Trương Gia Bình: “Trên đường tìm con chim xanh”

(ĐTCK) “Rốt cuộc, Con chim xanh cũng vỗ cánh bay đi. Nhưng các bạn trẻ của chúng ta đã hiểu rằng hạnh phúc chỉ nằm trong tầm tay với nếu chúng ta biết trân quý những điều tầm thường và giản dị trong cuộc sống”. (Con chim xanh - Georgette Leblanc).
Trương Gia Bình: “Trên đường tìm con chim xanh”

Trong câu hỏi về hạnh phúc, PGS.TS Trương Gia Bình nói với tôi: Với anh, hạnh phúc cũng giống như câu chuyện của nữ nhà văn Pháp nọ, nó không hẳn là “con chim xanh”, mà là những trải nghiệm trên con đường tìm kiếm. Và tôi biết, một phần tư thế kỷ vừa qua, những “tìm kiếm” không mệt mỏi của anh đã “kiến tạo” nên một trong những câu chuyện hay nhất về “giấc mơ” của người Việt.

Điểm đặc biệt là sức lan tỏa của giấc mơ ấy lại nằm ở chỗ, nó giản dị, nhưng thấm thía. Từ anh, ta học được những bài học về ước mơ, tình yêu cuộc sống và công việc ta làm; bài học về ý chí và cách ta lựa chọn thái độ sống trước thời cuộc… Những bài học có thể khiến chúng ta, sau những bế tắc và “loanh quanh” thường nhật, sẽ lại thấy tin, thấy yêu và không thôi hy vọng về những “màu xanh”.

Cũng như, về những con đường…

Chỉ cần không từ bỏ

Như GS. Nguyễn Văn Đạo, Nguyên Tổng thư ký Viện Khoa học Việt Nam đã từng nói: “Tôi không muốn nói về hiệu quả kinh tế mà FPT đã đạt tới từ hai bàn tay trắng, trong cuộc chiến giành giật quyết liệt trên thương trường, bởi vì mọi người đều đã rõ. Điều gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi chính là lớp cán bộ trẻ, giỏi, rất năng động luôn luôn ấp ủ trong mình những ước mơ lớn của FPT, những con người đã được sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh, được rèn luyện trong các nhà trường của chế độ ta. Họ có những suy nghĩ, việc làm đáng nể trọng. Những bài học về họ tôi tin rằng rất bổ ích cho thanh niên ta trong lúc này”.

Sau cuộc phỏng vấn với Trương Gia Bình đã lâu, điều đọng lại nhiều nhất trong tôi vẫn chính là những tâm sự của anh về những con đường, về người trẻ và những ước mơ.

Hẳn nhiều người sẽ nói, đọc câu chuyện về Trương Gia Bình, giống như đọc câu chuyện về FPT. Nhưng có một điều đơn giản hơn ở đây, một điều tưởng như cũ, nhưng dường như lúc nào cũng luôn đúng: Với PGS.TS Trương Gia Bình, “FPT chính là câu chuyện lớn nhất của cuộc đời anh!”.

Nhưng chúng tôi, với tâm thế của những người trẻ đi tìm lời giải cho cả những câu hỏi “Tại sao?”, lẫn những câu hỏi “Ai?”, “Cái gì?”… còn mong muốn bên cạnh việc được lắng nghe câu chuyện của anh, còn được nghe anh gửi gắm với thế hệ mình. Nói đến chuyện đó, giọng anh đột nhiên chùng xuống và thoáng buồn. Anh bảo, ở đất nước mình, người trẻ từ bé đã được gieo vào đầu tư tưởng không cần làm gì cả, phấn đấu gì cả, “cởi truồng” nằm dưới sông cũng gặp công chúa.

Với PGS.TS Trương Gia Bình, rõ ràng, không thể trở nên giàu có hay “gặp được công chúa” mà không chịu khó học tập, làm việc chăm chỉ. Ngay cả những tấm gương như Steve Jobs và Bill Gates, để có được thành công như ngày hôm nay, họ cũng đã phải bỏ ra không ít năm tháng lao động cật lực và khổ luyện. Vẫn là những điều giản đơn, nhưng chưa biết đánh đàn đã đòi đánh hay như NSND Đặng Thái Sơn, theo anh, thực quả vô lý lắm!

Điều quan trọng hơn, anh bảo, bạn trẻ phải biết sống thành thật với ước mơ lẫn bản thân mình. Dù có thể ước mơ đó khác biệt, nhưng chúng luôn quý giá và rất nên được gìn giữ, vì ước mơ là đại diện của tuổi trẻ.

“Tôn chỉ của Tập đoàn ngay từ những ngày đầu thành lập là: FPT muốn trở thành một tổ chức kiểu mới… Tại sao phải mới? - Mới là do bế tắc, không có đường nên phải cố gắng khác đi mà thôi.” PGS.TS Trương Gia Bình cũng mong bạn trẻ có thể hiểu rằng: Chính sự khác biệt, sự sáng tạo liên tục mới là điều kiện để tồn tại. Và trong cuộc chơi, cái TÔI chính là điểm cốt lõi tạo nên cuộc chơi ấy.

Trong tương quan với quốc tế hiện tại và câu chuyện về cơ hội cho bạn trẻ, PGS.TS Trương Gia Bình cũng cho rằng, đất nước Việt Nam hiện tại có cơ hội lớn hơn các nước khác, bởi mức cạnh tranh ở các nước khác đang rất cao.

Ở Việt Nam có thể mở cửa hàng trong khi ở nước khác không dễ mở được: Làm bất cứ ngành nghề gì cũng phải có giấy phép, có bằng cấp, ví như cắt tóc cũng phải có bằng, phải đi thi. Dù những thăng trầm của nền kinh tế là khó tránh khỏi, nhưng lúc nào cũng luôn tồn tại cơ hội.

Anh hóm hỉnh: “Ngày anh làm FPT chỉ có một vài công ty tin học, bây giờ có hàng trăm, hàng ngàn công ty. Giới trẻ bây giờ là sướng lắm đấy! Hoàn cảnh hiện tại của các bạn trẻ bây giờ là một trong những giấc mộng của các anh ngày xưa: Sách gì cũng có, trò chơi cao cấp nào cũng có… Ngày xưa các anh học máy tính “cực một cách vô tội vạ”: Viết lập trình bằng Code gốc, chuyển cộng từ ô này sang ô này, phép cộng phải viết thành lệnh, viết xong rồi nhờ ai đó đánh máy… Thủ công vô cùng!”.

Về những bạn trẻ có chí hướng, vị chủ tịch FPT đặt niềm tin tuyệt đối, rằng bao giờ, ở đâu cũng có những bạn đó, và các bạn đang có cơ hội tuyệt vời để bay.

Khi cuộc trò chuyện gần đi tới cuối, trong những trao đổi về thế hệ trẻ và tương lai quốc gia, Trương Gia Bình đưa tay lên đầu vò trán: “Một dân tộc từng đánh thắng Mỹ, dân số đứng 13 trên thế giới mà bây giờ lại trôi trong những thứ không tên như vậy sao? Có bao chuyện bê bối như vậy, mình chìm đắm và để bê bối cuốn mình theo sao?”.

Bởi theo Chủ tịch FPT, trong chính giai đoạn khủng hoảng này, nếu để ý và chịu khó nhìn khác đi, thì đây chính là cơ hội để sàng lọc những “giá trị bong bóng” và giữ lại những giá trị thật sự. Không có công thức chung nào hoàn toàn đúng trong thành công của mỗi người: Cách đây khoảng vài năm, các bạn sinh viên đổ xô theo học tài chính ngân hàng, ngân hàng cũng ào ạt tuyển người vào làm. Bây giờ, kinh tế đi xuống, không chỉ ngân hàng, nhiều ngành khác cũng đang thực hiện hàng loạt biện pháp cắt giảm nhân sự. Cho nên, cách tốt nhất là sống thật, và hết mình với con người thật của mình. Bởi có không ít những con đường hay trên thế gian này cho các bạn trẻ lựa chọn. “Chỉ cần em không từ bỏ. Mà luôn giữ vững tinh thần và ham mê sống.”,  anh Sáu (biệt danh của Trương Gia Bình ở FPT - TG) quả quyết.

Cho đi và nhận lại

“Cũng có người bảo ở FPT, Trương Gia Bình là nhân vật thường chỉ ‘tỏa sáng’ lúc khó khăn?”, tôi hỏi. Anh trầm ngâm nhìn chúng tôi và mỉm cười: Đối với anh, trong điều kiện công ty hoạt động ổn định, anh hoàn toàn muốn mọi người có cơ hội tự do phát triển. Nhiệm vụ của người đứng đầu, không hẳn là “tỏa sáng” trong lúc công ty tự nó đã “tỏa sáng”, mà chính là ở chỗ biết đứng ra giải quyết trong lúc khó khăn. Thậm chí, ở FPT, chuyện mọi người góp ý “anh Sáu” là điều bình thường. Bởi anh quan niệm, những góp ý khách quan chỉ có thể là điều kiện giúp anh hoàn thiện tốt hơn. Cũng không né tránh việc thừa nhận đầu tư đa ngành là một bài học lớn, nhưng đối với PGS.TS Trương Gia Bình, điều đó không quá quan trọng, khi FPT bao gồm rất nhiều người, và FPT chắc chắn sẽ còn tiến lên, dẫu một ngày có thể anh không còn là “số 1” tại đây nữa.

Ít nhất, khi “nghỉ hưu” tại FPT, Trương Gia Bình sẽ quay về làm một thầy giáo tại Đại học FPT, tiếp tục chở những “giấc mơ” của mình đi cùng với bạn trẻ!

Chúng tôi đem tiếp những tò mò ra hỏi anh: “Vậy điều gì khiến anh đồng ý “đối thoại” với giới trẻ trong khi tâm lý chung mọi người thường né tránh việc cho đi những kinh nghiệm quý giá của bản thân?” Nụ cười tỏa sáng gương mặt “anh Sáu” khi nhắc tới câu chuyện “cho và nhận”: “Em có biết bí quyết kinh doanh của FPT là gì không? Là ‘đem cho’. Muốn đất nước hùng mạnh thì phải có người đóng góp. Trong Thiền cũng vậy, khi mình cho đi, khi mình ‘empty’ tức là rỗng thì mới có thể thu nạp cái mới.” Anh vừa nói vừa đốt thuốc, cái vẻ sảng khoái hiện rõ trên thần thái nhân vật đứng trước mặt chúng tôi. PGS.TS Trương Gia Bình sắp bước vào độ tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” - độ tuổi mà theo người xưa là đã đạt tới mức độ hiểu thấu mọi lẽ. Nhưng sao chúng tôi vẫn thấy ở anh lấp lánh một tinh thần trẻ trung lạ lùng, vẫn cứ say sưa trước tuổi trẻ và những điều mới mẻ? Phải chăng giống như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc -“ông già vui tính” với nhiều tác phẩm hài hước đã viết: “Không có cái gọi là già, bởi vì khi 20 - 30 người ta còn quá trẻ, 30 - 40 đang trẻ, 40 - 50 hãy còn trẻ, 50 - 60 trẻ không ngờ, 60 - 70 trẻ lạ lùng và trên 70 là… trẻ vĩnh viễn.” Và chúng tôi mạo muội tin rằng, dù thời gian trôi đi, nếu vẫn còn cái tinh thần ấy, PGS.TS Trương Gia Bình cũng vẫn cứ là… trẻ vĩnh viễn.

58 tuổi đời, 26 tuổi nghề cùng FPT, người đàn ông đứng trước mặt chúng tôi là sự pha trộn “đặc biệt” giữa một nhà khoa học và một nhà kinh doanh, một người anh hay cũng là một người bạn cởi mở, ham thích hội hè giao lưu, nhưng cũng là một người thầy vô cùng tận tâm và ưu ái giới trẻ. Anh không thích nói về mình, nhưng từ anh tỏa ra một điều gì đó hết sức lôi cuốn khiến người đối diện tò mò…

Sẽ có những độc giả hoài nghi về tương lai, làm sao hai tiếng Việt Nam có thể cất cánh được, làm sao hành trang chỉ là những kiến thức phổ thông hoặc tấm bằng đại học thôi có thể là chiếc chìa khóa thần kỳ mở ra những chân trời mới? Thì hy vọng câu chuyện về một nhà khoa học bỏ ngang đi làm kinh doanh, rồi giờ đây giữa lúc công việc đang độ bộn bề nhất, anh vẫn không chịu nghỉ ngơi mà còn kiêm nhiệm thêm vai trò của một người thầy tại khoa Quản trị Kinh doanh - Đại học Quốc Gia Hà Nội và chính tại FSB -Viện Quản trị Kinh doanh FPT, lặng lẽ chở những “con thuyền mơ ước” tới nhiều hơn nữa với các bạn trẻ… sẽ đọng lại trong mỗi người một ý nghĩa nào đó. Để ta biết tự tin hơn vào cái gốc Việt Nam của mình, tự tin hơn vào tài sản con người của mình, rằng bằng ý chí, niềm tin, ta có thể làm được!

PV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục