Về miền sông nước Cà Mau

Có lẽ trên dải đất thân thương hình chữ S này, có một điểm mà bất kỳ ai cũng muốn được một lần đặt chân tới để cảm nhận vẻ mặn mòi của biển, khám phá cuộc sống giữa sóng gió biển khơi mênh mông nơi cực Nam của Tổ quốc…, đó là mũi Cà Mau.
Về miền sông nước Cà Mau

Nhọc nhằn nơi Đất Mũi 

Sau tiếng khởi động “phành phạch”, chiếc tàu cao tốc nhấc cao mũi đầy kiêu hãnh lướt như bay trên mặt nước sông Cửa Lớn, đưa chúng tôi từ thị trấn Năm Căn đến mũi Cà Mau, điểm tận cùng phía Nam của Tổ quốc. Ở giữa mênh mông sông nước, đầu mũi tàu luôn trong tư thế dốc ngược, những người lần đầu ra Đất Mũi như tôi vừa thấy thích thú, vừa có cảm giác sờ sợ.

Dưới bàn tay điêu luyện của bác lái, con tàu cao tốc lướt qua nhiều hàng cột lớn cắm trên sông Cửa Lớn. Chị Trúc Loan, chuyên viên Phòng Nghiệp vụ du lịch của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cà Mau giải thích, đây là nơi ngư dân hành nghề “đáy hàng khơi” để khai thác thủy sản nước lợ. Người ta dùng cây kè dài trên 30 m cắm sâu xuống lòng sông, giăng thành hàng rồi dùng dây néo vào nhau. Cứ giữa hai cây kè, họ lại dùng một tấm lưới chắc để mắc một miệng đáy có hình dạng như cái phễu. Tôm cá sẽ theo dòng nước siết chui vào miệng đáy rồi kẹt trong đó.

Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng nghề làm “đáy hàng khơi” rất gian truân, chỉ những người đàn ông gan dạ, dũng cảm, khỏe mạnh và quen với sông nước từ nhỏ mới làm được. Họ thường xuyên phải dầm mưa dãi nắng, đối mặt với gió bão và không ít người trong số đó đã bỏ mạng theo những miệng đáy “thủy thần”.

Ở vùng sông nước này, những người bỏ tiền để đầu tư ghe thuyền, hàng đáy được gọi là “chủ đáy”, còn dân nghèo đi đóng đáy thuê gọi là “bạn đáy”. “Bạn đáy” cũng được chia thành hai loại: dân “bạn ghe” là cách gọi những ngư dân có nhiệm vụ chạy ghe từ bờ ra ngoài đáy, đưa tôm cá vào bờ; còn dân “bạn chòi” là những ngư dân có nhiệm vụ túc trực trong các chòi đáy ngoài khơi từ một tuần đến mười ngày, theo con nước để thu gom cá.

Ở nơi trời nước một màu như mũi Cà Mau, cuộc sống của người dân thật sơ sài với những ngôi nhà dựng từ 4 cây cột cắm ở bốn góc, xung quanh là những tấm tôn ghép lại. Các cửa hàng bán đồ nhu yếu phẩm hàng ngày và cả những cây xăng đều là những căn nhà nổi được dựng tạm bằng tôn thép trên những chiếc thùng phuy ghép vào nhau.

Thương nhất là những em bé vùng Đất Mũi, ngay từ khi mới 2-3 tuổi, các em đã phải theo cha mẹ đi đánh bắt tôm cá. Cả người và ghe đều nhỏ tới độ tưởng chừng như bị nuốt trọn giữa không gian mênh mông của sông nước. 

Kỳ vọng vào du lịch

Anh Trần Xuân Trường, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cà Mau cho biết, sắp tới Quốc lộ 1A từ Cà Mau đến với Năm Căn không còn dừng lại ở km 2.301 + 340m như hiện tại nữa, mà sẽ được nối dài bằng công trình đường cao tốc trên biển. Khi đó, Khu công viên Văn hóa Du lịch mũi Cà Mau (159,7 ha) sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư và sẽ trở thành khu trung tâm du lịch của Cà Mau.

Cà Mau đang sở hữu tài nguyên du lịch gồm khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu Ramsa thế giới, khu xứ ủy Nam bộ Trung ương cục miền Nam, điểm cuối cùng đường Hồ Chí Minh trên biển trong tương lai và các khu di tích lịch sử đặc biệt quan trọng cấp quốc gia. Đây sẽ là điều kiện để Cà Mau khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch.

Tiềm năng du lịch được ông Hồ Ngọc Tấn, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau khẳng định là rất lớn khi cụm du lịch Năm Căn - Đất Mũi - Hòn Khoai đang được đầu tư trở thành cụm du lịch trọng điểm của Cà Mau. Đặc biệt, khu vực này có thể xây dựng một sân bay trực thăng để đón khách từ TP.HCM, Phú Quốc hay Côn Đảo.

Mới đây, Hãng hàng không Vietjet Air chính thức khai thác đường bay Đà Nẵng - Cần Thơ và Hà Nội - Cần Thơ từ ngày 22/7 và 17/10, phần nào đã rút ngắn thời gian di chuyển của du khách khu vực miền Trung và miền Bắc đến với Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và đến Cà Mau nói riêng.

Ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó tổng giám đốc Vietravel, đơn vị tiên phong triển khai 8 tour du lịch tới miền Tây khẳng định, việc VietJet Air thông tuyến bay thẳng Hà Nội - Cần Thơ góp phần làm tăng hiệu quả khai thác du lịch miền Tây theo chương trình trọng điểm “Hà Nội - Cần Thơ - Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng”. Ông Duy đặt kỳ vọng, sắp tới, lượng khách đến miền Tây và Cà Mau sẽ tăng từ 4 đoàn/tháng hiện nay lên 6 - 8 đoàn/tuần.

Kỳ vọng trên nhiều khả năng sẽ đạt được bởi Cà Mau đã xây dựng Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu đưa doanh thu từ du lịch ước đạt 200 triệu USD vào năm 2030. Khi đó, cuộc sống của những người dân Đất Mũi sẽ bớt nhọc nhằn hơn, những sản vật từ biển mà người dân đang đối mặt với hiểm nguy để khai thác sẽ có đầu ra đảm bảo và giá trị kinh tế cao hơn...

Hải Hà
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục