Xóa độc quyền điện: 17 năm là quá chậm

Cần tới 17 năm để xóa độc quyền ngành điện là quá lâu! Nhiều Đại biểu Quốc hội yêu cầu phải rút ngắn lộ trình này. Còn Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, tiến tới cạnh tranh thị trường điện phải rất thận trọng.
Xóa độc quyền điện: 17 năm là quá chậm

Xóa độc quyền điện: 17 năm là quá chậm ảnh 1

Liên tục lỗi hẹn

 

Theo ĐB Bùi Mạnh Hùng, tỉnh Bình Phước đã bức xúc: "Không cần phải phân tích nhiều về những hệ lụy phát sinh do độc quyền điện - xăng gây ra, vậy mà thế độc quyền này lại tồn tại quá lâu. Tại sao yêu cầu phá độc quyền rất cấp bách nhưng lộ trình để xóa độc quyền như của ngành điện lại có thể kéo dài tới 17 năm? Bao giờ sẽ chấm dứt độc quyền?"

 

Con số 17 năm hình thành thị trường điện hay bản chất chính là xóa độc quyền ngành điện trên thực tế đã trở thành "luật". Tháng 1/2006, Quyết định 26 của Thủ tướng đã quy định cứng về 3 cấp độ cho thị trường điện. Từ năm 2005- 2014, cấp độ 1 sẽ cạnh tranh ở khâu phát điện, từ năm 2015-2022, cấp độ 2 sẽ cạnh tranh ở khâu bán buôn điện và sau năm 2022 trở đi, cấp độ 3, bắt đầu cạnh tranh ở khâu bán lẻ điện. Khi đó, điện cũng như internet, sẽ có nhiều nhà cung ứng bán lẻ và người dân có quyền chọn nhà cung cấp điện nào tốt nhất, giá rẻ nhất.

 

Chưa vội bàn vì sao phải cần tới 17 năm để thiết lập thị trường điện, vì sao, phải xây dựng thị trường theo kiểu bổ ngang và tuần tự, lần lượt như vậy thì ngay cả việc làm cho đúng tiến độ lộ trình, EVN và Bộ Công Thương cũng liên tục lỗi hẹn, chậm trễ nhiều lần.

 

Nếu như ở cấp độ đầu tiên của thị trường điện, bước thí điểm phải được hoàn thành ngay từ năm 2008 thì rốt cục, bước này chỉ vừa mới thực hiện từ 1/7 năm ngoái.

 

Bước thứ hai, vận hành thị trường phát điện cạnh tranh chính thức phải bắt đầu từ năm 2009 nhưng theo công bố của Công Thương gần đây, ngày 1/7 tới mới khởi động được bước chính thức này.

 

Không chỉ làm chậm, cấu trúc thị trường phát điện cạnh tranh cũng không được đúng như Quyết định 26 của Thủ tướng yêu cầu. Đáng lẽ, kết thúc bước thí điểm, các nhà máy điện lớn trong hệ thống đang thuộc EVN phải chuyển thành các công ty phát điện độc lập IPP, dưới dạng Công ty Nhà nước độc lập. Các nhà máy điện còn lại sẽ phải chuyển thành các công ty cổ phần. Đây là điều kiện quan trọng để bước vào một thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

 

Thực tế thì ngược lại. Ba Tổng công ty phát điện độc lập 1, 2, 3 chỉ vừa có quyết định thành lập hôm 1/6 vừa qua và mô hình vẫn là trực thuộc 100% của EVN. Đến khi nào 3 đơn vị này cổ phần hóa và tách khỏi EVN thì chưa rõ.

 

Khâu phát điện cạnh tranh đã bị chậm trễ tới 3 năm. Chỉ còn 2 năm nữa đã phải xong thị trường ở khâu bán buôn trong khi suốt thời gian qua, Bộ Công Thương và EVN chưa có động thái nào cho thấy đã bắt tay thiết kế thị trường điện cấp độ thứ hai này.

 

Thận trọng... rồi vẫn giữ độc quyền

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận rằng, nếu tiếp tục kéo dài tình trạng hiện nay thì sẽ dẫn đến thị trường điện thiếu sự cạnh tranh lành mạnh, động lực để phát triển ngành điện sẽ có những hạn chế và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

 

Tuy nhiên, lý giải vì sao phải kéo dài lộ trình xóa độc quyền ngành điện, Bộ trưởng Hoàng lại cho rằng, thị trường điện đối với Việt Nam là một vấn đề hết sức mới mẻ, phức tạp phải có thời gian để vừa làm, vừa hoàn chỉnh. Điện là một mặt hàng đặc biệt liên quan đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội nên bất cứ một sự thay đổi nào cũng sẽ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế dân sinh. Chính vì thế bước đi phải thận trọng. Đây cũng là yêu cầu của Chính phủ đặt ra cho Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, các bộ có liên quan.

 

Bộ trưởng Hoàng cũng chỉ hứa rằng, việc có rút ngắn được hơn lộ trình này hay không còn phụ thuộc vào những điều kiện chúng ta có thể thực hiện. Nếu có điều kiện rút ngắn được phân khúc nào thì sẽ cố gắng.

 

Tuy nhiên, theo các ĐB Quốc hội, Bộ Công Thương vẫn chưa có một kế hoạch quyết liệt xóa bỏ độc quyền EVN.

 

Thận trọng là đúng nhưng không có nghĩa được phép chậm trễ, lỗi hẹn và trì hoãn. Đáng tiếc rằng, sau 7 năm tái thiết thị trường điện một cách thận trọng tính từ khi có Quyết định của Thủ tướng, vị thế độc quyền của EVN vẫn không có gì thay đổi đáng kể.

 

Tính đến năm 2011, EVN vẫn đang sở hữu khoảng 57% tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống. Nếu tính cả các nguồn điện do EVN nắm giữ cổ phần chi phối thì lên tới khoảng 67% tổng công suất đặt toàn hệ thống.

 

Các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân trong nước khác chỉ mới tham gia khoảng 9% tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống.

 

Phần còn lại của hệ thống nguồn điện là do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam , Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam , Tổng công ty lắp máy Việt Nam và Tổng công ty Sông Đà vừa qua đã sáp nhập lại là Tập đoàn xây dựng công nghiệp Việt Nam v.v..) đảm nhiệm.

 

Hiện nay, EVN vẫn đang chiếm lĩnh khoảng 90% thị phần bán lẻ điện năng trên cả nước. Phần còn lại do các tổ chức kinh doanh điện khác thực hiện.

Đặc biệt, các vấn đề mấu chốt quyết định sự bình đẳng, minh bạch trong cạnh tranh là công ty mua bán điện và Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cũng vẫn đang thuộc EVN.

 

Điều này sẽ là một rào cản lớn đẩy lùi nỗ lực hình thành thị trường điện. ĐB Nguyễn Lâm Thành, Lạng Sơn đã dẫn chứng, ngay ở giai đoạn phát điện cạnh tranh thí điểm vừa qua, nhiều công ty thủy điện nhỏ đã bị ép giá rất thấp, chỉ còn 600 đồng/kWh chứ không được đến 800-900 đồng như Bộ cho biết. Vì họ không thể cạnh tranh nổi với các nhà máy thủy điện lớn của EVN.

 

Vì lẽ đó, GS Nguyễn Minh Duệ và nhiều ĐB Quốc hội khác đều cho rằng, lộ trình hình thành thị trường điện đang rất cứng nhắc. Xóa bỏ độc quyền của EVN là điều cấp thiết nhất và muốn có một thị trường lành mạnh thực sự thì thiết kế thị trường ở khâu phát điện, bán buôn, bán lẻ hoàn toàn có thể thực hiện xen kẽ.

 

Càng để lâu thì càng bất lợi cho nền kinh tế. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng bày tỏ quan điểm, mặc dù rất khó khăn và phải thận trọng, Bộ Công Thương cần lấy thêm ý kiến của chuyên gia và nghiên cứu xem có thể đẩy nhanh hơn quá trình thị trường đối với ngành điện không.

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: "Xóa bỏ độc quyền điện, trong đó có độc quyền tự nhiên là phức tạp. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện qua các bước hết sức thận trọng. Khi đưa cạnh tranh vào ngành điện để hoạt động một cách có hiệu quả thì đồng thời, vẫn phải đáp ứng được các yêu cầu cơ bản: nhu cầu điện ngày càng tăng, cạnh tranh của thị trường là lành mạnh, không gián đoạn, không gây hỗn loạn trong thị trường điện.

 

Trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từng cấp độ thị trường điện đều phải thực hiện các bước thử nghiệm, nếu có những nhược điểm thì phải khắc phục nhược điểm đó và phải khẳng định bước thử nghiệm thực hiện tốt mới được chuyển bước sang bước mới.

 

Một trong những lý do vừa rồi làm chậm là liên quan đến việc chúng ta phải thực hiện các giải pháp để ứng phó tác động của khủng hoảng kinh tế cũng như tài chính của thế giới đối với chúng ta. Các doanh nghiệp điện lực bị tác động, đều gặp khó khăn về tài chính nên việc thử nghiệm thị trường điện lực cũng phải tính đến yếu tố này".


VEF

Tin cùng chuyên mục