Bởi lẽ, thị trường phát điện cạnh tranh, tiền đề cho việc hình thành này dù đã được vận hành hơn 2 năm song đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), khi vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ mở rộng số lượng các đơn vị tham gia mua buôn điện. Với thiết kế này, trước mắt, sẽ có 5 tổng công ty điện lực trực tiếp mua điện và bán cho các khách hàng, thay vì chỉ có một đơn vị mua buôn duy nhất là EVN như hiện nay.
Ngoài ra, các khách hàng lớn đấu trực tiếp vào lưới điện truyền tải cũng có cơ hội tham gia thị trường điện bán buôn, được tự do lựa chọn đối tác ký hợp đồng hoặc mua bán điện trên thị trường điện giao ngay. Hầu hết các đơn vị phát điện sẽ tham gia chào giá trên thị trường, so với con số trên 50% nhà máy điện tham gia thị trường như hiện nay.
Việc mở rộng đối tượng tham gia mua buôn điện và phân phối ra thị trường cũng như có nhiều bên bán cùng tham gia thị trường điện, về nguyên lý, sẽ tăng làm tính cạnh tranh trên thị trường phát điện. Tính minh bạch của tình hình tài chính tại các khâu trong ngành điện cũng sẽ được cải thiện, giá điện hình thành hợp lý dựa trên quy luật cung cầu khách quan và chất lượng cung cấp điện sẽ tăng lên.
Theo khẳng định của Bộ Công thương, về lâu dài, khi thị trường điện phát triển lên các cấp độ cao hơn, khách hàng tiêu thụ điện sẽ có cơ hội được lựa chọn nhiều nhà cung cấp điện và được hưởng các lợi ích khác từ thị trường điện.
Tuy nhiên, đó là những viễn cảnh “long lanh” khi thị trường bán buôn điện cạnh tranh thực sự được vận hành đúng theo nguyên lý thị trường. Để đạt được mức độ như vậy, thị trường điện nói chung, ngành điện nói riêng, trong đó có EVN và các tổng công ty phát điện còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết.
Lo ngại đầu tiên mà ông Tuấn nêu ra, chính là năng lực cán bộ vận hành và cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu để vận hành được thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Hàng loạt vấn đề khác cũng được đặt ra là khả năng phối hợp, các cơ chế hợp đồng song phương giữa các tổng công ty điện lực và các đơn vị phát điện nhằm giảm thiểu rủi ro về biến động giá trên thị trường giao ngay; cơ chế chào giá cho các nhà máy thủy điện đa mục tiêu và BOT; cơ chế dịch vụ phụ trợ trong thị trường cạnh tranh bán buôn cũng cần được hoàn thiện theo cơ chế thị trường.
Còn theo ông Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Điện Việt Nam, vấn đề lớn nhất là thị trường phát điện cạnh tranh, tiền đề của thị trường bán buôn điện cạnh tranh dù đã được đưa vào vận hành được hơn 2 năm, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh.
Theo ông Long, ngay mối tương quan cạnh tranh về phát điện và mua bán điện, chào giá giữa các nhà máy đơn vị thành viên của các tổng công ty phát điện (genco) cũng như quan hệ giữa các đơn vị thành viên này với các tổng công ty phát điện cũng chưa được xác định một cách rõ ràng. Việc chào giá sẽ được tiến hành theo các genco hay là tới từng đơn vị thành viên và nếu theo cơ chế đó thì vai trò của genco trong thị trường bán buôn điện sẽ là gì, đang là những câu hỏi được các thành viên thị trường đặt ra.
Mặt khác, tính minh bạch và cạnh tranh trong khâu phát điện tại thị trường phát điện cạnh tranh hiện nay vẫn chưa đạt được, khi tồn tại tình trạng các nhà máy điện không nắm được thông tin của các đơn vị cùng tham gia vào thị trường này.
Theo đại diện Tổng công ty Điện lực Vinacomin, một trong những đơn vị cung ứng điện lớn cho thị trường phát điện cạnh tranh thì sự thiếu minh bạch thông tin khiến các DN sản xuất điện không có cơ sở để chào giá, hơn thế còn khiến DN rất bị động trong kế hoạch sản xuất – kinh doanh, từ đó tăng giá thành điện, làm giảm tính cạnh tranh.
Theo các chuyên gia, nếu vấn đề này không được khắc phục triệt để thì thị trường bán buôn điện cạnh tranh, vốn là cấp độ cao hơn và hoàn thiện hơn thị trường phát điện cạnh tranh, sẽ khó có thể vận hành một cách minh bạch như mục tiêu đã đề ra.