Đặng Lê Nguyên Vũ: Kỳ vọng “làn sóng thứ tư”

(ĐTCK) 22 tuổi, nhận ra nghề y không phải là ước mơ của mình, Đặng Lê Nguyên Vũ kiên quyết từ bỏ để bắt đầu - từ con số không với hạt cà phê.
“Khi sáng tạo, hãy chuẩn bị đối mặt với việc mọi người sẽ gọi bạn là kẻ điên rồ” - Larry Ellisons “Khi sáng tạo, hãy chuẩn bị đối mặt với việc mọi người sẽ gọi bạn là kẻ điên rồ” - Larry Ellisons

Hai mươi năm đã trôi qua với biết bao biến động và cột mốc, ngồi lại với bạn trẻ - thế hệ mà anh gọi là “làn sóng doanh nhân thứ tư” từ khi đất nước mở cửa, chắc câu chuyện anh muốn chia sẻ sẽ không chỉ dừng lại ở những nhắn nhủ, rằng hãy đi theo tiếng gọi con tim, hãy đam mê, khát khao vươn xa nữa... Hẳn nó sẽ còn là những trải nghiệm và kỳ vọng khác của một người đàn ông đã bước sang độ chín nhất định trong sự nghiệp của mình.

Cận cảnh người nổi tiếng

Tôi hỏi anh có quan tâm tới những gì truyền thông nhắm vào anh, cả đồng tình và phản đối? Anh chỉ cười: “Ai khen chê anh không quan tâm. Anh biết anh là ai, giá trị anh ở đâu”.

Đặng Lê Nguyên Vũ nói anh cũng đã từng rất buồn khi mình tâm huyết lo lắng cho việc chung nhưng không phải ai cũng hiểu, thậm chí còn hiểu sai. Đúng là, “Nghĩ trời đất vô cùng. Một mình tuôn giọt lệ”, anh trầm tư bảo. Nhưng rồi cũng đành tự an ủi mình, giống như người bác sĩ, mình có tâm chữa bệnh, coi việc “chữa bệnh” là mục tiêu và trách nhiệm, thì dù bệnh nhân cứ khăng khăng họ không có bệnh, anh vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi công việc đó, với cả cuộc đời phía trước.

Lúc đối diện với chúng tôi để tiến hành “cận cảnh” chân dung Đặng Lê Nguyên Vũ, đồng thời là lúc “người nổi tiếng” vừa trải qua một buổi trò chuyện cháy giờ với Alpha Books vào buổi sáng, hai cuộc phỏng vấn với các tờ báo vào đầu giờ chiều và sau buổi phỏng vấn kéo dài hai tiếng của chúng tôi, tôi biết anh chưa kết thúc một ngày. Những tưởng quá nhiều những “không hiểu”, “không cảm thông” của không ít người đã khiến anh “mỏi gối chồn chân”. Những tưởng chúng tôi đã thất bại trong việc tìm lại một cá tính máu lửa “made by Đặng Lê Nguyên Vũ”... Nhưng không, nhắc tới thế hệ trẻ, tức là “khơi” đúng nguồn cảm hứng của anh rồi! Anh hào hứng kể: “Đất nước này từ khi mở cửa đã trải qua ba thế hệ doanh nhân. Anh là làn sóng thứ ba, hy vọng làn sóng thứ tư sẽ tốt hơn. Đây là một thế hệ không dễ lặp lại, không hề, nên nếu để lãng phí, thì thực sự là đáng tiếc”.

Anh muốn các bạn trẻ “ngó nghiêng toàn cầu” để thấy rất nhiều những bài học quý giá ở xung quanh. Israel nói riêng, khối Trung Đông nói chung, họ coi tri thức, học hỏi tìm hiểu là niềm vui sống của họ. Còn mình đi học để làm quan, lấy bằng, rồi để xin được việc và kết thúc, không có nhu cầu gì thêm; nếu như muốn thăng chức thì học - chứ không phải để tìm tòi, khám phá, áp dụng vào kinh doanh. “Kia là học có giới hạn, đây là học cả đời, học tới ‘xuống lỗ’ mới thôi”.

Anh kể đã từng một lúc bay qua Nga, Trung Quốc rồi tới Mông Cổ - đất nước với lịch sử oai hùng của Thành Cát Tư Hãn mà sử sách ghi lại, muốn đi ngựa từ ngoại vi về tới trung tâm phải đi liên tục ba năm mới tới, nhưng bây giờ chỉ còn lại 2,7 triệu dân, sống du mục bên dòng sông heo hút, lạnh giá. Tại sao lại như vậy? Rõ ràng, nền tảng rất quan trọng nhưng nếu nền tảng ấy không được cập nhật và bắt kịp với thời đại thì đào thải là tất yếu. Âu Châu là một ví dụ gần gũi hơn. Nền móng phát triển rực rỡ số một thế giới đang nghiêng về hưởng thụ và thực tại của họ đang quay về thế giới cũ, trong khi Mỹ và các quốc gia khác đang dần vượt qua họ. Khuôn mẫu, giáo điều và tự mãn không bao giờ là những kim chỉ nam tốt. Đó là một bài học cảnh báo.

Và gần gũi hơn, Đặng Lê Nguyên Vũ chính là ví dụ sinh động trước nhất: Trước đây anh không có điều kiện, không có sách vở hoặc ai dẫn dắt. Mẹ anh còn luôn luôn nghĩ sự nghèo khổ đã “đóng đinh” lên số phận mỗi người. Nhưng “gã hoang tưởng” ngày đó đã luôn luôn tự suy ngẫm, thậm chí áp dụng cả chiến tranh nhân dân vào kinh doanh. Rồi sáng tạo, biến đổi cho phù hợp. Từ ngàn năm trước, Đức Phật cũng ngồi dưới cây bồ đề và suy ngẫm rồi tìm ra chân lý đạo Phật. Đừng sách vở, lý thuyết, khi ngoài kia thế giới kinh doanh biến đổi và phức tạp hơn rất nhiều. Và việc đọc sách là kèm theo cả suy ngẫm về nó, chứ không phải sưu tầm hay hời hợt. Nền tảng quan trọng, nhưng tố chất còn quan trọng hơn. Khi tư duy thay đổi là cuộc sống thay đổi. Theo anh, có ba loại tư duy, tư duy tiêu cực, tư duy tích cực và tư duy tự nhiên (tư duy trong vô thức). Nếu muốn thành công, phải từ tư duy tích cực trở lên. Chứ còn ngồi đấy than vãn số trời, ông bà sinh ra thế này thế khác, không có điều kiện, thế này thế kia… thì chắc chắn nó sẽ là như thế thật. Đại diện của “làn sóng thứ ba” nhấn mạnh một lần nữa.

Công thức thành công

Từ trải nghiệm của chính mình, Đặng Lê Nguyên Vũ đúc kết, những nhân vật trong thế giới dù hoạt động trong bất cứ lĩnh vực nào đều có nguyên lý và công thức để thành công, là khát vọng, sự ham muốn, lựa chọn làm đúng nghề, chi tiết trong vấn đề lập kế hoạch, giỏi thuyết phục, giỏi kết nối và khi thất bại, những người đó có thể làm lại. Ý chí của họ có thể vượt lên. Nhiều người nhìn anh đúc tượng hàng chục vĩ nhân, tưởng anh để thờ hay vì sở thích cá nhân. Không! Từ Napoleon, Thành Cát Tư Hãn, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Mao Trạch Đông tới Đặng Tiểu Bình, Beethoven, Gandi, Che Guevera… Hàng ngày anh nghiên cứu, “đối chất” với họ và áp dụng, điều chỉnh cho phù hợp.

Trong số các lãnh tụ quân sự, Napoleon là người Đặng Lê Nguyên Vũ thấy ảnh hưởng tới anh nhiều nhất. Trước nhất là nhìn vào hình thể, mặc dù chiều cao của Napoleon chỉ có 1m60, nhưng ở con người này toát ra cái uy mãnh liệt, trong khi có những người 1m80 “véo tai một cái là run bần bật”. Tại sao như vậy? Nghệ thuật quân sự của ông ấy vô cùng hay, một quân đoàn của Napoleon có thể đánh tan ba quân đoàn đối phương trong hoàn cảnh giáp lá cà. Ra trận lúc nào cũng đi đầu, luôn là người tạo động lực cho quân lính. Lòng gan dạ và nghệ thuật quân sự của ông là vô cùng độc đáo. Nghệ thuật nghi binh, dàn mỏng, tập trung vào những điểm nào then chốt ông đều nắm rất rõ. Napoleon là một vị tướng theo đúng nghĩa của nó. “Nhưng tất nhiên, anh không ‘khoái’ tướng kiểu đó lắm. Anh nghĩ phải hỗn hợp”. Phải đi xa hơn, như những nhà tôn giáo, nhà phát minh, họ ghi dấu ấn trong lịch sử rất lâu. “Thực ra, bản chất những doanh nhân thực sự ‘tầm vóc’ là họ đồng thời là nhà chiến lược, nhà tâm lý, nhà tư tưởng”, ông chủ Trung Nguyên kết luận.

“Về một cuốn sách kim chỉ nam?”. Theo anh, Napoleon Hills để lại cho bạn trẻ một bản đồ dẫn đường khá rõ ràng trong “Nghĩ Giàu Làm Giàu” - quyển sách quy tụ hàng loạt những bài học lớn từ những danh nhân hàng đầu thế giới: Về tầm quan trọng của trí tưởng tượng và tự kỷ ám thị. Đặng Lê Nguyên Vũ không đọc cuốn sách đó để áp dụng, nhưng khi đọc nó, anh nhận ra những gì mình làm trước đây đều gần như thế. Và từ những ví dụ, thực tế trước đây, anh rút ra được công thức: “Phải sáng tạo, tưởng tượng và hình dung ra cái mình muốn một cách rõ ràng. Và tập trung vào nó”. Sự khác biệt hay sáng tạo tất nhiên sẽ kéo theo những đám đông dư luận khen chê, nhưng phải tỉnh táo trước nó.

Vậy để kết thúc cuộc trò chuyện này, anh có nhắn nhủ gì với các bạn trẻ không, tôi hỏi.

“Không. Anh không có nhắn nhủ nào cả. Anh chỉ làm những việc cần thiết và anh sẽ dành cả đời để làm việc đó. Cuối cùng, Đặng Lê Nguyên Vũ chỉ là một ví dụ trong những nguyên lý thành công mà thôi. Điều quan trọng là chính thế hệ trẻ tự áp dụng và tìm ra công thức thành công phù hợp nhất cho riêng họ như thế nào từ những nguyên lý đó? Rồi lên đường. Thì bắt đầu từ hạt gạo, từ que tăm hay đôi dép cao su cũng có thể vươn ra toàn cầu”.

2013, trong khi không ít “tượng đài” DN điển hình đã hoàn toàn biến mất khi chưa kịp ghi dấu “Made in Vietnam” trên bản đồ thế giới và nhiều “đầu tàu kinh tế” của đất nước không những đã “chìm xuồng” mà còn để lại biết bao hậu quả, thì Trung Nguyên và Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn lầm lũi mở rộng thêm nhiều Không gian Sáng tạo trong chuỗi Trung Nguyên trên toàn Việt Nam. Vẫn đưa ra thị trường thêm nhiều sản phẩm cà phê sáng tạo mới, tiếp tục chiến lược thâm nhập thị trường Hoa Kỳ và không quên đầu tư thêm nguồn lực cho những dự án nhắm tới “làn sóng thứ tư” của đất nước. Những người nói anh là “thằng khùng” trước kia đã không còn nhìn anh là một người viển vông hay “vĩ cuồng” nữa. Nhưng còn những người đang hoài nghi về con đường chinh phục thị trường Hoa Kỳ cũng như học thuyết cà phê toàn cầu mà anh đang thảo ra hiện tại?

Câu trả lời tốt nhất, tôi nghĩ sẽ là thời gian…

Đến tận lúc chia tay, tôi mới nhận ra, dường như càng biết nhiều về anh, tôi càng hiểu ít đi về “vua cà phê Việt”… Nhưng không hiểu sao buổi gặp gỡ ấy cứ kéo tôi nhớ đến câu trả lời của Tổng thống Nga V. Putin dành cho phóng viên Tạp chí Times khi ông trở thành Nhân vật của năm 2007 (dù so sánh đâu đó sẽ không tránh khỏi khập khiễng):

“Chỉ có những kẻ ngốc mới may mắn. Chúng tôi làm việc suốt cả ngày lẫn đêm”.

Đàm Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục