Vẽ vạch đích cho Đề án Cơ cấu lại VNR

0:00 / 0:00
0:00
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ có khoảng 2 năm để tiến hành cơ cấu lại với mục tiêu quan trọng nhất là sớm thoát lỗ và sửa lại một loạt bất cập về mô hình tổ chức trước khi có thể gánh vác những nhiệm vụ nặng nề hơn trong tương lai.
Ảnh: Đ.T. Đồ họa: Thanh Huyền Ảnh: Đ.T. Đồ họa: Thanh Huyền

Dài đường cơ cấu lại

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vừa ký Tờ trình số 2636/TTr-UBQLV đề nghị lãnh đạo Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án Cơ cấu lại VNR đến năm 2025.

Đề án này, theo đại diện chủ sở hữu tại VNR, đã được chỉnh sửa; tiếp thu, giải trình đầy đủ chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái và ý kiến, góp ý của các bộ, ngành liên quan.

Được biết, đây là tờ trình thứ hai liên quan việc cơ cấu lại VNR được CMSC trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong vòng 3 tháng qua.

Tuy nhiên, so với Đề án được CMSC trình Chính phủ vào đầu tháng 10/2023, những nội dung chính tại Tờ trình số 2636 về cơ bản không có thay đổi lớn, qua đó cho thấy, cả VNR và đại diện chủ sở hữu khá kiên định với mục tiêu, lộ trình và nội dung cơ cấu lại doanh nghiệp duy nhất Việt Nam hiện nay kinh doanh, khai thác hệ thống kết cấu đường sắt quốc gia.

Cụ thể, CMSC kiến nghị Chính phủ cho phép trong giai đoạn đến năm 2025, VNR không tiến hành cổ phần hóa công ty mẹ và các công ty thành viên.

Trước đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, VNR cũng không tiến hành cổ phần hoá bất kỳ đơn vị nào. Thay vào đó, Tổng công ty VNR chỉ tiến hành thoái vốn tại 17 công ty cổ phần, trong đó có 7 đơn vị thực hiện thoái vốn thành công, 6 đơn vị thoái vốn, nhưng không hết và 4 đơn vị thực hiện thoái vốn không thành công theo Đề án Tái cơ cấu VNR giai đoạn 2012 - 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 198/QĐ-TTg, ngày 21/1/2013.

“Tính đến cuối tháng 11/2023, VNR tồn tại 15 công ty cổ phần có vốn góp của VNR thuộc diện thoái vốn. Theo chỉ đạo của CMSC, công tác thoái vốn đang tạm dừng cho đến khi Đề án Cơ cấu lại VNR đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV VNR thông tin.

VNR cũng mong muốn được tiếp tục duy trì tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An và Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm; giữ nguyên mô hình tổ chức và duy trì tỷ lệ phần vốn góp của VNR nắm giữ tỷ lệ cổ phần chi phối trên 51% vốn điều lệ đối với 15 công ty cổ phần đường sắt và 5 công ty cổ phần thông tin tín hiệu đường sắt; không thoái vốn và duy trì tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều của Công ty cổ phần Đá Đồng Mỏ, Công ty cổ phần Đá Mỹ Trang và Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt.

Trong khi quyết tâm thoái hết 100% vốn nhà nước nắm giữ tại 13 công ty cổ phần theo Quyết định số 198/QĐ-TTg, VNR kiến nghị không thực hiện thoái vốn đối với các công ty liên kết: Công ty TNHH hai thành viên Khách sạn thương mại Sài Gòn và Công ty cổ phần Mặt trời - Đường sắt Việt Nam.

Theo lãnh đạo VNR, 2 đơn vị này chưa nằm trong danh mục thoái vốn trong 3 năm tới do đang trong quá trình thanh tra việc cổ phần hoá, sử dụng đất (Công ty cổ phần Mặt trời - Đường sắt Việt Nam) hoặc xuất hiện tranh chấp, kiện tụng giữa các cổ đông (Công ty TNHH hai thành viên Khách sạn thương mại Sài Gòn).

Cần phải nói thêm, việc cơ cấu lại VNR đã được khởi động từ năm 2016 với mục tiêu hoàn thành việc định hình lại mô hình tổ chức của Tổng công ty vào năm 2020.

Trên thực tế, VNR đã hoàn thiện theo ý kiến góp ý của các bộ, ngành và trình Đề án Cơ cấu lại tới các cơ quan có thẩm quyền Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và CMSC (sau khi chuyển cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ Bộ GTVT về CMSC). Vì một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, kết thúc giai đoạn 2016-2020, VNR chưa được phê duyệt Đề án Cơ cấu lại khiến quá trình “hiệu chỉnh” mô hình hoạt động kéo dài hơn dự kiến.

Lộ trình “sửa lỗi”

Được biết, việc tổ chức lại Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn được cả VNR và các bộ, ngành liên quan đánh giá là “lỗi mô hình kinh doanh” cần phải chỉnh sửa gấp.

Trong đề xuất tổ chức lại hoạt động vận tải gửi Bộ GTVT vào giữa năm 2017, VNR thừa nhận thất bại trong việc chuyển Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco, vốn điều lệ 800 tỷ đồng, VNR nắm 91,62%) và Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Sài Gòn (Saratrans, vốn điều lệ 503 tỷ đồng, VNR nắm 78,46%) thành các công ty cổ phần.

Cụ thể, sau khi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào đầu tháng 1/2016, kết quả kinh doanh của Haraco và Saratrans đều lao dốc cả về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận.

Theo đánh giá của VNR, Haraco và Saratrans đang kinh doanh cả dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách trên cùng một tuyến đường sắt đơn, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa hai đơn vị. Có thời điểm, tại cùng một ga, một địa điểm kinh doanh, cả hai đơn vị đều bố trí lao động, thuê trụ sở, kho bãi…, làm tăng chi phí, phân tán nguồn lực, năng suất lao động thấp.

Mặc dù đồng thuận với phương án cơ cấu lại 2 công ty vận tải, nhưng Bộ GTVT cho rằng, VNR cần xây dựng lộ trình giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại công ty cổ phần vận tải đường sắt sau hợp nhất nhằm thu hút nguồn vốn tham gia đầu tư và đổi mới chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, hướng tới chuyên môn hóa vận tải hàng hóa và vận tải hành khách theo đúng Kết luận số 49-KL/TU ngày 28/3/2023 về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị.

Theo giải trình của VNR, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Tổng công ty khẩn trương chỉ đạo người đại diện phần vốn góp tại 2 công ty cổ phần vận tải đường sắt phối hợp với đơn vị tư vấn, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền về: xác định vốn điều lệ của công ty cổ phần sau hợp nhất, phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, tỷ lệ hoán đổi cổ phần của 2 công ty cổ phần này, phương án hạch toán khi hợp nhất sổ sách 2 doanh nghiệp có lỗ lũy kế...

Tuy nhiên, do đây là công việc chưa có tiền lệ, nhiều vướng mắc, nên dự kiến quý I/2024, công ty cổ phần sau hợp nhất mới có thể đi vào hoạt động; tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của công ty sau hợp nhất dự kiến lớn hơn 80%.

VNR cho biết đã xác định lộ trình hợp nhất 2 công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn. Cụ thể, sau khi hợp nhất, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt (doanh nghiệp đã được hợp nhất) thực hiện việc phân chia, bóc tách về tổ chức, lao động, vốn, tài sản để thành lập công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt".

“Như vậy, kết thúc năm 2025, trong điều kiện cho phép, sẽ thực hiện xong việc hợp nhất 2 công ty cổ phần vận tải đường sắt, từng bước ổn định tổ chức để hoạt động. Việc hình thành công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt sẽ được Tổng công ty nghiên cứu và xin ý kiến CMSC, Thủ tướng Chính phủ vào thời điểm phù hợp của giai đoạn sau”, lãnh đạo VNR thông tin.

Cần phải nói thêm rằng, việc triển khai Đề án Cơ cấu lại VNR đến năm 2025 không chỉ giúp tổ chức lại bộ máy kinh doanh tiệm cận hơn đòi hỏi của thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mà còn giúp VNR tích tụ nguồn lực nhằm gánh vác nhiệm vụ lớn liên quan đến tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tại Thông báo số 502/TB-VPCP ngày 4/12/2023 về Kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Đề án Chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, lãnh đạo Chính phủ đã lưu ý, không nên lập cơ quan quản lý và khai thác đường sắt tốc độ cao, mà giao VNR tái cơ cấu, hình thành doanh nghiệp nhà nước đủ năng lực cho việc này. Các doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích đầu tư phương tiện, khai thác vận tải đường sắt tốc độ cao khi đủ điều kiện.

Cũng tại đề án trên, Bộ GTVT đề xuất tái cơ cấu VNR theo hướng: hình thành công ty quản lý, khai thác hạ tầng, điều hành chạy tàu và công ty kinh doanh vận tải; khuyến khích các nhà đầu tư tham gia kinh doanh vận tải đường sắt và trả phí thuê hạ tầng.

“Phương án này có ưu điểm là bảo đảm tính cạnh tranh, chống độc quyền trong kinh doanh vận tải đường sắt, phù hợp với thực tế, tận dụng được bộ máy, nhân lực có sẵn của VNR, không phát sinh tổ chức mới”, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục