 đợt niêm yết và huy động được 24,6 tỷ đô la Hong Kong (tương đương 3,14 tỷ USD). Kết quả này giảm 65% về số lượng giao dịch và 15% về số tiền huy động được so với cùng kỳ năm ngoái.

Hong Kong là một trong những thị trường chứng khoán hoạt động tệ nhất vào năm ngoái, với mức giảm 15% trong năm sụt giảm thứ ba liên tiếp. Tháng 10/2023, cả hai chỉ số Hang Seng và Hang Seng Tech của Hong Kong đều trượt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022.

"Thị trường Hong Kong hiện đang ở [một] điểm rất thấp [so với] những ngày tươi đẹp năm 2020 hoặc trước đó. Vì vậy tâm lý chung vẫn chưa hồi phục. Chúng tôi không thể kỳ vọng thị trường IPO Hong Kong sẽ phục hồi nhanh chóng hoặc có thể so sánh được với những ngày tươi đẹp trước đó", ông Ringo Choi, trưởng bộ phận IPO châu Á - Thái Bình Dương tại EY, đánh giá.

Báo cáo tháng 6 của EY và báo cáo đánh giá giữa năm do KPMG Trung Quốc công bố cùng dự đoán thị trường IPO ở Hong Kong có thể hồi phục vào nửa cuối năm 2023.

Mới đây, J&T Express, nhà cung cấp dịch vụ logistics Indonesia do Tencent hậu thuẫn, đã có màn ra mắt mờ nhạt trên thị trường Hong Kong vào ngày 27/10. Sau khi chào sàn, cổ phiếu J&T Express đi ngang và sau đó chốt phiên giảm 1,33%.

J&T Express là thương vụ IPO lớn thứ hai trên thị trường Hong Kong trong năm nay, với lượng vốn dự kiến huy động được ít nhất 1 tỷ USD. Tuy nhiên, J&T Express sau đó đã cắt giảm một nửa mục tiêu huy động vốn do tâm lý nhà đầu tư suy giảm, theo Reuters.

"Thị trường chứng khoán Hong Kong và mức định giá cổ phiếu trong quý III/2023 vẫn ở mức thấp, do các diễn biến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là xung quanh việc Mỹ tăng lãi suất. Nhiều ứng cử viên IPO tiếp tục chờ đợi sự thay đổi về định giá thị trường trong lúc chuẩn bị và lên kế hoạch cho các đợt chào bán của họ", hãng kiểm toán Deloitte nêu trong báo cáo tháng 9.

Thương vụ IPO lớn nhất của Hong Kong kể từ đầu năm đến nay được xác định là nhà sản xuất rượu Trung Quốc ZJLD Group. Thế nhưng, cổ phiếu ZJLD Group đã tuột mất 18% ngay khi ra mắt vào ngày 27/4.

Năm ngoái, hai thương vụ IPO lớn nhất tại Hong Kong cũng sụt giảm ngay trong lần đầu niêm yết. Cụ thể, cổ phiếu hãng xe điện Trung Quốc Zhejiang Leapmotor "bay hơi" giảm 34%, trong khi cổ phiếu nhà cung cấp dịch vụ bất động sản Onewo giảm gần 7%.

"Năm trong số chín đợt IPO lớn tại Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong (HKEX) gần đây nhất có màn ra mắt im ắng với cổ phiếu đi ngang. Ở mức giá đóng cửa gần đây nhất, tất cả các công ty thực hiện đợt IPO lớn tại HKEX kể từ năm 2022 đều đang giao dịch dưới mức giá IPO", ông Arun George, nhà đồng sáng lập công ty nghiên cứu đầu tư Global Equity Research, nhận xét trong báo cáo công bố trên mạng nghiên cứu đầu tư Smartkarma vào ngày 26/10 vừa qua.

Thị trường Trung Quốc phục hồi yếu ớt

Hong Kong là một đặc khu hành chính của Trung Quốc, nơi đang chứng kiến sự phục hồi kinh tế đáng thất vọng sau Covid-19. Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống 5% trong năm 2023 và 4,2% vào năm 2024.

Còn theo thông tin từ KPMG, các sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến đã huy động được lần lượt 28,7 tỷ USD và 19,8 tỷ USD dưới dạng quỹ từ đầu năm đến ngày 9/10, đánh dấu mức giảm lần lượt 42% và 23% so với ba quý đầu năm ngoái.

Giới phân tích cho rằng không chỉ riêng Trung Quốc, hoạt động kinh tế thế giới cũng đang gặp khó khăn trong việc phục hồi. "Không chỉ có Trung Quốc. Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu cũng khá khó khăn. Quá trình phục hồi kinh tế nói chung cần một chút thời gian để thực sự khởi sắc", bà Irene Chu, nhà phân tích tại KPMG Trung Quốc, nhận xét.

Hãng kiểm toán EY cho biết trong ba quý đầu năm nay, đã có 968 thương vụ IPO trên toàn cầu, huy động vốn được 101,2 tỷ USD, giảm lần lượt 5% và 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong nỗ lực củng cố thị trường, vào tháng 9 vừa qua Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong đã đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm năng cao để niêm yết.

Vào tháng 8, chính quyền Hong Kong đã công bố một kế hoạch đặc nhiệm nhằm "tăng cường" thanh khoản cho thị trường chứng khoán và thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn.

"Các sáng kiến năng động, cùng với việc HKEX liên tục cải tiến cơ chế niêm yết, là rất quan trọng để củng cố thị trường vốn đa dạng và nhiều tầng của Hong Kong, chìa khóa để duy trì khả năng cạnh tranh của Hong Kong với tư cách là một trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu", KPMG nhận định.

M&A Việt Nam 2023

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 15 - năm 2023 do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba (ngày 28/11/2023).

Với chủ đề “Chung tay cùng thịnh vượng”, Diễn đàn dự kiến thu hút hơn 500 khách tham dự và cùng nhau thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam, cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu.

Ngoài Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế, để đánh dấu cột mốc 15 năm ra đời, Diễn đàn năm nay sẽ vinh danh các doanh nghiệp và nhà tư vấn M&A tiêu biểu và công bố Báo cáo chuyên sâu về thị trường M&A tại Việt Nam giai đoạn 2009 - 2023.

Một điểm nhấn khác là tham dự Diễn đàn năm nay sẽ có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp đến từ Singapore thông qua chương trình VBEX Connect Business Matching.

Để đăng ký tham dự Diễn đàn, vui lòng liên hệ: Ms. Hoàng Anh - 0373 50 74 55

Đông Phong
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục