Báo cáo cho biết, các nguồn rủi ro đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình bao gồm việc các nền kinh tế tiên tiến rút lại các biện pháp kích thích tài khóa và đồng tiền của các quốc gia này giảm giá so với đồng đô la khi lợi suất của Mỹ và khu vực đồng euro tăng, có thể dẫn đến chi phí trả nợ nước ngoài cao hơn. Đó là một vấn đề bởi vì, ở tất cả các khu vực, nợ nước ngoài liên quan đến xuất khẩu đang ở mức cao nhất trong khoảng 20 năm.
“Thật hợp lý khi nói rằng, một cuộc khủng hoảng đã đến. Trong khi hầu hết căng thẳng cho đến nay là ở các thị trường cận biên, áp lực này đã diễn ra trên diện rộng và có thể cảm nhận được ở cả thị trường tiền tệ trong nước và nước ngoài”, nhà kinh tế trưởng Michael Spencer cho biết.
“Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong vòng 6 tháng tới, điều này sẽ gây áp lực lên các đồng tiền và lợi tức trái phiếu của các thị trường mới nổi. Ở kịch bản tích cực nhất, những đồng tiền đó sẽ giảm giá so với đồng đô la trong một vài quý nữa. Ở kịch bản tệ nhất, chi phí đi vay trong nước sẽ đạt mức cao nhất trong nhiều năm cũng như đồng tiền yếu hơn khiến việc trả các khoản nợ trở nên đắt đỏ”, các nhà phân tích Deutsche Bank cho biết.
Các nhà phân tích cho biết, sự khó khăn có thể lan rộng từ các thị trường cận biên sang các loại tài sản khác và ảnh hưởng trực tiếp tới danh mục đầu tư của các nhà đầu tư. Mức gánh nặng nợ cao nhất là ở các thị trường mới nổi châu Á và các nước Mỹ Latinh, đây là những nước có khả năng chống chịu bên ngoài trung bình kém hơn so với các quốc gia khác trên thế giới.
Theo báo cáo, ngoài Sri Lanka, 14 quốc gia khác đã chứng kiến khả năng tiếp cận tín dụng quốc tế của họ “hầu như không còn nữa”.