Vận tải đường biển nội địa phải bằng tàu Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng vừa báo cáo Quốc hội việc xây dựng Bộ luật Hàng hải (sửa đổi), trong đó có quy định quyền vận tải nội địa để bảo hộ quyền vận tải của đội tàu thuộc doanh nghiệp trong nước.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Điều 7, Bộ luật Hàng hải hiện hành chỉ quy định tàu biển Việt Nam được ưu tiên vận tải nội địa với hàng hóa, hành khách và hành lý.

Tuy nhiên, dự thảo Bộ luật mới đã quy định chặt chẽ hơn: “Hàng hóa, hành khách và hành lý vận chuyển nội địa bằng đường biển phải được chuyên chở bằng tàu biển Việt Nam, thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam...”.

Nếu đội tàu trong nước không thực hiện được thì tàu nước ngoài mới được tham gia vận tải với những trường hợp cụ thể.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, quy định này đều được các nước trên thế giới áp dụng.

Để đội tàu trong nước làm tốt vận tải đường biển nội địa, tạo điều kiện đột phá để ngành hàng hải cả nước phát triển, Bộ Giao thông vận tải bổ sung nội dung về chính sách xã hội hóa trong đầu tư xây dựng và khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải; chính sách ưu tiên phát triển đội tàu vận tải biển thông qua chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất; ưu tiên phát triển đội ngũ thuyền viên đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế...

Thẩm tra dự án Bộ luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết Ủy ban tán thành với quy định vận chuyển nội địa bằng đường biển phải được chuyên chở bằng tàu biển Việt Nam, nhằm bảo vệ quyền vận tải nội địa của doanh nghiệp trong nước, góp phần quan trọng phát triển đội tàu biển Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng cần có biện pháp quản lý Nhà nước chặt chẽ để tránh dẫn đến độc quyền, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng dịch vụ vận chuyển nội địa bằng đường biển.

Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với việc bổ sung một số chính sách phát triển hàng hải như Bộ Giao thông vận tải đề xuất, đồng thời cho rằng các chính sách phát triển hàng hải cần có sự đồng bộ.

“Chẳng hạn về nguồn nhân lực, cần có chính sách từ khâu đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ đối với thuyền viên nhằm tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới 'xuất khẩu' đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành hàng hải, khắc phục sự yếu kém dẫn đến thua thiệt của các doanh nghiệp Việt Nam trong tranh chấp quốc tế về hàng hải”, ông Lý nói.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực hàng hải theo hướng những việc nào không thực sự cần thiết phải có sự tham gia của Nhà nước thì nên giao cho các thành phần kinh tế khác thực hiện, nhằm phát huy, khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, về nhân lực của xã hội… đầu tư vào lĩnh vực hàng hải.

Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý để đưa hoạt động này đi vào nề nếp; tránh đầu tư tràn lan gây lãng phí nguồn lực của đất nước; ban hành đầy đủ các văn bản quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn về hạ tầng kỹ thuật hàng hải, thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động hàng hải, đáp ứng quá trình hội nhập nhằm thúc đẩy ngành hàng hải phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về biển của nước ta.

Theo Chinhphu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục