Giữa cái không gian chật người, vây quanh bởi những đôi bạn trẻ đang hẹn hò trong quán cà phê thuộc khuôn viên Đảo hồ Thuyền Quang (Hà Nội), chị bảo: “Giờ ai làm gì thì mặc, ai nói gì không quan tâm. Tham vọng trong tôi vẫn còn nguyên vẹn nhưng có vẻ ý đồ hưởng thụ bắt đầu lớn lên. Qua rồi cái thời muốn đủ thứ, tôi muốn trở về với chính mình, sống chậm hơn để viết cái gì là phải vượt qua chính mình”.
Quá trình toàn cầu hóa rất mạnh mẽ, không thể tự coi mình là ốc đảo
Thật khó hình dung một cô gái như chị lại đi vào con đường trinh thám kinh dị. Lý do vì sao chị rẽ vào con đường này?
Tôi thích đọc sách giả tưởng và mang nhiều nỗi ám ảnh về cuộc sống đầy rủi ro, bất trắc của con người đương đại nên tôi phải lột tả trong các tác phẩm. Tôi cho rằng, văn học trinh thám chỉ phát triển khi nền kinh tế đạt đỉnh cao. Bởi kinh tế càng phát triển thì những loại tội phạm tinh vi mới tăng theo.
Quan điểm đó của chị phải chăng là sự đánh đổi để có một Việt Nam hội nhập và phát triển?
Quá trình toàn cầu hóa rất mạnh mẽ, không thể tự coi mình là ốc đảo. Việc xảy ra bên Mỹ hay châu Phi... đều ảnh hưởng đến vận mệnh từng người dân và ngược lại. Giống như nhiều nước châu Á khác, chúng ta bị sự xâm lấn rất mạnh mẽ của văn hóa phương Tây mà nếu không cẩn thận thì văn hóa chúng ta bị nuốt mất.
Văn hóa phương Tây có nhiều ưu điểm, nhất là sức ảnh hưởng từ sự sáng tạo trên lĩnh vực nghệ thuật, văn học, âm nhạc, hội họa, kiến trúc. Nếu không tiếp thu những cái tốt đẹp đó thì Việt Nam khó tiến xa. Ngoài ra, nét đẹp xã giao của người phương Tây cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội Việt Nam.
Nhưng nguy hiểm là cái nếp sống văn minh - một trong những sản phẩm tuyệt vời nhất của người phương Tây thì mình không học được. Cách ứng xử theo kiểu man ri mọi rợ của người Việt như hiện tượng hôi bia vừa rồi cho thấy rõ điều đó.
Nguyên nhân của việc này như thế nào?
Cái này có tính lịch sử văn hóa, giáo dục của người Việt. Chỉ nói riêng cái việc hôi của, tôi cho rằng, người Việt Nam có tính tham lam chủ nghĩa, khó cải thiện được. Có người bảo do học thức kém, văn minh kém hay nghèo thành ra hèn, nhưng không phải vậy. Bởi rất nhiều du học sinh sang nước ngoài học tiến sĩ, sắp trở thành những nhà khoa học, tri thức đầy mình, nhưng không tiếp thu được văn minh của họ, giữ nguyên tính tùy tiện của người Việt, họ có thể bắt chim bồ câu ngoài đường, ăn sạch cá ngoài hồ công viên.
Cũng không phải nghèo thì hèn, mà có người rất giàu. Bằng chứng, tỷ lệ tham nhũng của Việt Nam đứng 160/170 trên thế giới. Nhiều người là quan chức không nghèo, nhưng lại lấy quỹ của người nghèo.
Rõ ràng, phê phán thì dễ nhưng văn học phải có cách nào đó để làm sáng lên vẻ đẹp nhân văn con người?
Văn học vẫn phải hướng đến giá trị chân thiện mỹ. Thế nhưng, hiện nay văn hóa đọc xuống cấp trầm trọng, nên bán 3.000-5000 bản mỗi tác phẩm đã bán cực chạy. Người tri thức mới mua sách về đọc, mà những người như vậy thì không cần đến văn học người ta cũng có ý thức sẵn rồi. Trong khi những người cần giáo dục về ý thức thì họ làm ngơ.
Văn minh được cộng lại từ hàng trăm hành vi nhỏ của con người và một đứa trẻ được giáo dục một cách kỹ lưỡng lớn lên sẽ trở thành một người văn minh.
Theo chị, điều gì làm nên một hình ảnh Việt Nam trong thời hội nhập, chiều sâu văn hóa người Việt?
Trong bất kỳ tình huống nào, ở đâu thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Hình ảnh người Việt trong mắt bạn bè quốc tế chưa được tốt lắm. Tôi mới viết cuốn sách về PR, trong đó đề cập đến PR quốc gia. Việt Nam cứ đi tìm đại sứ du lịch, đi hội chợ nọ kia nhưng đó chỉ là hình thức, còn cái gốc không có. Giống như tác phẩm không tốt mà suốt ngày cứ đi lo quảng cáo.
Sống trong thời đại bây giờ, những yếu tố nào sẽ góp phần tạo nên thế giới quan, trí tưởng tượng, tính dân tộc của nhà văn?
Chất liệu cho nhà văn vẫn là đọc, đi và tìm hiểu nhiều. Nhà văn giờ vẫn đi nhiều nhưng có người đi 5 ngày thì 4 ngày ngồi bàn nhậu. Tôi nể nhà văn Lê Lan Anh, chỉ để viết một cuốn sách về chiến tranh Việt Nam có bối cảnh và nhân vật ở Mỹ mà bà sang đó học 6 năm và hoàn thành cuốn “Ở đất kẻ thù”. Tất nhiên không phải ai cũng có điều kiện như thế, nhưng tôi muốn nói đến thái độ và trách nhiệm của nhà văn với xã hội. Có những nhà văn, họ có sẵn tư liệu trong đầu và cuộc đời có đủ trải nghiệm tạo thành lợi thế, nhưng khi họ ăn hết phần đó rồi mà không có đầu vào tiếp thì họ sẽ không còn đầu ra.
Tôi đang “om” cuốn tiểu thuyết trinh thám thời chiến tranh viết về sự có mặt của quân Park Chung Hee nhưng phải tìm hiểu và kết nối với một cô gái người Hàn Quốc, từng làm luận văn về vụ thảm sát đó.
Cũng là một người đứng lớp, vậy theo chị những trở ngại đang ngự trị trong suy nghĩ của thanh niên Việt Nam để thực hiện khát vọng lớn của dân tộc là gì?
Họ có tính thụ động rất lớn, sáng tạo kém, sức ỳ cao. Cái này vẫn nằm ở cái gốc văn hóa và giáo dục thôi. Bản thân người phương Đông đã là văn hóa thụ động, không bao giờ dám nghĩ ngược lại vì sợ bất bình thường, không chịu nổi sự chế giễu của thiên hạ.
Nhưng điều nguy hiểm hơn là họ rất hay so sánh. Thấy bạn cùng lứa, những người đi trước mình giàu có, nổi tiếng, thành đạt nhanh chóng, nên họ muốn như thế trong khi sức ỳ lớn. Sự so sánh này dễ sinh ra chán nản, thất vọng, càng dễ buông xuôi.
Tôi đã trải qua thời kỳ này, có thể tôi không chịu sức ép như vậy trong thời gian dài nên co cụm lại, nhưng nó không ngăn cản tôi lớn lên trong sự suy nghĩ ngược trên mọi phương diện.
Sống được bằng nghề viết là sang trọng nhất
Nhiều nhà văn cùng lứa với chị cho rằng, cách chị thể hiện quan điểm trong các tác phẩm hơi cũ nhưng người đọc vẫn thích. Bí quyết của chị là gì?
Tôi ưa lối văn chương có cốt truyện, cái này cổ và có thể người ta cho thế là chưa “tân hình thức” chăng. Văn chương mà để người đọc không hiểu gì thì không còn bản chất phục vụ cộng đồng.
Cũng giống như nhạc Trịnh Công Sơn, người bình dân tìm thấy ở đó một giai điệu dễ nghe, người tri thức tìm thấy một triết lý sâu xa và dân nhà nghề tìm ở đó một phong cách hoàn toàn khác nhạc sĩ khác.
Nghệ thuật trong tôi giống như hành lang nhiều cánh cửa và mỗi một người có quyền mở một cánh cửa chứ không làm cánh cửa sâu tít chỉ để cho một người mở. Triết lý không nằm ở sự khó hiểu nên bí quyết của tôi vẫn làm theo cách truyền thống nhưng tư duy ngược lại người khác.
Chị từng nói, hành tung của chị nhuốm màu trinh thám nhưng có nhiều cuốn sách lại đậm chất hài hước, tình cảm lãng mạn… Chị nói sao về điều này?
Trong các phim hành động của Mỹ có rất nhiều chi tiết hài hước, lãng mạn để làm mềm câu chuyện. Tôi nắm bắt mọi cơ hội cho mình, vì truyện trinh thám ở Việt Nam không có ai viết, trong khi chất hài hước là thế mạnh của tôi. Hơn nữa, nếu tự đi mãi một kiểu thì chán chính mình.
Điểm chung giữa những thể loại đó là gì?
Tư duy logic, rành mạch. Văn chương lúc nào cũng nhắc đến cảm xúc nhưng cái này không giải quyết vấn đề gì vì ai cũng có cảm xúc. Tôi học 5 ngoại ngữ nên có lợi thế về xử lý tư duy ngôn ngữ.
Một người đa tài như chị, có nên quyết định sống chết bằng nghề viết?
Tôi vẫn cho rằng, sống được bằng nghề viết là sang trọng nhất, đáng tự hào và hạnh phúc nhất. Tôi không phải người bất tài, nhưng khi tôi cầm 50 triệu đồng từ nghề khác không sướng bằng cầm 50 triệu đồng từ nhuận bút hay một cuốn sách. Đến giờ khi đã ra nhiều sách, tôi vẫn không ngừng tham vọng để viết những cuốn sách hay, để sống bằng nghề viết chứ không mơ giàu có. Bởi trên thế giới này giàu có bằng nghề viết chỉ có vài người.
Chỉ trong vòng 6 năm, chị đã xuất bản tới 23 đầu sách. Chị có sợ mình trở thành ngôi sao sáng rồi vụt tắt?
Sách của tôi vẫn được các nhà xuất bản săn đón. Sách bán chạy đồng nghĩa với việc độc giả đón nhận, thôi thúc tôi sáng tác. Tôi tuyên bố thẳng là đến chừng nào sách không bán được nữa thì ngừng viết vì độc giả đã bỏ rơi mình. Mình cũng cạn khả năng sáng tạo thì không cố mà nên nhường chiếu đó cho người khác.
Chị lên kế hoạch cho năm tuổi của mình như thế nào rồi?
Tôi sẽ phải hoàn thành cuốn tiểu thuyết thứ hai, bỏ bẵng 5 năm rồi. Tôi quyết định quay lại hoàn thành cuốn tiểu thuyết này một phần vì truyện ngắn đã hết vốn, và mấy tập truyện viết gần đây bán chậm so với các cuốn khác, thấy cụt hứng luôn, không có ý tưởng viết.
Nhắc đến chị là hình ảnh về một Di Li rất cá tính. Chị biết mình cá tính ở điểm gì không?
Quan điểm về cá tính của tôi cũng khác người. Cá tính hoàn toàn không phải là cách ăn mặc phải hầm hố, cách ứng xử phải nói thẳng, bỗ bã, chua ngoa phản ứng lại người xung quanh. Tôi là người ít khi phản ứng với người xung quanh, thậm chí nhiều người gọi mình là ba phải. Với tôi, cá tính chỉ là cái mình dám nghĩ dám làm, có quan điểm không giống người xung quanh.
Chọn cách kín đáo, bí mật trong đời sống riêng tư và những gì mà chị nói ra với truyền thông thì người thân, bạn bè của chị cũng chỉ biết có ngần ấy. Phải chăng đó là cách PR bản thân khéo léo?
Sự kín đáo cũng là một cá tính. Ai cũng tò mò cách tôi PR bản thân. Tôi có quan điểm thà ít người biết đến mình mà họ quý mình còn hơn là nhiều người biết đến mình mà họ ghét mình. Nhiều người biết mà ghét mình đó không phải là PR mà là quảng cáo. PR phải là người biết giữ mối quan hệ tốt với người xung quanh, với công chúng. Tôi đã mất nhiều công sức để gìn giữ suốt 6 năm qua, từ khi dấn thân vào con đường viết lách.
DiLi tên thật là Nguyễn Diệu Linh. Sinh năm 1978 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội). Từ năm 2000 đến nay là giảng viên tiếng Anh, Trường cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội. Tác phẩm chính đã xuất bản: Trại Hoa Đỏ (tiểu thuyết trinh thám - kinh dị), Đảo thiên đường (bút kí ), Cocktail thị thành (tản văn), sáu tập truyện ngắn - Điệu Valse địa ngục, 7 ngày trên sa mạc, Đôi khi tình yêu vẫn hay đi lạc đường, Tầng thứ nhất, Tháp Babel trên đỉnh thác ánh trăng, Chiếc gương đồng. Năm 2012 DiLi, ra mắt độc giả tập chân dung văn học Chuyện làng văn. Giải thưởng văn học: Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn (2005-2006) Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Giải thưởng Văn học Bộ Công an (2005- 2010) về đề tài “Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống” với tiểu thuyết Trại Hoa Đỏ. |