Xin bắt đầu cuộc trò chuyện với ông về một câu chuyện cũ. Học quản trị, làm quản lý ở Tập đoàn FPT hơn 10 năm, chu du hơn 40 nước trên thế giới, nhưng cuối cùng, ông lại đi kinh doanh sách, cái nghề tưởng như không liên quan nhiều tới “gốc rễ” của mình và lại vào thời điểm mà văn hóa đọc và tình trạng in lậu sách đang gây cản trở cho sự phát triển của các nhà sách. Vì sao vậy, thưa ông?
Chính vì Việt Nam chưa có văn hóa đọc, người Việt không chịu đọc sách, trong khi sách quá quan trọng, nên tôi mới nghỉ ở FPT để làm sách. Nếu văn hóa đọc đã tốt rồi, thì chắc chắn mình làm việc khác.
Còn chuyện sách lậu là bình thường, bởi nghèo thì dễ lậu. Mà làm sách lậu tức là ăn cắp. Nhưng bạn đã thấy, từ ngày có Thái Hà Books, từ ngày tôi “to mồm” đến nay, sách lậu đã giảm nhiều đấy.
Vậy thì những năm qua, cùng với sự dẫn dắt của ông, Thái Hà Books đã có được những thành công như thế nào trong việc phát triển một nhà sách có bản quyền?
Quan trọng nhất là, mỗi tháng ra mới thêm gần chục đầu sách có chất lượng, mang tính giáo dục cao. Hàng vạn cuốn sách đã len lỏi vào hàng chục triệu dân Việt Nam, đến với nhiều doanh nhân, sinh viên, nhà lãnh đạo... Hàng trăm buổi nói chuyện về sách, văn hóa đọc cũng đã được tổ chức trên cả nước, với sự tham gia của các doanh nghiệp, trường đại học...
Ý thức về sách bản quyên của bạn đọc đã tăng đáng kể, sau khi các tọa đàm, nói chuyện về sách thật, bản quyền được tổ chức. Và tôi thích nhất là, sau 3 năm cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Ngày hội đọc sách tại Văn Miếu Quốc Tử Giám và nhiều sự kiện khác cùng với nhiều cơ quan, cá nhân có tâm huyết với sách. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 21/4 là Ngày Sách Việt Nam. Thái Hà Books và tôi vui vô cùng!
Ông đã từng nói, làm ở FPT là kinh doanh, còn làm sách là đam mê. Và làm sách không giàu, nhưng rất thú. Điều này thật thú vị, nhưng có một thực tế là, những người đàn ông ở tuổi vẫn “ngang dọc” được như anh, thì họ say mê kinh doanh để kiếm tiền, còn anh thì ngược lại. Có khi nào anh hối tiếc vì điều đó không?
Mỗi người có một sứ mệnh khác nhau. Nếu ai cũng lao vào kiếm tiền, thì ai lo việc phụng sự xã hội? Tôi nghỉ làm ở FPT lập ra Thái Hà Books gần như cùng lúc với Bill Gates nghỉ Microsoft để đi làm từ thiện. Ông ấy còn bỏ đến 95% tài sản ra làm từ thiện cơ mà. Ngay cả nhà đầu tư đại tài Warrent Buffet còn đưa tiền kiếm được nhờ Bill Gates đi làm từ thiện giúp…
Đấy, bạn thấy không, cuối cùng, thì ai cũng sẽ chết, mà chết thì có ai mang theo được gì không?
Khi Thái Hà Books mới thành lập, tôi mở ra phòng đọc sách miễn phí, pha trà, mua kẹo bánh đến để “dụ” bạn đọc, mà không mấy ai đến. Nhưng đấy là trước đây, còn bây giờ, Nhà sách Thái Hà có rất nhiều bạn đọc. Mừng vô cùng.
Hàng ngày, tôi nhận hàng chục bức thư và email, rồi nhắn tin để nhận lời cám ơn về những cuốn sách và những sự kiện về sách và văn hóa đọc. Không gì tuyệt vời hơn.
Nghe ông nói chuyện, có thể cảm nhận rất rõ, ông là người vô cùng mê sách. Hẳn là niềm đam mê đó đã được ấp ủ ngay từ thuở ấu thơ?
Nhắc lại tuổi thơ là nhớ về nghèo. Cả nghèo cả về vật chất lẫn tri thức. Thiếu sách lắm. Đọc ngấu nghiến bất cứ gì tôi có. Cứ đọc, đọc miết rồi mê đọc. Để sau này, đi đâu cũng mang sách theo đọc, ở đâu cũng mua sách. Tôi cũng hay tặng sinh nhật bằng sách. Năm mới thì lì xì cũng bằng sách.
Mê sách như vậy, làm sao ông có thể truyền cảm hứng đọc sách cho thế hệ trẻ, nhất là nhân Ngày Sách Việt Nam?
Nếu ta nhịn ăn, sau vài tuần sẽ chết, nhịn uống 1 tuần thì chết, còn nhịn thở 5 phút thì chết. Chừng nào còn coi đọc như là thở, hay ít nhất là ăn, là uống, thì chúng ta sẽ có khối kiến thức tốt cho mình để sống tốt, sống thiện. Có ai đọc sách nhiều mà sống xấu đâu! Những tỷ phú, triệu phú, những người thành đạt đều đọc rất nhiều, vậy nên cần đọc. Nên luyện cho con trẻ thói quen đọc từ nhỏ.
Người ta lo đói ăn, nhưng nhiều người không nghĩ đến đói tri thức. Ai cũng lo nghèo tiền, nhưng có khi quên nghèo trí tuệ. Tôi mong rằng, chúng ta hãy đọc sách mỗi ngày, chứ không chỉ là nhân Ngày Sách Việt Nam.