Vấn đề trái phiếu doanh nghiệp của các nền kinh tế mới nổi đang khiến giới đầu tư lo lắng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong lịch sử, lãi suất cao của Mỹ và đồng đô la tăng vọt đã gây ra sự bất ổn tài chính trên khắp các nền kinh tế đang phát triển.
Vấn đề trái phiếu doanh nghiệp của các nền kinh tế mới nổi đang khiến giới đầu tư lo lắng

Kể từ tháng 9, kế hoạch cắt giảm thuế ở Anh đã ảnh hưởng xấu đáng kể tới thị trường tài chính nước này và gây nên làn sóng bán tháo mạnh mẽ, trong đó các quỹ hưu trí lớn của nước này đặc biệt chịu ảnh hưởng. Và hiện các nhà đầu tư đã tìm kiếm những lỗ hổng khác có thể khiến thị trường tài chính toàn cầu đổ vỡ.

Các nền kinh tế mới nổi là ứng cử viên hàng đầu. Trong lịch sử, lãi suất cao của Mỹ và đồng đô la tăng vọt đã gây ra sự bất ổn tài chính trên khắp các nền kinh tế đang phát triển. Một số nơi không may mắn bao gồm Argentina và Sri Lanka, đã rơi vào khủng hoảng lần này, nhưng nhiều chính phủ ở các thị trường mới nổi có dự trữ ngoại hối nhiều hơn và nợ bằng đô la ít hơn trước, và do đó có vẻ vững chắc hơn nhiều so với một thập kỷ trước.

Nhưng các công ty lớn ở các quốc gia này là một câu chuyện khác. Nợ do các công ty lớn phát hành đã tăng không ngừng kể từ đầu thiên niên kỷ này, từ mức chỉ hơn 60% GDP của các thị trường mới nổi vào năm 2000 lên hơn 90% trước đại dịch Covid-19. Khoản vay sau đó đã tăng thêm 10% chỉ riêng trong năm 2020. Phần lớn số tiền này vay từ thị trường nước ngoài.

Mặc dù các chính phủ ở các nền kinh tế mới nổi đã bắt đầu vay bằng đồng nội tệ sau những cuộc khủng hoảng tài chính vào những năm 1990, nợ của các công ty vẫn chủ yếu bằng ngoại tệ, điều này có nghĩa là sự mất giá của đồng nội tệ dẫn đến sự suy giảm trong bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp.

Theo JPMorgan Chase, tỷ lệ vỡ nợ đối với các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất cao ở các thị trường mới nổi đã tăng lên 11,4% trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức 1,7% được ghi nhận vào năm 2019 và mức trung bình dài hạn là 3,7%. Lãi suất cao hơn và đồng đô la đắt đỏ chỉ là một phần nguyên nhân.

Nguyên nhân của những vấn đề này chủ yếu bị ảnh hưởng bởi những khó khăn của thị trường bất động sản Trung Quốc khiến tỷ lệ vỡ nợ trong lĩnh vực này ở mức hai con số trong hai năm liên tiếp, cũng như ở Nga và Ukraine. Các công ty Nga dự kiến ​​sẽ vỡ nợ với khoản nợ trị giá 28 tỷ USD vào năm 2023. Tuy nhiên, JPMorgan cho rằng phần lớn thị trường đã phản ánh điều này vì vậy việc vỡ nợ khó có thể gây ra một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn.

Lãi suất tăng và tăng trưởng kinh tế chậm lại đã gây thiệt hại cho thị trường bất động sản trên khắp thế giới, và điều này hiện đang gây khó khăn cho các công ty bên ngoài cũng như bên trong Trung Quốc. Vào cuối tháng 9, một vụ vỡ nợ đối với khoản trái phiếu ngắn hạn do nhà phát triển công viên giải trí Legoland của Hàn Quốc phát hành đã khiến thị trường trái phiếu ở Hàn Quốc rơi vào tình trạng hỗn loạn. Lợi suất trái phiếu ngắn hạn đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009. Vào cuối tháng 10, chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ mua lại khoảng 35 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp để ổn định thị trường.

Tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp lợi suất cao của các khu vực

Tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp lợi suất cao của các khu vực

Trong những tuần gần đây, những rắc rối về thị trường trái phiếu cũng đã xuất hiện ở các nền kinh tế châu Á mới nổi khác.

Tình trạng suy giảm thanh khoản đã diễn ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam sau nỗ lực của các cơ quan chức năng nhằm kiểm soát thị trường bất động sản trong nước. Khi giá cổ phiếu và trái phiếu của các công ty bất động sản sụt giảm, ngân hàng trung ương đang cân nhắc can thiệp để giữ cho thị trường hoạt động ổn định.

Các công ty bất động sản Indonesia cũng gặp khó khăn tương tự. Giá trái phiếu của một số công ty lớn đã giảm xuống mức khủng khiếp trong bối cảnh hạ xếp hạng tín dụng và lo ngại rằng rủi ro vỡ nợ đang gia tăng.

Tình trạng bất ổn tài chính lan rộng này đang gợi nhớ đến những cơn hoảng loạn trong quá khứ, bao gồm cuộc khủng hoảng tàn khốc đã tàn phá các nền kinh tế châu Á vào năm 1997 và 1998. Tuy nhiên, có những lý do chính đáng để kỳ vọng rằng rắc rối lần này sẽ được kiềm chế. Lãi suất tăng đã ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, nhưng hầu hết các công ty lớn đều trả lãi suất cố định đối với các khoản trái phiếu và không phát hành nhiều trái phiếu mới trong năm qua. Các chính phủ trên khắp châu Á có dư địa tài chính để hỗ trợ nền kinh tế và có rất nhiều dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, cả sự thất bại về ngân sách của Anh và sự sụp đổ đột ngột của sàn giao dịch điện tử FTX đã cho thấy các lỗ hổng tài chính có thể kết tinh thành các vấn đề nhanh như thế nào. Một vài dao động giữa trái phiếu của các thị trường mới nổi có thể cho thấy thị trường hiện tại đang có rất nhiều vấn đề cần phải lưu tâm.

Vũ Duy Bắc
Theo The Economist

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ