Ký ức tàu không số

Đoàn 125 tàu không số đường Hồ Chí Minh trên biển có 3 tàu được tuyên dương “Anh hùng Lực lượng vũ trang”, thì cựu chiến binh Vũ Trung Tính vinh dự được làm nhiệm vụ trên 2 tàu: tàu 42 và tàu 154. Cho đến bây giờ, ký ức về những ngày tháng hào hùng trên những con tàu ấy vẫn chưa thể phai mờ...
Tàu không số trên đường Hồ Chí Minh trên biển Tàu không số trên đường Hồ Chí Minh trên biển

Đã lên đường là chấp nhận hy sinh

Mỗi chuyến đi vận chuyển vũ khí vào miền Nam của tàu không số là cuộc đối đầu, đấu trí, đấu lực giữa những chiếc tàu nhỏ bé với lực lượng dày đặc Hải quân hạm đội 7 của Mỹ, Hải quân Ngụy Sài Gòn, phòng tuyến cảnh giới lục soát của hệ thống rađa đối hải quét dọc bờ biển từ Cửa Việt đến Hà Tiên và các đồn bốt, trạm kiểm soát cửa ngõ luồng lạch ven biển của địch... Trước mỗi chuyến đi, các cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã xác định sẵn sàng hy sinh, nếu tàu, vũ khí rơi vào tay giặc.

Cựu chiến binh Vũ Trung Tính kể lại, chuyến đi đầu tiên của tàu không số khởi hành vào tháng 6/1964. Đó là con tàu 42 chở 60 tấn vũ khí từ cảng K15 Đồ Sơn (Hải Phòng) cập bến Vàm Lũng (Cà Mau). “Lúc đó, tôi ở vị trí Hàng hải số 1. Suốt một tuần lênh đênh trên biển, gặp rất nhiều tàu địch, nhưng chúng tôi đều luồn lách tránh được. Khi vào gần bờ, thấy những ánh sáng lấp lánh cả một vùng rộng lớn, tưởng là thành phố, song khi bắt được liên lạc với bến Vàm Lũng, mới biết đó là những đàn đom đóm phát quang trên rừng đước”, ông Tính nhớ lại chuyến đi thành công ấy.

Tháng 11/1964, tàu 42 tiếp tục nhận được lệnh chở vũ khí vào Cà Mau. Vừa rời K15 Đồ Sơn, thì gió mùa Đông Bắc tràn xuống, sóng to gió lớn khiến nhiều đồng chí say sóng. Nhưng sau 5 ngày hành trình, chuyến tàu vẫn vào Cà Mau giao hàng trót lọt.

Khi quay ra Bắc, ông Tính được tặng một con rái cá, với ý nghĩa quà của miền Nam gửi tặng Vườn bách thú Hà Nội. Tàu ra gần quần đảo Trường Sa thì gặp bão. Tới tấp những con sóng cao 2-3 mét hất con tàu lên rồi lại nhấn xuống. Là dân gốc biển, nhưng ông Tính cũng bị say mềm.

Không nấu được cơm, cả tàu phải nhịn đói, nhưng không một ai bỏ ca trực, mỗi người chỉ cầm lái 10 - 15 phút là phải thay. Nhiều lúc tàu “vặn mình” răng rắc như muốn vỡ tung. Cứ thế mấy ngày đêm liền, tàu 42 tả tơi hứng trọn cơn bão biển kinh hoàng, nhưng cuối cùng tất cả cũng qua, chỉ có con rái cá đã chết vì không ăn uống được gì, khiến cả tàu xót xa mãi.

Cựu chiến binh Vũ Trung Tính với nghề kinh doanh lưới vó

Tái mở đường sau sự kiện Vũng Rô

Sau sự kiện Vũng Rô, từ tháng 2/1965 đến tháng 10/1965, Đoàn 125 tổ chức nhiều chuyến đi, nhưng đều đều không đưa được hàng vào chiến trường. Trước tình hình này, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Quân chủng và Đoàn 125 tìm phương thức vận chuyển mới. Đoàn 125 đã chọn tàu 42 thực hiện chuyến đi tái mở đường. Sau 3 tháng chuẩn bị, tàu 42 với nước sơn mới màu ngọc bích, cải trang thành tàu đánh cá và khởi hành lúc 22 giờ ngày 15/10/1965.

“Chuyến đi dựa vào mặt trăng, mặt trời và các vì sao để xác định kinh độ, vĩ độ là chính, nên đòi hỏi người cán bộ hàng hải phải tính toán những bài toán thiên văn chính xác, linh hoạt nhất”, ông Tính nói.

Đến quần đảo Bầy Sư, tàu vừa chuyển hướng theo kế hoạch thì gặp tàu khu trục Hạm đội 7 của Mỹ trên biển và máy bay trinh sát quần đảo trên không. Tàu tiến đến Hòn Khoai vẫn bị bám theo.

Trước tình huống không an toàn ấy, tàu quyết định chuyển hướng về phía Bắc Philippines. Đi được khoảng 20 hải lý, thì cả tàu khu trục và máy bay Mỹ đều chuyển hướng. Tuy vậy, tàu vẫn giả vờ đánh lưới và câu cá quanh đảo phía Bắc Philippines. Sau 4 ngày đêm thấy êm, tàu 42 mới chuyển hướng, về gần tới Cà Mau thì bắt được liên lạc và chuyển vũ khí tại rạch Kiến Vàng an toàn.

Vậy là sau 8 tháng vắng bóng những con tàu không số của Đoàn 125, tàu 42 đã tái lập lại đường Hồ Chí Minh trên biển, tiếp tục chở vũ khí chi viện cho quân giải phóng. Tàu 42 đã mang cả quyết tâm của Trung ương, miền Bắc với cách mạng miền Nam trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, gian khổ, được Bộ chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Hải quân, Đoàn 125 đánh giá rất cao.

Do địch tuần tra “vít chặt” các cửa sông, bờ biển miền Nam, nên lần này, tàu 42 phải ở lại Cà Mau 5 tháng. Các đồng chí ở bến chuẩn bị cho tàu cái Tết trong rừng đước thật vui và ấm cúng, với bánh chưng xanh, các loại hoa quả và các loại bánh miền Nam do các má, các cô đem đến.

Chiến công có một không hai

Ngày 13/3/1966, tàu 42 tiếp tục nhận được lệnh chở 60 tấn vũ khí vào chiến trường. Tàu đã trải qua gần 10 ngày vật lộn với sóng to, gió lớn, luồn lách tránh sự kiểm soát gắt gao của các loại tàu địch, vượt qua mạng lưới rađa, nhiều lúc tưởng khó thoát khỏi sự nguy hiểm, phải chuyển rất nhiều hướng ngoài kế hoạch. 

1 giờ ngày 22/3/1966, tàu cập bến Cà Mau, đang bốc hàng thì máy bay địch đến bắn phá. Các đồng chí ở bến vừa tranh thủ bốc hàng, chuyển hàng đến nơi an toàn, vừa đánh nghi binh, đảm bảo an toàn cho tàu và vũ khí. Đêm 11/4/1966, lợi dụng sơ hở của địch, tàu 42 táo bạo, khôn khéo lách qua những hàng rào phong tỏa của địch trở về Bắc an toàn.

Tàu vừa về tới cảng Hải Phòng thì ông Tính nhận được quyết định điều sang tàu 154 làm Thuyền phó hàng hải. 19 giờ ngày 17/9/1969, tàu 154 được lệnh chở 58 tấn vũ khí vào Cà Mau. Qua gần 10 ngày lênh đênh trên biển, gặp nhiều tàu khu trục của Mỹ hoạt động, nhiều tàu buôn nước ngoài, nhưng tàu 154 vẫn tìm đủ mọi cách để luồn lách tránh địch, đưa hàng đến nơi an toàn rồi quay ra Bắc. 

Ngày 24/8/1970, tàu 154 lại nhận kế hoạch chở 58 tấn vũ khí cho chiến trường miền Nam. Sau gần 1 tuần luồn lách tránh địch, tàu gần tới bờ thì trời gần sáng, nhưng lại không bắt được liên lạc với bến. Không còn đủ thời gian quay ra hải phận quốc tế, chỉ huy tàu thống nhất phương án vào bờ để giao vũ khí, nếu bị phát hiện, phải chiến đấu thì hủy tàu.

5 giờ sáng, tàu đang dần tiến vào cửa Gềnh Hào thì phát hiện trên bờ có một người vai khoác AR 15 của Mỹ. Chính ông Tính là người đề xuất với thuyền trưởng La Minh Tốt và chính trị viên Phạm Văn Bát hạ xuồng cao su cho 3 đồng chí lên bờ tìm cách bắt sống.

Đến 7h30 sáng, vừa ngụy trang xong tàu thì có máy bay trinh sát OB-10 quần đảo. Bốc hàng giữa ban ngày dễ bị lộ, nên tàu 154 phải đợi tối về bến Vàm Hố giao hàng. Sau chuyến đi táo bạo này, tàu 154 được tặng thưởng Huân chương và cán bộ, chiến sĩ trên tàu được Bác Hồ gửi tặng thuốc lá.

Vẫn đêm ngày “bám biển”

Năm 1970, Vũ Trung Tính chuyển lên bờ công tác rồi được cử đi học tại Liên Xô, sau đó về công tác tại Bộ Tham mưu Hải quân, tham gia chiến dịch rà phá thủy lôi, làm chuyên gia ở Campuchia, rồi về Cục Quân lực, Bộ Quốc phòng.

Về nghỉ hưu tại làng biển Hải Ninh, Thanh Hóa, người cựu chiến binh này tiếp tục là chỗ dựa cho những con tàu của gia đình, anh em, làng xóm ra khơi bám biển khai thác thủy sản và tham gia gìn giữ biển đảo quê hương. Tuy tuổi đã cao, nhưng ông vẫn cùng vợ phát triển kinh doanh mặt hàng lưới vó làm công tác “hậu cần” cho nghề biển của quê hương.

Với đồng đội, ông đứng ra gánh vác nhiệm vụ Trưởng Ban liên lạc Hải quân huyện Tĩnh Gia, Chủ tịch Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Thanh Hóa để cùng nhau giữ gìn, phát huy truyền thống anh bộ đội Cụ Hồ, nhất là tinh thần ý, chí và phẩm chất của những chiến sĩ tàu không số trên mặt trận phát triển kinh tế và cả trong cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày.

Thái Bình (Baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục